Cặp đôi đồng tính nữ lần đầu tiết lộ về cuộc tình gian nan xuyên 2 lục địa hơn 30 năm

21/02/2016 11:05:20

Tình yêu kéo dài 3 thập niên, xuyên 2 lục địa của cặp đôi đồng tính nữ khiến không ít người phải cảm động. Đối với họ, hạnh phúc và tự do, nhiều khi chỉ là được ăn chung đồ ăn trên một cái đĩa, được uống chung một ly nước.

Tình yêu kéo dài 3 thập niên, xuyên 2 lục địa của cặp đôi đồng tính nữ khiến không ít người phải cảm động. Đối với họ, hạnh phúc và tự do, nhiều khi chỉ là được ăn chung đồ ăn trên một cái đĩa, được uống chung một ly nước.
Mới đây, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện về cặp đôi đồng tính nữ đã yêu nhau 33 năm. Một người tên là Châu, sống ở Việt Nam. Người kia tên là Mỹ, sống ở Canada.
 
Sau hơn 30 năm xa cách, đấu tranh với định kiến xã hội và chống đối từ gia đình, Mỹ và Châu đã kết hôn và được chấp thuận bảo lãnh định cư tại Canada. Thông qua câu chuyện này, cặp đôi muốn lên tiếng khuyên các LGBT trẻ có thêm nghị lực và tự hào sống là chính mình, đồng thời kêu gọi những LGBT lớn tuổi hãy dũng cảm công khai để thay đổi thái độ xã hội.
 

Câu chuyện về tình yêu của hai chị Mỹ - Châu nhận được sự chia sẻ của rất nhiều cư dân mạng.

 
Dưới đây, chúng tôi xin được lược trích câu chuyện cảm động về tình yêu đồng tính nữ suốt 33 năm xa cách mà Trung tâm ICS mới đây đã đăng tải công khai trên các diễn đàn mạng xã hôi.
 
Mối tình "sét đánh" ngay từ lần đầu gặp gỡ
 
Câu chuyện được thuật lại qua lời kể của chị Mỹ (năm nay 47 tuổi). Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó với 12 anh chị em. Người yêu của chị - tên Châu cũng sinh ra ở Sài Gòn, kém chị 2 tuổi.
 
"Lần đầu tiên gặp Châu, tôi thấy Châu vô cùng đặc biệt. Tôi bị lôi cuốn, thu hút theo dáng điệu nhẹ nhàng, ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ của Châu. Nhưng cả mấy tháng trường, tôi cũng chẳng dám nói chuyện với Châu, bởi lẽ mỗi lần nhìn thấy Châu tôi đều cảm thấy trong lòng thật hồi hộp, run đến quên cả không còn nhớ được mình đang định muốn nói gì.
 

Đám cưới hạnh phúc của cặp đôi. Ảnh ICS.

 
Nhà Châu nghèo, không thể cho cả ba anh em đi học. Mẹ em bán hủ tíu, bánh canh. Châu giúp mẹ dọn ra bán, phụ việc suốt cả ngày. Nhìn thấy Châu chăm chỉ làm việc, tôi càng cảm mến em hơn. Tôi đề nghị với Châu giúp em một tay dọn dẹp quán vào mỗi buổi chiều.
 
Tới năm 1983, tình bạn chúng tôi đã trở thành một mối quan hệ thân thiết đặc biệt. Bất cứ lúc nào chúng tôi có thời gian rảnh, là chúng tôi gặp riêng nhau. Sự san sẻ, yêu thương đã chạm vào trái tim Châu. Châu đáp lại tình yêu của tôi, bằng tình yêu của Châu.
 
Lúc đó, chúng tôi còn quá trẻ để hiểu về sự ràng buộc, trách nhiệm. Chỉ có một điều chúng tôi biết rất rõ: Chúng tôi yêu nhau.
 
Khi tình cảm hai đứa dành cho nhau đã quá đậm sâu, thì cũng là lúc tôi phải cùng gia đình định cư sang Canada vào 10/1984. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng khoảng cách sẽ dần xóa nhòa, thậm chí quên luôn thứ tình cảm cùng giới này. Nhưng, chúng tôi không thể quên.
 
23 năm yêu nhau qua những cuộn băng ghi âm vượt đại dương
 
Từ năm 1985 tới 1989, chúng tôi liên lạc với nhau qua thư viết tay, và gửi qua đường bưu điện. Thời đó, mỗi lá thư đi mất gần một tháng cho tới sáu tuần để người kia nhận được. Cho nên mỗi khi đọc xong là đối phương phải lập tức viết hồi âm lại liền. Suốt từng ấy năm, hạnh phúc được chuyên chở qua những lá thư tình.
 

Món quà Valentine đầu tiên vào năm 1986.

 
Từ năm 1997 đến 1998, tình cờ lúc đó cả hai đều đang có người đàn ông khác theo đuổi. Một người doanh nhân thông minh, thành đạt tên là Trường, theo đuổi Châu. Phía tôi cũng vậy. Lý trí mách bảo chúng tôi bắt đầu một cuộc đời mới, nhưng con tim thì luôn thổn thức, khổ sở. Châu lịch sự từ chối những cử chỉ quan tâm, thân mật từ người đàn ông kia. Tôi cũng vậy, tôi chỉ có thể xem đàn ông là bạn.
 
Sau thử thách lớn nhất đó, cả hai nhận ra chúng tôi không thể chối bỏ tình cảm đồng giới của mình, rằng chúng tôi yêu nhau và thuộc về nhau. Tình yêu trỗi dậy càng mãnh liệt, sâu sắc hơn.
 
Hai người vẫn duy trì liên lạc liên tục. Chi phí điện thoại tăng chóng mặt. Tôi và Châu cùng tính rằng hai đứa tốn quá nhiều tiền, đến nỗi chỉ cần thêm một chút tiền tiết kiệm của tôi là có thể mua được nhà và xe, trong khi ở Canada tôi vẫn ở nhà thuê và đi lại bằng xe buýt.
 
Tôi đã nhiều lần bàn với Châu về ý định bỏ hết mọi thứ ở Canada và quay về sống với em tại Việt Nam nhưng Châu không thể làm được điều này vì mẹ em sống hoàn toàn phụ thuộc vào em. Hơn nữa việc tôi về sống với Châu cũng đồng nghĩa với việc em phải công khai. Em rất lo và sợ việc công khai với mẹ sẽ khiến mẹ em ngăn cản quyết liệt.
 

Máy và băng ghi âm Mỹ gửi cho Châu trong khoảng 2004 - 2010.

 
Bên cạnh đó, tôi cũng đã hứa với người cha quá cố của tôi rằng tôi sẽ chăm sóc mẹ, lúc đó đã hơn 80 tuổi. Châu và tôi đều bị giằng xé giữa tình yêu của đời mình và bổn phận làm con phải tôn trọng và báo hiếu mẹ.
 
Nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định nói cho hai người mẹ biết. 20/3/2006, Châu thừa nhận với mẹ của em rằng chúng tôi đã yêu nhau 23 năm từ năm 1983. Mẹ của em bị sốc, hoảng sợ, tuyệt vọng, đau khổ, giận dữ, và kiên quyết phản đối.
 
Cuộc đấu tranh bền bỉ để đi đến hôn nhân
 
Mỗi ngày Châu bị mẹ hành hạ bằng những lời nói, câu chửi rất khó nghe. Từ năm 2006 cho đến cuối năm 2008 là khoảng thời gian khó khăn nhất. Cứ cách một ngày mẹ Châu lại mắng chửi em một lần trong suốt cả hai năm trời.
 
Vào tháng 5/2008, tôi biết được rằng Châu bị trầm cảm rất nặng và có ý định tự sát, tôi đã rất lo lắng. Tôi nói với Châu, tôi không muốn chờ thêm nữa, xin hãy để tôi quay về gặp em (vì làm sao chúng tôi biết được đến khi nào mẹ em mới hết tức giận). Vì thế, tôi về gặp Châu vào dịp Giáng Sinh năm 2008.
 
Trong 2 ngày đầu tiên trở về Việt Nam, Châu đến ở cùng tôi ở khách sạn. Vào buổi sáng ngày thứ hai, Châu về khách sạn và em nói rằng, mẹ em nói với em hãy kêu tôi về ở nhà của em, không cần phải ở khách sạn nữa.
 

Chúng tôi hôn nhau trong lúc nước mắt cứ tuôn trên má. Nước mắt của chúng tôi là nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc pha với đau khổ và nhớ nhung. Chúng tôi hôn lên nước mắt của nhau, ôm chặt lấy nhau rồi cùng òa lên khóc.

 
Khi vào nhà, tôi hơi sốc khi gặp mẹ Châu đang ngồi ngay phòng khách. Bà kêu tôi ngồi lên ghế, đừng ngồi dưới sàn nữa và tôi nghe theo. Tôi nói chuyện với mẹ Châu gần 3 tiếng, nhưng chủ yếu mẹ Châu là người lắng nghe còn tôi là người nói.
 
Bà nói với tôi rằng, tôi không được để mẹ tôi biết về chuyện tình cảm của tôi với Châu. Bà lo sợ nếu bất kỳ ai biết được chuyện này, bà sẽ chui xuống đất và mãi mãi trốn luôn dưới đó.
 
Khi ở riêng cùng nhau, Châu rất vui vì chúng tôi được ở bên nhau, nhưng cũng rất buồn và khóc rất nhiều vì tôi không được đối xử tử tế. Lúc nào quanh ba chúng tôi cũng có một không khí lạnh lùng.
 
Hai lần sau khi về thăm Châu vào Tết 2009 và 2010, thái độ của mẹ Châu cũng y như vậy. Sau khi Châu công khai với mẹ, gia đình và bạn nè, em bắt đầu thoải mái thể hiện tình yêu với tôi hơn, nhất là trước mặt những người đã biết về chuyện hai chúng tôi.
 

Hạnh phúc và tự do, nhiều khi chỉ là ăn chung đồ ăn trên một cái đĩa, uống chung một ly nước.

 
Tuy vậy nó lại khiến mẹ Châu tức giận. Sau cái Tết 2010, mẹ Châu lại căng thẳng. Mẹ em nói bà thật sự sai lầm khi kêu tôi trở về ở trong cái nhà này.
 
Tháng 6/2010, Châu lại có ý định tự tử, nhưng sau đó em bình tĩnh lại và nói với mẹ của em rằng: "Má, nếu việc con ở trong nhà này vẫn còn khiến má buồn bực và nhục nhã, ảnh hưởng đến sức khỏe của má, nếu má muốn con ra khỏi nhà để bớt tức giận và thấy thanh thản hơn, thì con sẽ chấp nhận ra khỏi nhà. Còn không, má chỉ cần tha thứ cho con, chấp nhận con và đừng đối xử với con như vậy nữa, vì con sắp không thể chịu đựng nổi nữa rồi."
 
Sau cuộc nói chuyện đó, Châu cảm thấy tình cảm hai mẹ con dần dần cải thiện hơn. Tuy nhiên, sức khỏe của mẹ Châu kém đi nhanh chóng. Năm 2012, mẹ em thường phải nhập viện khám bệnh. Thời gian đó, Châu chỉ tập trung vào việc chăm sóc cho mẹ. Cho tới hơi thở cuối cùng của bà, Châu vẫn chưa biết được liệu mẹ mình có đã tha thứ cho em và có hoàn toàn chấp nhận tình yêu của chúng tôi hay không. Dẫu sao, với chúng tôi thì sự thừa nhận của mẹ em vẫn rất quan trọng".
 
"Tôi nhận ra mình sẽ giữ tình yêu này cả khi đi qua cái chết"
 
Trong câu chuyện đó, chị Châu cũng tâm sự: "Vấn đề lớn nhất của tôi là sự chấp thuận từ mẹ tôi khi bà còn sống. Nhưng tình yêu của tôi với người bảo lãnh vẫn âm thầm lớn dần hơn, cho tới khi tôi nhận ra mình sẽ giữ tình yêu này cả khi đi qua cái chết.
 
Sau khi mẹ tôi qua đời vào tháng 11/2012, đó là lúc tôi muốn chăm sóc cho tình cảm và sức khỏe của người bảo lãnh tôi.
 
Hơn 32 năm yêu thương, tôi biết người bảo lãnh của tôi rất mong được tổ chức đám cưới với tôi, vì vậy tôi đã "Đồng ý" với lời cầu hôn vào 14/2/2014. Chúng tôi quyết định tổ chức hôn lễ vào ngày 27/2/2015. Mặc dù không được kết hôn hợp pháp tại Việt Nam, chúng tôi vẫn rất hạnh phúc vào ngày cưới.
 

Tôi mong ước mơ của mình thành sự thật, xây dựng một mái ấm cùng với người bảo lãnh của tôi ở Canada, cùng già đi, cùng sống cuộc đời hạnh phúc mãi về sau.

 
Sau nhiều sóng gió, hiện tại, cặp đôi đã sang Canada để có cuộc sống chung đôi gần bên nhau mà theo lời chị Mỹ, đây không chỉ là khởi đầu cuộc sống mới với 2 người mà còn là một cuộc sống tự do và bình đẳng.
 
Theo Thu Hường (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật