Nếu ai đặt chân đến vùng đất thuộc thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) thì ắt hẳn sẽ ngỡ ngàng khi tận mắt chiêm ngưỡng những quả bí đao khổng lồ, được trồng lủng lẳng trong khu vườn .
Tính đến thời điểm này chỉ có duy nhất làng Chánh Trạch mới trồng được loại nông sản đặc biệt này nhờ thổ nhưỡng phì nhiêu hiếm có.
Hiện tại trong làng có khoảng 50 hộ trồng loại bí đao khổng lồ. Người làng Chánh Trạch cho rằng giống bí có một không hai này có được nhờ cách chọn giống, trồng trọt truyền thống từ các cụ ngày xưa để lại.
Người dân nơi đây cho biết khi thu hoạch phải chọn trái to nhất để giữ làm giống cho mùa sau. Cứ thế, tính trạng tốt được chọn lọc từ đời này qua đời khác.
Ngoài ra, người dân phải thúc bí bằng cách bỏ nhiều phân chuồng, bánh dầu để tăng dinh dưỡng cho đất.
Bà Bình, một người dân trồng bí đao khổng lồ chia sẻ, người dân thường xuống giống vào tháng Chạp và bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng Tư âm lịch, khi trái đã đạt trọng lượng khoảng từ 50 - 60 kg.
Theo bà Bình, giàn bí đã thân thuộc với bà từ bé nên rất hiểu rõ phương pháp trồng trọt và sự phát triển của loại nông sản đặc biệt này.
"Mỗi giàn có khoảng mấy chục, có nhà thì gần trăm trái. Do mỗi trái nặng hàng chục kg nên giàn tre phải làm chắc chắn và thấp, nếu không là sập bất cứ lúc nào. Chuyện sập giàn bí cũng thỉnh thoảng xảy ra nhưng không quá nghiêm trọng", bà Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, để trái bí không bị rớt xuống đất, người trồng đã mắc võng tự chế để bí "ngủ" dưới giàn.
Những ngày nắng gió, những trái bí đong đưa, lắc lư trên chiếc võng ấy, khiến người phương xa ghé thăm đều ngạc nhiên thích thú.
"Nhiều người cũng xin giống bí ở đây về trồng ở nơi khác nhưng kỳ lạ là, khi xin giống, bí vẫn ra trái nhưng không thể cho trái to như tại đây", người nông dân cho hay.
Mặc dù thuộc hàng "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam, với mỗi quả bí nặng hàng chục kg, thậm chí có quả đạt gần 100kg nhưng giá trị của chúng chỉ bằng những loại rau củ quả thông thường.
Ngoài ra, việc quả bí quá to và nặng nên việc thu hoạch gặp không ít trở ngại. Mỗi lần hái xuống đất phải ít nhất 3 người tham gia "rước" gồm 2 người đỡ bí và 1 người dùng dao cắt cuống.
Theo Tứ Quý (Trí Thức Trẻ)