Cho con ăn rong là đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm trở lại đây, khi mà một số phương pháp nuôi dạy con và phụ huynh cho rằng việc cho con ăn như thế nào không quan trọng, miễn là giúp con có thể ăn, giải quyết tình trạng biếng ăn, đó là thực tế "bất đắc dĩ". Nhưng số khác lại không đồng tình, phản bác rằng việc cho con ăn rong chẳng khác nào tạo thói quen xấu cho một đứa trẻ, biến cả bố mẹ và bé phải phụ thuộc vào rất nhiều điều.
Sợ con đói nên phải cho con ăn rong?
Trong một chia sẻ mới đây, nữ nhà văn Lê Thanh Ngân đã mô tả cảnh tượng các bà các mẹ cho con ăn rong: "... Không phải 1, mà phải 5 - 7 phụ huynh, mỗi phụ huynh 1 cái bát, 1 cái thìa, 1 hộp sữa đứng chầu chực quanh các khu vui chơi của con, đợi con chơi hết lượt lại chạy tới đút cho con 1 thìa cháo, hút một ngụm sữa.
Thậm chí, họ còn thiếu kiên nhẫn đến độ chẳng đợi đứa trẻ chơi hết lượt mà cứ kè kè chạy bên cạnh con, thò tay qua những song sắt chắn an toàn, kiễng chân, nghển cổ cố xúc cho con thêm thìa cháo, đút cho con một miếng trái cây, được miếng nào hay miếng nấy.
Chốc chốc họ lại giục giã "nuốt đi con", "ăn nhanh lên con", "ăn đi không mẹ không cho chơi nữa đâu", "có ăn không hay đi về nào?", "ăn nhanh cho xong đi! Chỉ có mỗi cái việc ăn mà sao để mẹ nói nhiều thế nhỉ?"... Đứa trẻ mặt mày nhăn nhó vẻ khó chịu nhưng nghe thấy vậy cũng cố ngoác cái miệng ra để ăn cho xong nhiệm vụ".
Khi có một cuộc trò chuyện với một phụ huynh khác đang cho con ăn rong ở đó, chị Thanh Ngân nhận định, hầu hết ai cũng nhận ra rằng phương pháp "phi khoa học", "phi truyền thống" này là một phương pháp lợi bất cập hại nhưng "... người ta vẫn ngày ngày áp dụng nó cho con cháu mình. Ấy chính là nguyên nhân giải thích tại sao tình trạng này đang ngày một nở rộ như nấm mọc sau mưa. Cho ăn rong, có lẽ đã trở thành mốt. Một loại mốt mà mãi vẫn chưa thấy lỗi thời", Thanh Ngân viết.
Và theo Thanh Ngân, nguyên nhân sâu xa khiến cho các bà mẹ phải làm như thế liệu có thực sự là do "sợ con đói" hay chính xác là lo sợ khi bị mang tiếng là chăm con không tốt. "Có lẽ nào, họ sợ danh dự của bản thân bị ảnh hưởng hơn là nghĩ cho con mình?"
Nữ nhà văn cho rằng: "Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của cơ thể con người. Người ta sẽ ăn khi thấy đói, uống khi thấy khát và đi ngoài khi có nhu cầu. Tất cả những việc ấy khi được thỏa mãn đúng lúc đều mang lại niềm vui sướng và hạnh phúc. Nhưng không đúng lúc, nó nghiễm nhiên lại trở thành nỗi bất hạnh.
Thật đáng sợ khi mà ăn uống trở thành một phản ứng không phải do nhu cầu xuất phát từ bên trong mà lại quyết định bằng những tác động từ phía bên ngoài. Hãy tưởng tượng đến một đứa trẻ mà hễ cứ đưa thìa lại gần miệng là nó lại há ra, bất kể lúc nào cũng vậy, thì chính xác đó là một cái máy chứ không phải con người! Và tôi dám khẳng định, những đứa trẻ như vậy thường kém thông minh hơn những đứa trẻ khác.
Và khi ăn uống trở thành một yêu cầu được đưa ra mặc cả hàng ngày “ăn để được đi chơi”, “ăn để được mua đồ”, “ăn để được xem phim”, “ăn để được chơi ipad”… thì bản thân đứa trẻ sẽ xác định việc ăn không phải việc của chúng và nó không quan trọng. Cái quan trọng là những cái bố mẹ chúng đang đưa ra mặc cả để đổi lấy kia kìa. Chính điều này đã góp phần làm cho chúng lười ăn hơn và dùng chính việc ăn ra để vòi vĩnh bố mẹ.
Đặc biệt, chỉ cần hơi ốm đau, mệt mỏi, chúng sẽ làm mình làm mẩy để bố mẹ phải nịnh nọt, ỉ ôi đến rát cổ, bỏng họng mới chịu ăn một chút. Những đứa trẻ như thế sẽ sống sao khi chỉ có một mình và bị ốm? Bố mẹ chúng có thể kè kè bên cạnh để thúc giục chúng ăn được mãi không? Câu trả lời là không!".
Những nguy hại bố mẹ chưa lường trước được khi cho con ăn rong
Bàn về chuyện biếng ăn của trẻ, Thanh Ngân cho rằng trẻ biếng ăn là chuyện hết sức bình thường, thay vì cứ bưng bát chạy theo con, chị đưa ra một vài giải pháp hữu ích hơn:
- Bố mẹ nên đưa con đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ dinh dưỡng.
- Chuẩn bị cho trẻ 1 bàn ăn riêng với những món ăn bắt mắt và ngon miệng. Không tivi, không điện thoại, không ipad, không xe đẩy, đẩy ra công viên chỉ con chó, chỉ con mèo,... mà nên dạy cho bé nhận biết mọi thứ từ mâm cơm của bé
- Thay đổi tư duy, chăm sóc con cái là việc cần để nuôi dưỡng nên những đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Cuối cùng, đứng từ góc độ một người mẹ cũng đang nuôi con nhỏ, Thanh Ngân bày tỏ và đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh: "Thực sự nhiều người vẫn chưa lường hết được hậu quả của việc ép con ăn. Mình đã có sự quan sát, theo dõi và so sánh giữa rất nhiều các bé được chăm sóc theo các phương pháp khác nhau.
Phần lớn các bé bị ép ăn (khi các bé không ăn có người thậm chí còn dùng tay giữ trán bé, đẩy về đằng sau cho bé há miệng ra, nhét một thìa cháo vào để cháo tự chảy xuống cổ họng và buộc bé phải nuốt) đều có biểu hiện chậm chạp hơn các bé được bố mẹ tạo điều kiện cho tự lập ăn theo ý thích và nhu cầu (con tự quyết định mình sẽ ăn bao nhiêu).
Lúc đầu các bé này cũng có biểu hiện kháng cự nhưng sau này khi nhận thấy việc kháng cự là vô ích, các bé chấp nhận và không kháng cự nữa. Từ đó trở đi, cứ đưa thìa lại gần miệng là bé tự động há ra không suy nghĩ. Dần dần, bé bị mất khả năng kháng cự và không có khả năng bày tỏ quan điểm cá nhân, không còn màu sắc cá tính riêng, sống phụ thuộc hoàn toàn vào cảm giác của người lớn.
Khi não bộ bị ức chế phát triển trong việc thể hiện quan điểm yêu ghét và màu sắc cá tính riêng, các bé có khả nnăng trở nên chậm chạp, trước hết là chậm nói, chậm giao tiếp, chậm nhận thức. Các bé này khi ấy lại được các bà, các mẹ khen là ngoan nhưng kỳ thực, bé rất tội nghiệp.
Xin mọi người, đừng làm vậy với các bé nữa! Khi nào mà con bạn còn bướng bỉnh nhất định không ăn, biểu hiện bằng việc ném thìa, ném bát, nhổ phì phì, thì khi đó, con bạn còn là một đứa trẻ lanh lợi. Hãy vui mừng vì điều đó!".
Theo Chi Chi (Khampha.vn)