Những cái Tết "lạnh ngắt" tới rợn người
Bên ngoài con đường 70 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) người rộn ràng mua đào - mai đón Tết, người vội vã về quê cho kịp chuyến xe cuối cùng. Ở bên trong cánh của một Bệnh viện 09, không khí Tết lại quá âm u và lạnh lẽo.
Tại bệnh viện, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt của bệnh nhân vẫn luôn hướng ra ngoài cửa. Họ mong chờ được người nhà đón về để ăn một cái Tết đoàn viên cuối cùng với gia đình, nhưng sự chờ đời chỉ là vô vọng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện 09) chia sẻ, những cái Tết ở bệnh viện thường diễn ra trong lạnh lẽo, tới lạnh người của cả y bác sĩ và bệnh nhân ở nơi đây. Việc bệnh nhân chết không người nhận xác là chuyện bình thường.
Vì hầu hết những bệnh nhân đều đã bị ra đình chối từ hoặc họ không muốn cho người nhà biết. Những lúc đó nhân viên y tế đã trở thành người thân của họ, tiễn họ về với suối vàng, lo bát cơm, quả trứng, đưa bệnh nhân đi hỏa thiêu.
Bác sĩ Hưng vẫn bị ám ảnh với những ánh mắt của bệnh nhân HIV/AIDS trước lúc nhắm mắt, ánh mắt họ vẫn luôn hướng ra cửa chờ đợi người thân đón về. Để rồi họ ra đi trong sự cô quanh, những người bênh cạnh chỉ là những nhân viên y tế.
Hơn 20 năm, từ khi làm công việc tại bệnh viện bác sĩ Hưng chỉ có khoảng 6 cái Tết ở nhà. Nhưng cả 6 cái Tết đó đều không trọn vẹn. Trước đây khi bệnh viện vẫn là trung tâm cai nghiện ma túy gần như không có Tết ở nhà.
Bác sĩ Hưng cho biết: "Lúc người ta vui nhất thì mình buồn. Cái Tết mới đây nhất tại bệnh viện tôi đón giao thừa tại quán phở. Ăn xong miếng phở cuối cùng là lúc đồng hồ điểm năm mới".
Môi trường làm việc tại bệnh viên rất phức tạp với đủ các thành phần trong xã hội, nguy cơ phơi nhiễm bệnh tật cao. Nhưng thu nhập của các bán bộ ở đây chỉ là những đồng lương ít ỏi.
Hiện nay, bệnh viện có 186 cán bộ nhân viên, 80% là đang phải thuê nhà. Đa phần cán bộ tại bệnh viện là người tỉnh lẻ vì vậy những ngày Tết với họ rất vất vả.
Cũng vì lẽ đó mà gần như năm nào cũng có cán bộ chuyển công tác, và lại có cán bộ mới về với tuổi trẻ cống hiến. Nhưng sau đó lại chững lại vì những rào cẩn về mặt chính sách.
Bác sĩ Hưng tâm sự để có một cái Tết lo đủ không ít nhân viên của bệnh viện sau giờ làm phải đi chạy thêm xe ôm, chở hàng, bán bánh giò, trứng vịt lộn, bán xôi… để có thêm thu nhập.
Luôn chịu kỳ thị kể cả con cái cũng không hiểu
Thời gian thấm thoắt trôi qua, bác sĩ Hưng đã có 20 năm gắn bó với công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, bác sĩ Hưng chưa hề hối hận về lựa chọn tuổi trẻ năm xưa của mình.
"Tôi chưa bao giờ ân hận về sự lựa chọn của mình, mặc dù có giây phút nào đó mình chạnh lòng. Đã có những lúc tôi cảm thấy nuối tiếc, khả năng của tôi có lẽ phấn đấu làm trong môi trường khác sẽ cống hiến được nhiều hơn nữa…", bác sĩ Hưng tâm sự.
Theo bác sĩ Hưng môi trường làm việc tại BV 09 khá đặc biệt, không chỉ người dân kỳ thị mà nhiều bác sĩ "sợ" môi trường này. Ngay cả bản thân con của bác sĩ Hưng dù đã học lớp 10 nhưng vấn đang có chút mặc cảm về nơi bố mẹ công tác.
"Con trai lớn hỏi vì sao bố mẹ không làm ở bệnh viện lớn, tôi hiểu được câu hỏi đó của con. Vì cả bố và mẹ đều là bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân HIV, nghiện ma túy.
Cách đây vài ngày, khi đón con đi học về cháu vẫn hỏi: "Bố có phải chỉ giỏi mỗi chữa bệnh nhân HIV không. Bố có chữa được cho bệnh khác không, những câu hỏi đó cứ bị xoáy đi, xoáy lại... Tôi lại phải tìm hiểu vấn đề để trò chuyện giải thích cho con hiểu", bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Hưng tâm sự: "Tôi tự mình lên dây cót cho mình, tự mình cảm nhận niềm vui riêng tư cho mình. Những năm tháng ở đây giúp tôi cứng cáp hơn .
Ở đời phải thích ăn những món mình không thích, nghe những điều mình thấy khó chịu. Làm việc trong môi trường như vậy, tôi chấp nhận nghe người ta chửi và đe dọa".
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)