Trẻ nhỏ thường rất nghịch ngợm, hiếu động. Nhiều khi bố mẹ vừa dọn nhà xong đã hốt hoảng thấy con biến phòng ốc thành mớ hỗn độn. Tuy nhiên sự hiếu động là một phần trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Khi trẻ đang vô cùng háo hức, muốn khám phá thế giới xung quanh. Vậy nên dù có bực bội, cha mẹ cũng không nên quát mắng hay đánh mà cần giáo dục trẻ theo đúng cách.
Vài ngày trước, ở Trung Quốc xảy ra một câu chuyện. Bà Trương là người phụ nữ đã về hưu, hiện đang sống cùng vợ chồng con trai. Hàng ngày, bà giúp trông cháu nội để các con yên tâm đi làm.
Cách đây không lâu, bà Trương dắt cháu đi siêu thị cùng. Đứa trẻ háo hức với nơi này nên đã dằng khỏi tay bà, chạy loăng quăng khắp nơi để ngó nghiêng các gian hàng. Do tránh 1 người bên cạnh nên cậu bé không may xô vào gian hàng bày trứng gà và làm vỡ mất 1 thùng.
Trong lúc bà Trương đang loay hoay không biết dọn dẹp ra sao thì nhân viên quầy hàng tức tối chạy đến, mắng té tát và đòi bồi thường số tiền gấp 10 lần. Thấy thái độ của nhân viên, bà Trương dù tức giận bình tĩnh nhận lỗi sai của cháu. Tuy nhiên, bà cho biết: “Chỉ có 1 thùng trứng bị vỡ nên tôi sẽ đền tiền đúng 1 thùng. Và đừng tỏ thái độ gay gắt như vậy. Nhà bạn không có trẻ con sao? Chẳng nhẽ trẻ con nhà bạn chưa bao giờ gây ra lỗi lầm gì?”.
Nữ nhân viên sau đó không biết nói gì thêm còn bà Trương ôm thùng trứng vỡ ra thanh toán tiền. Những người chứng kiến vụ việc đều cho rằng, bà Trương nói đúng. Bởi trẻ nhỏ do nhận thức chưa thật sự đầy đủ nên dễ mắc lỗi sai. Trách nhiệm của người lớn là giúp trẻ nhận ra lỗi sai của bản thân, đồng thời cùng bàn cách khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, bà Trương cũng có lỗi khi không trông nom cháu cẩn thận. Để không rơi vào tình huống của bà Trương, các bậc cha mẹ cần chú ý dạy con nhận thức các quy tắc ở nơi công cộng như không chạy nhảy, nô đùa, la hét,...
Bên cạnh đó, việc hình thành ý thức tuân thủ các quy tắc, bố mẹ cũng nên thỏa thuận với trẻ trước khi ra ngoài. Ví dụ trẻ không được đòi đồ chơi hay chạy lung tung,... Nếu trẻ làm được những gì đã hứa thì bố mẹ có thể thưởng một món quà nho nhỏ.
Những điều này có thể khiến trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc giữ lời hứa, đồng thời phát triển tính kỷ luật.
Theo Thanh Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)