Trong giai đoạn Tiểu học, hầu như các bậc cha mẹ sẽ theo dõi sát sao việc học của các con. Lý do chính vì đây là giai đoạn quan trọng khi con trẻ bắt đầu tiếp nhận những kiến thức đầu đời.
Mới đây trong một hội nhóm trên Facebook, một phụ huynh có tên B.T đã chia sẻ ảnh chụp bài tập Tiếng Anh của con kèm theo dòng chia sẻ: "Con em năm nay học lớp 5. Mấy hôm về cứ lúi cúi viết gì đó như giấu giếm. Em hỏi chuyện, con nói: 'Cô bắt viết rồi học thuộc lòng các thì Tiếng Anh (hơn 3 trang). Con học không thuộc được nên bị cô phạt chép 10 lần. Con không chép nổi thì cô phạt tăng 20 lần'. Cô ghi nhận xét là 'lại không thuộc bài' và nói con trai em về bảo mẹ ký vào".
Chị B.T bày tỏ thắc mắc: "Anh văn cấp tiểu học bây giờ bắt học kiểu này sao ạ? Vì ngày xưa học cấp 3 em vẫn chưa thuộc hết, nhớ hết các thì này".
Cứ ngỡ sẽ được các bậc phụ huynh khác đồng tình nhưng ai ngờ bà mẹ này lại nhận phải cơn mưa trái chiều. Dù một số ý kiến không ủng hộ việc cô giáo bắt học sinh chép phạt nhưng hầu hết đều tán thành vì cho rằng: Cô giáo đang quan tâm và muốn học trò cải thiện thành tích học tập. Một số phụ huynh phân tích: Bé đã học lớp 5, nếu giờ còn chưa nhớ được các thì trong tiếng Anh thì đến khi lên cấp trung học sẽ rất khó theo kịp các bạn. Bên cạnh đó, có những thứ buộc phải học thuộc lòng như công thức thì khi học mới có thể áp dụng nhuần nhuyễn.
Ngoài ra, việc cô giáo yêu cầu phụ huynh ký vào bản chép phạt của con cho thấy: Cô không phạt giấu giếm mà thông báo rõ ràng với phụ huynh, để phụ huynh cùng cô kèm lại con học tập cho tốt.
Rất nhiều phụ huynh sau đó khuyên chị B.T nên xóa bài đăng này bởi cô giáo không có lỗi. "Muốn con học giỏi mà lại không chịu để cho cô rèn luyện, dạy dỗ. Thật không biết các vị phụ huynh bây giờ muốn gì nữa", nick Facebook A.N bày tỏ.
Trong thời đại mạng xã hội, việc giáo dục của thầy cô giáo rất dễ nhận phải sự xét nét từ các bậc phụ huynh. Thế nhưng, cũng chỉ có các thầy cô giáo mới có đủ khả năng truyền đạt kiến thức và dạy dỗ con trẻ. Do đó, các vị phụ huynh cần có sự thấu hiểu, thảo luận, góp ý với giáo viên để tìm ra phương cách giáo dục tốt nhất cho trẻ.
Lộc (Nguoiduatin.vn)