Bạn cảm thấy "thầy bói" luôn nói đúng là bởi vì họ có phép thuật?
1. Hiệu ứng Barnum, hay việc người dễ dàng tiếp nhận những thông báo mơ hồ, chung chung. Hiệu ứng này được đặt tên theo các màn xiếc của P.T. Barnum.
Năm 1949, một giáo sư tâm lý đã đưa ra một mô tả nhân cách rất tổng quát đến mức mọi sinh viên đều nhận đó là chính mình, kiểu như: "Bạn có xu hướng phê phán bản thân" hay "bạn thích một chút thay đổi".
Thông báo Barnum càng được thừa nhận khi: 1) Ngắn gọn, tổng quát, dễ được chấp nhận và được cho là đúng với bạn. 2) Là những điều dễ ưa, phù hợp với nhân cách bạn, tránh những thông báo khó chịu kiểu như: "Bạn không phải là người suy nghĩ độc lập". 3) Đối tượng ngây thơ và dễ thay đổi.
2. Đọc nguội (cold reading), hay vai trò của ngôn ngữ cơ thể. Đầu thế kỷ XX tại Berlin, chú ngựa Hans thông minh biết lựa theo phản ứng của người đối diện (nhướn mày, nhăn trán, hít vào hay thở ra, vươn hay so vai...) để làm toán.
Ngựa còn biết, thì tại sao thầy bói lại không? Không chỉ các thầy bói, mà giới đồng cốt cũng rất thạo "kỹ thuật lấy tin" này.
Hinh minh họa. |
3. Hiệu ứng tiến sĩ Fox, hay chúng ta bị lừa bằng khoa học và sự hài hước. Khi cảm thấy ở trong một môi trường giàu trí tuệ và tin rằng đang được nghe một người am hiểu vấn đề nói, ta sẽ thỏa mãn mà không để ý rằng, thực ra quan điểm đó chưa hẳn đã đúng.
Năm 1947, ba nhà giáo dùng một người đóng vai "tiến sĩ Fox" thuyết giải về Lý thuyết trò chơi trong toán học, ứng dụng giảng dạy trong vật lý trước 55 nhà tâm thần học, tâm lý học, giảng viên, quan chức trường phổ thông và nhà hoạt động xã hội.
Khi điền phiếu thăm dò, 42 người cho rằng: bài giảng được tổ chức tốt, nhiều minh họa và kích thích tư duy. Hầu hết người nghe đều muốn nghe thêm về chủ đề này. Không ai biết đó chỉ là một trò lừa gạt.
4. Hiệu ứng vầng hào quang, hay tầm quan trọng của ấn tượng ban đầu. Ta có xu hướng tin tưởng những thầy bói có tính cách nồng nhiệt hơn lạnh lùng, tự chủ hơn thiếu tự chủ, áo quần tươm tất hơn ăn mặc cẩu thả, ưa nhìn hơn kém hình thức...
Giới bói toán thuộc lòng những quy tắc này.
Hình minh họa. |
5. Tương quan ảo hay tin tưởng là sẽ thấy. Đây là quy luật vàng của tâm lý học. Ta sẽ thấy cái mà ta muốn thấy. Từ vô số sự kiện đã xảy ra trong đời, ta nhất định thấy được một sự kiện phù hợp với dự báo của ông thầy bói mà ta thích.
6. Tính không sai lầm hay vì sao thầy bói không thể sai. Dự báo thì quá chung chung nên khó có thể sai lầm. Nếu sai thì thầy bói cũng có cách biện minh, đơn giản nhất là thừa nhận chưa hiểu hết thiên cơ. Ai mà không mắc sai lầm và ai có thể hiểu hết thiên cơ?
7. Hiệu ứng giả được (placebo), hay nó sẽ tốt nếu ta nghĩ rằng nó tốt đối với ta. Rất ít người đi xem bói lại hy vọng thầy bói nói sai. Cái ước vọng muốn tin là một vũ khí lợi hại đối với thầy bói. Khi họ bói sai, ta sẵn sàng cung cấp những ám hiệu để giúp họ hiệu chỉnh.
8. Hiệu ứng người phục vụ khách hàng, hay buộc khách hàng phù hợp với dự báo. Điều này thực ra dễ dàng hơn ta nghĩ nhiều.
Người phục vụ khách sạn nghĩ rằng vị khách này sẽ cho ít tiền boa, thế là anh ta phục vụ không ra gì, kết quả là tiền boa ít thật. Anh ta cho đó là kết quả tiên tri, mà không nghĩ rằng đó chỉ là hệ quả của sự phục vụ tồi.
9. Ký ức chọn lọc, hay chỉ nhớ những gì muốn nhớ. Khi thầy bói đưa ra hai dự báo đúng và tám dự báo sai, ta say sưa kể cho mọi người về hai dự báo "đúng một cách kì lạ", mà quên mất rằng, độ chính xác chỉ là 20%!
Trên thực tế, nhiều khi đoán mò cũng đạt độ chính xác tới 50% (thắng hay thua, trai hay gái...), thậm chí 70% (thời tiết ngày mai giống hôm nay).
10. Hiệu ứng mong ước, hay dự báo càng dễ được chấp nhận. Giới bói toán hiểu rõ điều này nên các dự báo thường là dễ chịu. Và sự xu nịnh sẽ đưa ta tới bất cứ đâu.
Khi có ai đó tuyên bố ta tài giỏi, thông minh, giàu trí tuệ, nhạy cảm, giao thiệp rộng, thăng tiến liên tục và giàu có, ta tức khắc xem đó là một nhà tiên tri thấu hiểu huyền cơ!
Cũng không nên quên một kỹ thuật thô sơ nhưng hữu dụng, đó là đọc nóng (hot reading). Nó thô sơ đến mức không được Dean nhắc tới.
Vừa gặp bạn, ông thầy bói đã nói rằng ông quá mệt mỏi do đã xem quá nhiều người nên hẹn bạn vào tuần sau. Đúng hẹn bạn tới và ông ta liền kể vanh vách những thông tin cơ bản về bạn như họ tên, cơ quan, hoàn cảnh gia đình...
Bạn choáng váng trước "tài nghệ" siêu phàm và sau đó tin theo tất cả những gì thầy nói, mà không hề biết rằng, lần trước thám tử của thầy đã kín đáo bám theo bạn. Chỉ cần hỏi người bán nước trước cửa nhà bạn cũng đã có đủ thông tin cần thiết!
Và như vậy, theo bạn, bói toán có cần chính xác không?
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Bí ẩn của nhân loại", trang 88-91 , NXB Từ điển Bách khoa.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.
Theo S.T (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)