Đi du lịch bằng tàu hỏa hay ô tô đường dài, các hành khách đôi khi phải khó chịu bởi những tiếng ồn không mong muốn từ tiếng khóc ỉ ôi, tiếng vòi vĩnh của con trẻ và tiếng quát nạt của bố mẹ chúng.
Có những trường hợp cha mẹ mang con nhỏ đi theo cùng không gây phiền nhiễu bằng cách tạo tiếng ồn thì lại gây khó chịu với hành khách xung quanh khi chiếm gần hết chỗ ngồi của người ngồi bên cạnh.
Những ông bố bà mẹ vô ý này chỉ mua một chỗ trên xe ô tô khách hoặc tàu hỏa nhưng họ lại bế, hoặc cho con nằm chiếm cả sang chỗ người bên cạnh. Mặc dù được nhắc nhở nhưng lại phớt lờ và phải đến khi nhân viên của tàu hỏa hoặc xe khách can thiệp mới ngưng hành động vô ý đó của họ.
Chứng kiến, đọc rất nhiều những điều phiền nhiễu đó nên khi nhìn thấy cảnh hai bố con bé trai ba tuổi hành xử trên tàu một cách văn minh, ai nấy đều có lời khen ngợi.
Câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc trên một chuyến tàu hỏa đường dài, trên khoang ghế ngồi, vào giờ ăn trưa, cậu bé lên 3 khẽ khàng nói với bố: "Bố ơi con đói". Người bố dặn con ngồi im trên ghế để không chạy lung tung để anh đi mua mì.
Mặc dù mới lên 3 nhưng cậu bé đã rất biết nghe lời bố, không chạy lăng xăng khắp nơi như những em bé hiếu động khác. Và trước đó dù đói cũng không la hét hay mè nheo mà chỉ nhẹ nhàng nói với bố.
Vì hai cha con chỉ mua một ghế trên tàu, không muốn ảnh hưởng tới hành khách ngồi bên cạnh, nên khi mua mì về tới nơi, người cha lặng lẽ gọi con ra chỗ trống giữa hai khoang tàu và đút mì cho con ăn.
Để con không làm rơi vãi mì ra sàn tàu, người cha đưa cho con một chiếc khăn giấy để lau nếu làm rơi thức ăn. Ăn xong, cậu bé lau miệng sạch sẽ, rồi dùng chiếc khăn giấy đó, lau những vụn mì rơi xuống sàn tàu lúc ăn.
Hành động của hai cha con, dù rất đơn giản nhưng lại được mọi người đánh giá cao bởi việc người cha dạy cho con được ý thức nơi công cộng như: không gây ồn ào ảnh hưởng tới người khác, không chiếm chỗ và gây khó chịu cho hành khách ngồi cạnh khi đi trên tàu, xe, rất có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Từ những bài học cuộc sống cơ bản mà người cha dạy cho con trai 3 tuổi nói trên, nhiều người thấy rằng, giáo dục trẻ em làm những điều như ông bố kia không khó, nhưng nhiều cha mẹ lại không sẵn lòng hoặc nhiều khi bỏ qua vì nghĩ không quan trọng.
Nếu bạn muốn con mình trở thành một con người biết cư xử đúng mực, văn minh nơi công cộng, thì ngay từ nhỏ bạn đã phải dạy con biết đúng sai, những phép tắc đối đãi với mọi người trong gia đình và với người lạ.
Điều quan trọng cha mẹ nên nhớ, muốn dạy được con, thì mình phải làm gương trước, và nếu làm sai điều gì, phải nhận lỗi và sửa để con noi theo.
Theo An Nhiên (Helino)