Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu vẫn luôn là đề tài nóng được hội chị em rôm rả bàn tán trong bất cứ hội kín nào của mạng xã hội. Mới đây có một nàng dâu chia sẻ câu chuyện "tức nước vỡ bờ" của mình với mẹ chồng, thu hút khá nhiều lời bàn ra tán vào của hội chị em.
Nàng dâu ấy kể: "Thật sự thời con gái, nghe mấy chị cùng phòng kể về nỗi khổ khi sống chung với mẹ chồng em đã bị ám ảnh. Nhưng khi đó còn nghĩ, chắc các chị ấy làm quá lên thôi chứ thời buổi hiện đại, tư tưởng của các bà mẹ chồng thông thoáng, tâm lý hơn nhiều rồi. Ai dè, tới thân em đi lấy chồng, sau gần 3 năm sống cảnh làm dâu em mới thấm.
Mẹ chồng em kẹt xỉ thôi rồi. Đời em chưa từng gặp ai sống chi ly tính toán như bà. Em còn nhớ mãi cái hôm hai vợ chồng em rục rịch chuẩn bị đám cưới. Hai đứa bàn chọn gói chụp ảnh, bà nghe thấy chạy lại xua tay: 'Ui giời, ảnh lắm mà làm gì. Chụp xong lại bỏ đó, ai ngắm, phí tiền'.
Chưa hết, lễ ăn hỏi mang tới nhà gái bà mới kỳ kèo mặc cả như mua rau ngoài chợ. Ban đầu chồng em bảo dẫn 7 lễ, bà nghe xong trợn mắt kêu nhiều, bảo không chuẩn bị được, chỉ dẫn 3 lễ gọi là trầu cau, rượu thuốc cho đủ thủ tục. Bố mẹ em khi ấy bực lắm, song vì con gái ông bà đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhắm mắt gật đầu cho xong.
Nghe cô gái kể về bà mẹ chồng tương lai, cư dân mạng không khỏi lắc đầu ngao ngán. Cô con dâu tiếp tục than thở:
Sau cưới, vì vợ chồng chưa có điều kiện nên chúng em vẫn phải sống chung với nhà chồng. Ngay hôm tân hôn, bà xuống tận phòng chúng em ngồi đếm từng chiếc phong bì. Cái nào của bà thì bà giữ, phần của vợ chồng em bà thu lại 2/3 để trả tiền cỗ bàn, phông bạt.
Nói chung nguyên cái đám cưới của chúng em bà không cho một xu luôn. Nhưng em cũng vui vẻ đưa tiền trả bà vì nghĩ, như vậy cũng tốt, sau này đỡ phải áy náy mang tiếng này kia.
Ở chung với mẹ chồng, một tháng hai vợ chồng em phải góp 4 triệu bao gồm cả ăn uống, sinh hoạt điện nước. Hàng ngày em đi chợ mua bán thế nào phải ghi chép rõ ràng, cụ thể từng khoản để cuối tháng về đối chiếu. Sai tí là giải trình ốm.
Cực nhất là bà suốt ngày xét nét, để ý con dâu. Em đi làm công sở, chuyện diện váy áo cũng là bình thường nhưng trong mắt bà như thế là ăn chơi, đua đòi. Mà khổ, rõ ràng em kiếm ra tiền, nhưng tiêu pha lúc nào cũng phải dè chừng, nhìn trước nhìn sau cứ như thể tiêu tiền người khác.
Hội chị em đọc tới đây ai cũng lắc đầu ngao ngán trình quản dâu của bà mẹ chồng, đồng thời họ khen cô con dâu giỏi nhẫn nhịn. Thế nhưng khi đọc đến những dòng tiếp theo thì tất cả đều ồ lên trước những phản ứng tiếp theo của cô.
"Hôm qua thì chính thức có biến các chế ạ. Chẳng là từ lúc sinh con tới giờ cũng hơn 1 năm em chẳng mua sắm gì cho bản thân. Phần vì bận con nhỏ, phần nữa cũng ngại mẹ chồng săm soi.
Hôm qua, đi làm về thấy có cửa hàng giày treo biển giảm giá. Hứng lên em vào ngắm nghía xách được 1 đôi.
Thế mà vừa phi xe vào sân, mẹ chồng em tia thấy đã nguýt môi bảo: 'Chồng con rồi mà suốt ngày giày dép. Hay định đi quyến rũ thằng nào. Chỉ khổ con trai tôi còng lưng kiếm tiền cho vợ đua đòi.
Đến đây thì đúng là em không chịu nổi, 'tức nước vỡ bờ', em dựng xe đến bên bà bảo:
'Con làm gì mà mẹ bảo con tiêu hoang phá hoại. Cả năm nay con mới mua được cho bản thân 1 đôi giày. Mà con mua bằng tiền của con chứ mua bằng tiền của chồng con đâu mà mẹ bảo anh ấy còng lưng làm không đủ tiền đưa vợ đua đòi.
Xét về kinh tế, thu nhập hàng tháng của con không hề ít hơn chồng con đâu. Điều này mẹ cứ hỏi anh ấy sẽ rõ, nên không có chuyện chồng con phải nuôi con. Hơn nữa, con cũng mong mẹ hiểu cho, con đi làm bên ngoài xã hội, luôn đòi hỏi phải chỉn chu hình thức từ giày dép tới váy áo chứ'.
Em nói thế, bà im tịt luôn. Mặt nghệt ra không nói gì. Đấy là lần đầu tiên em bật mẹ chồng đó các chị ạ. Kể ra cũng hơi run, nhưng ức quá rồi, không chịu nổi".
Theo dõi tới đây, cư dân mạng đều đồng tình bảo cô làm thế là đúng. Phải một lần thẳng thắn nói lên quan điểm suy nghĩ của mình cho mẹ chồng hiểu con dâu hơn. Nhịn mãi không phải là cách hay. Thậm chí có người còn commet: "Mình cũng phải học mom này để về tiếp chiêu với mẹ chồng. Nhịn mãi không ổn…, hi vọng cũng sẽ thành công".
Theo Hải Hương (Nhịp Sống Việt)