Trong một thế giới hiện đại liên tục xoay vần, con người ta phải đều đặn hàng ngày chạy đua với nhịp sống tất bật. Khi mà những áp lực bắt nguồn từ cuộc sống cá nhân cũng như công việc cứ đè nặng lên vai mỗi người thì việc làm cách nào để có thể trung hòa và cân bằng cuộc sống đang là xu thế chung. Và chính trong cái xu thế thay đổi chóng mặt ấy, nhiều thuật ngữ mới đã được phát sinh - "Work-life Balance" (tạm dịch: cân bằng công việc và cuộc sống) là một trong số đó.
Chọn công việc, nghề nghiệp, tham vọng thăng tiến hay cuộc sống (sức khỏe, niềm vui, gia đình, hạnh phúc, phát triển tâm hồn) vẫn cứ là câu hỏi khiến nhiều người đắn đo. Có muôn vạn câu trả lời cho câu hỏi trên; tuy nhiên, đa phần người ta không ngần ngại dành hết tuổi xuân, công sức và thời gian để cắm mặt vào màn hình vi tính bên trong bốn bức tường của nơi văn phòng chật hẹp rồi mong rằng những nỗ lực của bản thân cũng như số tiền kiếm được từ sự cần mẫn của bản thân có thể là tiền đề cho sự cân bằng cũng như một cuộc sống tốt đẹp và đủ đầy sau này.
Tuy nhiên, có hay không việc ngày nào bạn "đầu tắt mặt tối", rời văn phòng khi mặt trời đã tối mịt để đảm bảo được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc?
Các nghiên cứu được tiến hành bởi chuyên gia Marianna Virtanen tại Học viện Sức khỏe Nghề nghiệp của Phần Lan chỉ ra, làm việc quá sức, rời văn phòng muộn là nguyên nhân gây ra các hội chứng căng thẳng như trầm cảm, thiếu ngủ và uống nhiều rượu bia.Ở diễn biến khác, một nghiên cứu đối với các lao động Mỹ, Úc và Châu Âu cũng chỉ ra rằng, những người rời văn phòng muộn, làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần có nguy cơ đau tim là 33% so với tỷ lệ 13% ở những người chỉ làm việc 40 giờ một tuần.
Những dẫn chứng trên có thể không phải là một câu trả lời rõ ràng và cụ thể nhất cho những tác hại của việc làm việc quá sức mang lại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những tác động tiêu cực của việc suốt ngày "đầu tắt mặt tối" nơi văn phòng vẫn cứ tồn tại đâu đó.
Việc bạn cứ cắm mặt suốt ngày trong văn phòng đến tối mịt chưa hẳn chứng minh được việc bạn là một thành tố chăm chỉ, mẫn cán và tận tụy trong mắt sếp. Ngược lại, có một thực tế đang tồn tại, những con người thành công thường rất ít khi ở lại văn phòng trễ. Vậy nên, ngay hôm nay, tại sao bạn chưa dũng cảm tắt máy, dọn gọn lại bàn làm việc, đẩy ghế và đứng dậy để rời văn phòng khi tiếng chuông tan sở đã điểm. Để rồi, bạn sẽ bất ngờ với những tác động tích cực mà trước giờ bạn chưa từng biết đến:
1. Rời văn phòng đúng giờ để kiểm soát công việc tốt hơn
Khi đứng trước áp lực của việc phải về nhà đúng giờ để có thể dành thời gian cho những dự định riêng của bản thân, bạn sẽ tự ý thức được việc kiểm soát công việc của chính bản thân mình để có thể hoàn thành được chúng một cách đầy đủ và chất lượng trước giờ ra về.
2. Rời văn phòng đúng giờ để làm được nhiều việc hơn trong ngày
Vừa nghe qua, việc rời văn phòng đúng giờ và làm nhiều việc hơn là hai phạm trù có phần mâu thuẫn nhau. Bởi lẽ, theo logic, khi quỹ thời gian càng nhiều, chúng ta lại có thêm nhiều công việc được hoàn thành. Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận được rằng, hàng ngày, chúng ta tốn quá nhiều thời gian cho những việc không đáng và gây xao nhãng như lướt mạng xã hội, trò chuyện với đồng nghiệp, ăn uống và vô vàn những thứ nhỏ nhặt khác.
Đứng trước áp lực phải về nhà đúng giờ, chúng ta sẽ tự có cách để điều chỉnh những thói quen chưa tốt, giảm bớt thời gian cho những công việc riêng tư không mang lại hiệu quả và tập trung vào việc hoàn thành công việc. Kỹ thuật quản lý thời gian Pomodoro để phân chia lịch trình hiệu quả hơn, hoặc phương pháp Eisenhower của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower chính là "cứu cánh" cho bạn nếu bản thân đang gặp vấn đề với câu chuyện quản lý thời gian.
3. Rời văn phòng đúng giờ để có thời gian dành cho gia đình
Như một lẽ hiển nhiên, việc có thể rời văn phòng ngay khi tiếng chuông báo giờ tan sở vừa điểm sẽ giúp bạn có thêm thời gian cho những dự định và công việc riêng, một trong số đó là dành cho những người thân yêu trong gia đình. Khoảng thời gian ở bên và trò chuyện cùng những người thân yêu đích thị là liều thuốc tốt nhất để bạn có thể giảm bớt mệt mỏi cũng như những căng thẳng, áp lực gặp phải trong công việc hàng ngày.
4. Rời văn phòng đúng giờ để việc mai làm cũng được
Nhiều người trong số chúng ta vẫn thường tâm niệm, việc hôm nay chớ nên để đến ngày mai mới làm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những công việc nếu để đến mai rồi hoàn thành cũng chẳng sao. Bởi nếu cứ ngồi nơi góc văn phòng và chờ đợi thì công việc ấy chẳng thể hoàn thành ngay được. Ngược lại, việc cứ chờ đợi và đặt nặng tâm lý càng khiến bạn cảm thấy bứt rứt và mệt mỏi hơn gấp bội.
Cuộc sống vốn dĩ đã dạng và nhiều màu sắc chờ ta khám phá; và chắc chắn bạn chẳng thể khám phá hết sự kỳ diệu của cuộc sống này nếu cứ mãi vùi đầu trong bốn bức tường chật hẹp chốn văn phòng. Hơn hết, hãy yêu thương bản thân đúng cách, dành ra cho mình những khoảng trống và những giây phút tái tạo nguồn năng lượng và mạch cảm xúc. Bởi chỉ có như thế, tâm trí của chúng ta mới đủ tươi tỉnh và thoải mái mà hoàn thành tốt công việc nơi công sở.
Theo Louis (Helino)