Tính đến đêm 8/3, tại Việt Nam đã có 14 ca mắc mới COVID-19 sau khi chúng ta đã điều trị thành công cho 16 ca và duy trì gần 1 tháng không có trường hợp nhiễm thêm.
Diễn biến này khiến nhiều người dân lo lắng thái quá. Không ít người dân ra siêu thị mua đồ tích trữ dù nguồn hàng nhu yếu phẩm hiện tại của Việt Nam là đang dư thừa. Thậm chí, một số gia đình còn di chuyển đến nơi khác để tránh dịch.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam hoàn toàn không đồng tình với "cách chống dịch" này. Ông kêu gọi người dân không nên di tản. Bởi di tản không phải là cách phòng, chống dịch an toàn.
"Đây là cách phòng chống bệnh phản khoa học, thậm chí còn khiến dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát hơn và ngành y tế cũng vì thế mà áp lực hơn", ông PGS Trần Đắc Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích: "Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến mới, nếu người dân hoảng loạn và cho rằng, ở thành phố nguy hiểm hơn ở quê mà di tản đi nơi ở mới để phòng, chống dịch thì đó là nhận định sai lầm, phản khoa học. Sở dĩ tôi nói việc di tản khiến công tác phòng, chống dịch COVID-19 phức tạp và khó kiểm soát hơn, là bởi chúng ta không thể nhìn thấy được virus trong không gian, cũng không thể tự khẳng định tính an toàn với những người đang và chuẩn bị tiếp xúc với mình hoặc người thân. Thậm chí, biết đâu, chính chúng ta lại có nguy cơ lây nhiễm mà chúng ta không hề biết.
Vì vậy, nếu đã ở đâu thì ta nên ở yên đó. Chỉ đến nơi đông người khi thực sự cần thiết và khi ra ngoài, phải thực hiện các biện pháp bảo vệ mình trước dịch bệnh. Trong không gian sống, nên tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác".
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: "Thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang khuyến cáo người dân rất nhiều lần là không tụ tập nơi đông người và hạn chế tiếp xúc đông người, hạn chế đi lại nơi đông người… Đặc biệt là những nơi mà ngành chức năng đang cách ly. Đây là những khuyến cáo nhằm hạn chế thấp nhất khả năng nhiễm bệnh. Vì vậy, khi có dịch, việc đầu tiên mà người dân phải làm là không hoang mang lo lắng.
Để không bị hoang mang lo lắng thì phải có hiểu biết về dịch, về chống dịch, về biểu hiện lâm sàng… hiểu để bảo vệ cho cá nhân, gia đình mình được tốt hơn, hiểu để có trách nhiệm với xã hội, để cùng ngành y tế chống dịch".
Cùng quan điểm trên với PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, với những trường hợp không thể bố trí con trẻ để duy trì hoạt động sản xuất, công việc thì có thể đưa con đến một nơi ở mới có người trông mới, đảm bảo an toàn dịch.
Tuy nhiên, nếu như người dân lựa chọn di tản là phương pháp để trốn dịch thì đây là lựa chọn sai, thể hiện sự không có trách nhiệm với xã hội và làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, tạo gánh nặng cho các ngành chức năng trong phòng, chống dịch COVID-19.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết: "Người dân có thể dịch chuyển ở nhiều tư thế, như thế chủ quan, dịch chuyển theo sự hỗn loạn, thiếu kịch bản chung… nhưng dù ở thế nào thì khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới, sẽ đều gây khó khăn và làm nhiễu loạn cho công tác quản lý cư dân trong dịch.
Bởi khi người dân di tản, dịch chuyển, dẫn đến sự ùn ứ. Trong bối cảnh ùn ứ đó sẽ kích hoạt, tương tác lẫn nhau, làm gia tăng thêm nỗi sợ hãi, gia tăng thêm chuyện suy giảm lòng tin trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là phức tạp hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rằng, nếu tất cả nhân dân cùng đồng lòng chống dịch thì sẽ nhận phần thắng, mà cơ sở của sự thắng lợi ấy là mọi người phải thực hiện đầy đủ, đúng đắng những quy chế mà ngành y tế đặt ra", PGS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)