Cảnh sống trong tập thể cũ: Đêm tân hôn nhớ đời trong "chuồng cọp" 7m2

21/03/2016 13:52:29

Nói đến nỗi khổ khi sống trong khu tập thể cũ, chị K cứ bụm miệng cười. Chị bảo, khổ thì trăm đường khổ, nào chật chội, ẩm ướt, tường vôi tróc lở, hàng xóm láng giềng xấu tính, chuột bọ hoành hành … Thế nhưng cái kỷ niệm mà chị nhớ nhất ấy là đêm tân hôn.

Nói đến nỗi khổ khi sống trong khu tập thể cũ, chị K cứ bụm miệng cười. Chị bảo, khổ thì trăm đường khổ, nào chật chội, ẩm ướt, tường vôi tróc lở, hàng xóm láng giềng xấu tính, chuột bọ hoành hành … Thế nhưng cái kỷ niệm mà chị nhớ nhất ấy là đêm tân hôn.

Chị K kể: “Mình sinh ra và lớn lên ở phố Lò Đúc. Bố mẹ đều làm công chức. Ngày trước, nhà mình cũng được phân 1 căn hộ tập thể. Tuy nhiên, vì thấy căn hộ đó chật chội nên bố mẹ mình đã bán đi và mua một mảnh đất mới, xây lên đó căn nhà 4 tầng khang trang rộng rãi. Vì thế, mình chưa bao giờ biết đến cảnh sống chật chội, cũng chưa từng nghe ai đó kể về cuộc sống của người dân Hà Nội trong những khu nhà ổ chuột.

Thế rồi lớn lên, không hiểu số phận thế nào, mình lại yêu một anh ngành học điện lực. Đến khi tình yêu sâu đậm lắm rồi, 2 đứa bàn đến chuyện cưới xin, mình mới được anh dẫn về nhà (mà nói đúng hơn là mình mới dám đến nhà anh).

Đến đến nơi, thấy cả nhà anh có 6 người (ông bà nội, bố mẹ, anh, và cô em gái) mà căn hộ chỉ nhỏ bằng cái bếp nhà mình, mình đã sốc. Tuy nhiên, vì tình yêu mình quyết tâm lấy anh.

Lễ cưới được tổ chức xong. Anh dẫn mình về nhà. Mình cũng tò mò lắm, không biết nhà chật như thế thì phòng cưới của mình sẽ ở đâu?

Sau cùng, mình mới biết, căn phòng kín đáo và được trang trí đẹp nhất để làm phòng cưới ấy, không đâu khác chính là chiếc chuồng cọp 7m2 được gia cố thêm của nhà anh.

Một "chuồng cọp" trong khu tập thể cũ Hà Nội

Cũng chính vì đó là "chuồng cọp" được gia cố thêm nên không ai dám đặt những vật nặng trong đó. Vì thế, bọn mình không có giường cưới mà chỉ có một tấm nệm đặt xuống nền nhà.

Đêm xuống, không hiểu nước từ đâu cứ nhỏ xuống từng giọt. Ban đầu, nó nhỏ thành tiếng lộp độp xuống mái tôn – nơi nhà chồng lắp thêm để phơi quần áo. Sau, nó chảy cả xuống bức tường được ghép bằng nhựa ngay trên đầu giường của mình. Rồi từ từ, nước ở đâu rơi thẳng xuống mặt, xuống người, xuống chăn, xuống đệm…

Mình cứ co rúm người, hỏi anh thì anh bảo, chắc người ở chuồng cọp phía trên giặt giũ, hoặc họ đi vệ sinh, hay làm cái gì đó rồi đổ nước ra sàn nên nước ngấm xuống nhà mình. Anh còn bảo, bình thường, cứ tầng trên đổ nước là tầng mình hứng trọn, nhưng lúc lắp phòng cưới, tính toán không kỹ thành ra bây giờ mới đến nông nỗi này”.

Các chung cư đều cơi nới, mở rộng thêm diện tích sử dụng

“Thế là đêm đó, 2 vợ chồng hết quay ngang lại quay ngửa, tìm chỗ tránh nước, nhưng tránh không nổi vì nước tràn xuống, ngấm hết lên đệm, lên chăn. Hai đứa cứ lo lau nước, thấm nước, tát nước cũng hết cả đêm. Sáng ra, đứa nào đứa nấy nhìn phờ phạc. Đã thế hai vợ chồng lại phải cõng hết chăm đệm ra giặt, ra phơi…

Cô em gái nhìn thấy mình mặt mũi bơ phờ vì thiếu ngủ, lại thấy giặt chăn, phơi đệm thì cứ tủm tỉm cười, mẹ chồng cũng tủm tỉm cười. Sau, nó còn trêu, bảo, anh chị lần sau ngủ thì ngủ trật tự chút. Ồn ào, lục đục như hôm qua làm cả nhà mất ngủ theo.

Mình cứ tím mặt. Nghĩ vừa bực vừa buồn cười vì đã không được “sơ múi” gì lại còn bị mang tiếng” – chị K hài hước kể.
 
>> Chung cư cũ xuống cấp ở Hà Nội: Dân đi vệ sinh vào xô, chậu
>> Hàng nghìn "bom nước" trên đầu người dân ở chung cư cũ
(Còn nữa)
 
Theo Minh Anh – Ngọc Trang (VietNamNet)
 
(ghi theo lời kể của chị K – khu tập thể Giảng Võ)