Cách đơn giản để lấy điện thoại khỏi tay con đang chơi mà trẻ không "nổi trận lôi đình"

19/11/2017 10:05:32

Chuyên gia gợi ý cho các bậc phụ huynh cách giúp con rời khỏi chiếc điện thoại thông minh mà không có bất cứ tiếng la hét hay khóc lóc nào cả.Cấm cản sẽ rất khó, hãy thử cách này để con chơi điện thoại, xem ti vi một cách thông minh

Khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, phát triển không ngừng, những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng… dường như trở thành “vật bất li thân” đối với đa số mọi người. Thế nhưng, không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng trở thành “con nghiện smartphone”. Và tất nhiên, việc bảo chúng đặt điện thoại xuống dần dần trở thành “cuộc chiến đẫm nước mắt”.

Cách đơn giản để lấy điện thoại khỏi tay con đang chơi mà trẻ không "nổi trận lôi đình"
Chiếc điện thoại giờ đây dường như không chỉ là "vật bất li thân" với người lớn mà cả với những đứa trẻ (Ảnh minh họa).

Hãy thử xem đoạn hội thoại này và liệu bạn có thấy mình trong đó không nhé!

Mẹ: Con ơi, đến giờ ăn cơm rồi, tắt điện thoại và đi rửa tay đi rồi vào ăn cơm nào.

Con: Cho con xem thêm 5 phút nữa thôi mẹ.

Mẹ:…

Mẹ: Đã hết 5 phút rồi đó, con còn chưa tắt điện thoại sao?

Con: (Vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại).

Bà mẹ đến, giật lấy chiếc điện thoại và tắt phụt đi, kèm theo đó là một loạt câu mắng mỏ. Diễn biến tiếp sau đó thì hẳn ai cũng đoán được, cậu bé nhăn mặt rồi khóc toáng lên, không chịu đứng dậy ra bàn ăn. Vậy là bữa cơm đó, cả nhà chẳng ai được vui. Mẹ thì vừa ăn cơm vừa nghe cậu con trai bướng bỉnh khóc lóc, còn đứa trẻ thì ăn cơm chan nước mắt chỉ vì không được chiều theo ý muốn.

Đó là tình huống mà bà mẹ Anita Lehmann gặp phải mỗi lần muốn con tắt tivi hoặc ngừng chơi điện thoại. Tuy nhiên, sau một vài lần, Anita đã nhận ra cô đã mắc sai lầm khi xử lý tình huống như thế này, bởi các con của cô không phải là những đứa trẻ dễ nổi cáu. Vậy tại sao chúng lại lập tức la hét dữ dội mỗi khi bị mẹ đột ngột giật lấy chiếc điện thoại và tắt đi.

Vậy là bà mẹ trẻ muốn tìm cho ra cách để nhẹ nhàng lấy chiếc điện thoại khỏi tay con mà không phải đối mặt với những tiếng la hét, khóc lóc của con. Sau thời gian tìm hiểu, cô được một người bạn giới thiệu về “mẹo nhỏ” của Isabelle Filliozat - một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên nghiên cứu các phương pháp nuôi con nhẹ nhàng.

Nhẹ nhàng lấy điện thoại khỏi tay con mà không có tiếng khóc lóc nào

Cách đơn giản để lấy điện thoại khỏi tay con đang chơi mà trẻ không "nổi trận lôi đình" - 1
Khi trẻ đang chăm chú xem một bộ phim hoặc chơi một trò chơi điện tử thì dường như chúng đang ở một thế giới khác (Ảnh minh họa).

Isabelle đã gợi ý cho các bậc phụ huynh cách giúp con rời khỏi chiếc smartphone mà không có bất cứ tiếng la hét hay khóc lóc nào cả.

Trước tiên, để hiểu tâm lý các con trong những tình huống như vậy, bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh tương tự. Bạn đang xem một bộ phim hoặc một trận đấu bóng đá, đúng đến giây phút gay cấn, cao trào thì… mất điện. Hoặc cậu con trai 3 tuổi nghịch ngợm ngồi bên cạnh cầm điều khiển tắt phụt tivi đi. Bạn sẽ phản ứng như thế nào? Tất nhiên, đa số mọi người sẽ nổi cáu lên, vì “đang hay thì đứt dây đàn”.

Isabelle giải thích rằng: “Thật khó để ngay lập tức thoát ra trạng thái khoái cảm mà màn hình điện thoại, tivi tạo ra cho chúng ta trong những khoảnh khắc đó. Và đối với một đứa trẻ, thì phải dùng từ “khủng khiếp”.

Khi chúng ta (không chỉ riêng trẻ con) đang chăm chú xem một bộ phim hoặc chơi một trò chơi điện tử thì dường như chúng ta đang ở một thế giới khác. Chiếc màn hình như “thôi miên” bộ não của chúng ta. Ánh sáng, âm thanh, nhịp điệu làm cho não trở nên “bị cuốn theo”. Chúng ta cảm thấy sảng khoái và đương nhiên, chẳng ai muốn làm gì khác.

Cách đơn giản để lấy điện thoại khỏi tay con đang chơi mà trẻ không "nổi trận lôi đình" - 2
Bạn hãy tìm cách trò chuyện với con thay vì giằng lấy chiếc điện thoại từ tay chúng và tắt đi (Ảnh minh họa).

Trong những khoảnh khắc đó, bộ não của chúng ta sản sinh ra dopamine, chất dẫn truyền thần kinh làm giảm căng thẳng và đau đớn. Vậy nên nếu cảm giác này bị gián đoạn bất ngờ, mức dopamine trong cơ thể giảm nhanh và không có cảnh báo, theo nghĩa đen, điều đó sẽ tạo ra cảm giác đau trong cơ thể. Đó chính là nguyên nhân khiến đứa trẻ khóc thét lên.

Có thể bạn cho rằng đã báo trước với con là chỉ 5 – 10 phút nữa sẽ phải tắt điện thoại. Nhưng đó chỉ là do bạn đặt ra còn đứa trẻ vẫn đang chìm đắm trong màn hình đầy những hình ảnh hấp dẫn kia. Rồi bỗng nhiên bị “cướp đi” những thứ đó, đương nhiên chúng sẽ phản ứng. Trong những trường hợp như vậy, rõ ràng bạn không hề đánh con nhưng lại gián tiếp làm vậy.

Vậy lời khuyên cho các phụ huynh là gì?

Bất cứ lúc nào bạn muốn con tắt điện thoại, tivi đi thì hãy dành thời gian ngồi xuống trò chuyện với con và cùng “bước vào thế giới của chúng” bằng những câu hỏi kiểu như: “Con đang xem gì mà chăm chú vậy?”, “Nhân vật này tên là gì?” hoặc “Họ đang làm gì thế?”.

Những đứa trẻ rất thích cha mẹ quan tâm đến thế giới của chúng. Nếu con bạn say sưa quá mức và không trả lời câu hỏi của bạn, thì cũng đừng vội nổi nóng. Bạn chỉ cần ngồi với con một lúc lâu hơn, sau đó hỏi một câu hỏi khác và dần dần “kéo con trở về với thực tại”, rồi nhắc nhở con đến giờ ăn cơm, đi tắm, học bài… Mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và bình yên hơn rất nhiều, các con cũng sẽ không phải chịu tổn thương về tâm lý, mà lâu dần có thể ảnh hưởng đến tính cách, khiến chúng nổi nóng vô cớ.

Theo L.Ly (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật