Hình ảnh được ghi lại bởi BS Đỗ Tiến Dũng, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội). Sản phụ là chị Bích Ngọc, 28 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc. Cách đây 6 năm chị sinh con đầu lòng. Sau đó chị lại có tin vui nhưng không giữ được. Bác sĩ nói chị bị vòi trứng thông hạn chế. Vợ chồng chị quyết định tới Bệnh viện Bưu điện làm thụ tinh trong ống nghiệm sau đó.
Vì bị ngứa thai kỳ toàn thân, gia đình chị Ngọc đã đề nghị mổ lấy thai từ tuần 35 nhưng các bác sĩ Bệnh viện Bưu điện đã động viên chị kéo dài thời gian hết mức có thể để các bé phát triển ổn định hơn.
"Khi được 37 tuần, mẹ bé vào phòng sinh. Hai bé sinh ra còn nguyên bọc ối là trường hợp khá hiếm gặp trong sản khoa khoảng 80.000 ca mới có một”, BS Đỗ Tiến Dũng, người thực hiện ca mổ nói.
Lần đầu tiên chứng kiến ca sinh mà các bé còn nguyên bọc ối, bọc ối của một bé lại còn có hình trái tim, BS Dũng nói các nhân viên y tế rất ngạc nhiên, thích thú. BS Dũng đã nhờ người ghi lại hình ảnh đáng nhớ. Điểm đặc biệt khác, bọc ối của 2 bé song sinh của vợ chồng chị Ngọc có cấu tạo dai hơn bình thường. Hình ảnh sau đó được gửi cho sản phụ, khiến chị xúc động rơi nước mắt.
Đôi song thai ra đời an toàn, bằng phương pháp sinh mổ, là hai bé gái, một bé nặng 3kg, bé còn lại nặng 2,9kg.
Chào đời khi các bé còn trong bọc ối là trường hợp khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1/80.000 cả trên toàn thế giới.
Tháng 7/2019, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã phẫu thuật lấy thai cho sản phụ Vũ Thị Tâm (25 tuổi, Hải Dương), đón bé gái chào đời với túi ối vẫn còn nguyên vẹn bao bọc quanh người.
Tháng 9/2019, Khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng mổ lấy thai đón 2 bé gái sinh đôi của chị Nguyễn Thị T (33 tuổi), ra đời ở tuần thứ 36. Điều đặc biệt là một trong hai bé sinh đôi của chị sinh ra còn nguyên bọc ối (bọc điều). Khi bé gái thứ 2 chào đời, các bác sĩ nhanh chóng, cẩn thận rạch túi nước ối đưa em bé ra để tránh ngạt và tiến hành cắt dây rốn.
Trước đó, vào 9/2016, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cũng gặp một trường hợp sinh con hy hữu khi một trong 3 trẻ sinh 3 ra khỏi bụng mẹ với bọc ối vẫn còn nguyên vẹn bao quanh người.
Theo các bác sĩ sản khoa, túi ối chứa dịch bên trong tử cung của sản phụ, có vai trò như nơi trú ngụ và nuôi dưỡng thai nhi chưa chào đời. Túi ối còn được gọi là "màng" vì nó cấu tạp gồm 2 lớp màng ối và màng đệm.
Dịch bên trong túi ối, còn gọi là nước ối, có màu nhờ và trong, giúp thai nhi trôi nổi và cử động dễ dàng. Nước ối cũng giúp duy trì nhiệt độ bất biến cho môi trường nuôi dưỡng đứa trẻ, giúp em bé tránh bị va đập và tổn thương.
Thông thường, túi ối sẽ bị vỡ dưới tác dụng của những cơn co bóp tử cung trong quá trình chuyển hoặc khi có tác động của dao mổ. Trước khi sinh, màng ối sẽ được bấm nếu chưa vỡ tự nhiên. Nếu màng ối chưa rách, thai nhi không thể ra ngoài được.
Nếu sinh mổ, để lấy nguyên vẹn bọc ối ra ngoài cũng rất khó vì thông thường dao mổ sẽ làm vỡ bọc ối. Chỉ một số ít trường hợp thai nhi đủ tháng, chào đời với màng ối còn nguyên vẹn, bao bọc bên ngoài.
Nguyên nhân có thể do màng ối dày và dai hơn bình thường hoặc tầng sinh môn của mẹ dãn hay quá nhão. Trường hợp song sinh đủ tháng mà vẫn nằm nguyên trong bọc ối như trên là rất hiếm gặp.
Theo Quỳnh An (Giadinh.net.vn)