'Bố ơi đừng xem điện thoại thoại nữa': Lời khẩn cầu của con, bố mẹ cần tự vấn lương tâm

04/04/2018 13:56:00

Câu chuyện mang tên "Bố ơi, xin bố đừng xem điện thoại nữa" dưới đây sẽ là bài học quý giá cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái.

'Bố ơi đừng xem điện thoại thoại nữa': Lời khẩn cầu của con, bố mẹ cần tự vấn lương tâm

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, mặc dù mọi khoảng cách địa lý đã bị xóa mờ, nhưng người hiện đại giờ đây dường như mắc phải một căn bệnh mang tên – "hội chứng không xa nổi điện thoại".

Chính tình trạng "nghiện cúi đầu" của những người thường xuyên dùng điện thoại vô hình chung đã khiến khoảng cách giữa mọi người ngày một xa hơn, trong đó có cả mối quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Trớ trêu thay, khi cả thế giới đã thu bé lại trong một chiếc điện thoại nhỏ gọn, thì khả năng kết nối của cha mẹ và con cái cũng ngày càng giảm xuống. 

Thậm chí có đôi khi, bố mẹ cũng vì đắm chìm trong thế giới ảo ngoài kia mà quên mất nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là bầu bạn, chăm nom con cái.

Vì vậy, thông điệp dành cho các bậc phụ huynh của bài viết hôm nay cũng giống như tiêu đề của câu chuyện mà Soha.vn sẽ gửi tới bạn dưới đây: "Bố ơi, xin bố đừng nhìn điện thoại nữa"!

'Bố ơi đừng xem điện thoại thoại nữa': Lời khẩn cầu của con, bố mẹ cần tự vấn lương tâm - 1
Những sản phẩm công nghệ thông minh dường như đã trở thành bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái. (Ảnh minh họa).

Câu chuyện gây sốt xuất phát từ lời nài nỉ của con gái

"Bố ơi, xin bố đừng xem điện thoại nữa" là câu chuyện từng nhận được hàng trăm ngàn lượt chia sẻ trên các diễn đàn mạng Trung Quốc thời gian vừa qua.

Câu chuyện ấy được chia sẻ bởi một người mẹ với nội dung như sau:

"Con gái của tôi đang đi học tiểu học. Bình thường hai vợ chồng vào những ngày cuối tuần đều bầu bạn cùng con, nên khoảng thời gian chúng tôi dành cho con bé cũng không phải là quá ít.

Hôm đó vừa đúng vào một ngày cuối tuần, con gái muốn bố chơi cùng mình một chút. Chồng tôi mỗi khi đi làm đều vô cùng bận rộn, những ngày này mới được nghỉ ngơi một chút nên ngồi trên sô-pha xem điện thoại.

Thấy con nài nỉ, anh ấy nói với con rằng ăn cơm tối xong sẽ dành thời gian chơi cùng cháu. Nhưng bữa tối đã qua đi, bố vẫn ngồi xem điện thoại như cũ, mặc cho con gái năn nỉ mãi vẫn không nhúc nhích.

Thấy vậy, con bé không chịu nổi nữa, liền lấy chiếc đồng hồ báo thức có chức năng thu âm của mình ra, thu lại một câu nói là:

"Bố ơi, xin bố đừng xem điện thoại nữa!"

Sau đó, con bé lẳng lặng lấy chiếc đồng hồ đặt bên cạnh bố rồi chạy về phòng đóng cửa lại, ở một mình trong đó cả buổi tối…"

Đọc xong câu chuyện ấy, liệu bạn có cảm thấy cảnh tượng cha mẹ ngồi bấm điện thoại cả tối dường như có chút quen thuộc hay không? Đáng tiếc thay, đó là thực trạng của không ít gia đình trong thời đại hiện nay!

Có đôi khi, những bậc làm cha, làm mẹ chỉ chú trọng chăm lo tới yếu tố vật chất cho con mà quên rằng, "chất dinh dưỡng" quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của trẻ chính là tình yêu và sự bầu bạn, quan tâm của bố mẹ.

'Bố ơi đừng xem điện thoại thoại nữa': Lời khẩn cầu của con, bố mẹ cần tự vấn lương tâm - 2
Sự phát triển về công nghệ giúp thu hẹp những khoảng cách địa lý nhưng vô tình làm xa cách tình cảm của con người. (Ảnh minh họa).

Hãy bỏ điện thoại xuống và làm ngay những điều này vì con của bạn!

Kỳ thực, có không ít gia đình nhìn qua sẽ thấy luôn quây quần bên nhau, nhưng hóa ra lại mỗi người một góc cầm điện thoại cả tối. 

Lại cũng có không ít các bậc phụ huynh vì tương lai con trẻ mà bắt ép các em học thêm hết lớp này đến khóa khác, thậm chí chẳng có lấy một tối con được ở nhà để bầu bạn cùng cha mẹ.

Hết thảy những cách chăm sóc con cái ấy đang là thứ khiến trẻ em hiện đại dường như đang "đánh mất tuổi thơ". 

Vậy các bậc cha mẹ nên làm thế nào để có thể chăm sóc, bầu bạn cùng con một cách hợp lý, từ đó đem đến cho con những năm tháng tuổi thơ trọn vẹn nhất? Đáp án cho câu hỏi ấy được gói gọn vào 3 bí quyết dưới đây!

Bí quyết thứ nhất: Toàn tâm toàn ý

'Bố ơi đừng xem điện thoại thoại nữa': Lời khẩn cầu của con, bố mẹ cần tự vấn lương tâm - 3
Dành những khoảng thời gian cố định để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho con sẽ giúp bé càng thêm yêu thương và gắn bó với bố mẹ. (Ảnh minh họa).

Cổ nhân có câu một người không nên có hai lòng. Và câu nói ấy hoàn toàn chính xác trong việc quan tâm con cái. 

Bởi nếu bố mẹ đã dành thời gian xem ti vi, dùng điện thoại, thì dù cho kề cận bên con cả ngày cũng chỉ là việc làm mang tính hình thức chứ không đạt được hiệu quả giáo dục nào.

Chỉ khi dồn hết tấm lòng và tâm sức để ở bên tâm sự cùng con, các bậc phụ huynh mới có thể nhìn thấu được nội tâm của các bé để giúp các em phát triển toàn diện.

Phương pháp tốt nhất để thực hiện được điều này cũng hết sức đơn giản. Mỗi ngày các bậc cha mẹ nên dành ra một khoảng thời gian cố định, tận lực bỏ hết ti vi, máy tính, điện thoại để toàn tâm toàn ý chơi cùng con cái.

Nếu làm được điều này, thì chỉ cần dành ra 15 – 20 phút mỗi ngày để vui chơi, vận động hay đơn thuần là nói chuyện cùng con cũng sẽ làm các bé cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Bí quyết thứ hai: Hạn chế ép buộc

'Bố ơi đừng xem điện thoại thoại nữa': Lời khẩn cầu của con, bố mẹ cần tự vấn lương tâm - 4
Thay vì ép con phải nghe theo quan điểm của mình, bạn hãy dành cho con một khoảng trời riêng, đồng thời thường xuyên tâm sự, bầu bạn cùng con để thêm thấu hiểu.

Con cái đều được xem như "bảo bối" của gia đình. Chính vì vậy mà nhiều bậc bố mẹ luôn dành hết toàn bộ sự chú ý của họ vào các bé, thậm chí luôn ân cần hỏi han, nửa bước không rời.

Nhưng cũng xuất phát từ sự quan tâm thái quá mà các bậc phụ huynh luôn thường trực nỗi lo về việc con mình sẽ bị tổn thương bởi nhiều thứ khác, do đó luôn tìm cách cấm đoán, ép buộc các em không được làm cái này, không được chơi cái khác.

Trên thực tế, mặc dù cha mẹ nên toàn tâm toàn ý quan tâm con cái, nhưng cũng không nên biến sự quan tâm của mình thành một chiếc lồng kính để bao bọc các em. Việc quan tâm thái quá như vậy không những không mang lại lợi ích mà còn gây trở ngại cho quá trình trưởng thành của trẻ.

Cho nên, các gia đình nên lưu lại cho con em mình một không gian riêng tư để các bé tự mình khám phá và trả nghiệm. Điều này vừa giúp các em rèn luyện được năng lực tự lập, lại vừa tránh tình trạng trẻ tranh cãi, chống chế bố mẹ.

Bí quyết thứ ba: Tự mình làm gương

'Bố ơi đừng xem điện thoại thoại nữa': Lời khẩn cầu của con, bố mẹ cần tự vấn lương tâm - 5
Từng hành động và cách cư xử của cha mẹ sẽ trở thành những bài học làm người quý giá mà con cái chúng ta mang theo cả đời.

Không khó để có thể thừa nhận rằng, bố mẹ chính là những người cô, người thầy tốt nhất trong cuộc đời của con trẻ. Do đó, ngoài việc dành thời gian để bầu bạn và chơi cùng các em, các bậc phụ huynh có thể săn sóc con em theo một cách khác – để con học theo công việc của mình.

Sự chuyên tâm làm việc của cha mẹ luôn là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo và học tập. Đó có thể là những việc đơn giản như dọn nhà, nấu cơm, chào hỏi người khác…

Trẻ sẽ ngày ngày chứng kiến xem bố mẹ làm việc nhà thế nào, xử sự với người khác ra sao, và rồi đến khi trưởng thành các em sẽ tự ngẫm ra được nhiều đạo lý mà không cần phải chỉ dạy.

Tự mình làm gương để con noi theo học tập cũng giống như câu nói của một nhà giáo dục người Hà Lan:

"Con trẻ đối với cuộc sống xung quanh thường chú ý một cách bất giác. Những cảm giác ấy dần dà sẽ thấm vào linh hồn của các bé…"

Tuổi thơ của một đứa trẻ có hạnh phúc hay không phụ thuộc phần nhiều vào sự quan tâm, săn sóc mà gia đình dành cho các em. Chính vì điều này, mong rằng các bậc phụ huynh hãy đặt điện thoại xuống và dành thời gian cho con mình nhiều hơn để các em có được một tuổi thơ trọn vẹn.

Theo Trần Quỳnh (Soha/ Trí Thức Trẻ)