Nụ cười của con là niềm vui, là hạnh phúc của bố mẹ, nhưng không phải trong trường hợp này.
Justin là một cậu bé đáng yêu, rất hay cười (Ảnh: Internet) |
Một thời gian sau đó, bố mẹ Justin nhận thấy Justin cười nhiều hơn vào những lúc em thấy mệt mỏi nhưng họ cũng không lo lắng gì khi vẫn thấy em khỏe mạnh. Đến một hôm, cơn ác mộng tồi tệ nhất của mọi phụ huynh ập xuống, Justin ngã lăn ra vì cơn co giật động kinh. Sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu và gặp một nhóm các chuyên gia để chẩn đoán, họ phát hiện thì ra chính những tràng cười khiến bố mẹ em hạnh phúc kia lại là những cơn động kinh.
Khối u được phát hiện trong não của cậu bé (Ảnh: Internet) |
Justin được chẩn đoán mắc phải chứng động kinh thể cười và một khối u lành tính được tìm thấy bên trong não của cậu bé. Tổn thương này gọi là u Hamartoma hay u mô thừa, có thể gây chậm phát triển, suy giảm nhận thức và các triệu chứng tâm thần khác... Tiến sĩ Aria Fallah, bác sĩ phẫu thuật thần kinh nhi ở bệnh viện UCLA Mattel, người đã điều trị cho Justin cho biết, khu vực xuất hiện khối u nằm ở vùng rất sâu trong não và là một vùng quan trọng để giữ cho cơ thể hoạt động được bình thường. U Hamartoma thường xuất hiện từ lúc trẻ mới sinh nhưng rất khó phát hiện cho đến khi có những triệu chứng bất thường xảy ra với trẻ, mà thường là rất nhiều năm sau đó.
Ảnh: Internet |
Các bác sĩ đã tiến hành loại bỏ khối u bằng nhiệt mà không cần mổ não. Tuy rất nguy hiểm nhưng cuộc phẫu thuật đã thành công, cậu bé Justin sau đó nhanh chóng phục hồi sức khỏe, không còn chịu những cơn động kinh nữa. Điều tuyệt vời nhất sau khi giành lại sức khỏe của mình, Justin vẫn là một cậu bé vui vẻ, nghịch ngợm, hiếu động, và là niềm vui của cả gia đình.
Bố mẹ cần biết gì về chứng động kinh thể cười?
Động kinh thể cười thường gặp nhiều hơn ở các bé trai. Trong 1.000 trẻ bị động kinh thì có khoảng 1 – 2 trẻ bị động kinh thể cười. Động kinh thể cười có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ dưới 4 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Những trẻ bị động kinh thể cười có thể sẽ có những biểu hiện lâm sàng như chậm phát triển trí tuệ, kích động, dậy thì sớm.
Các cơn động kinh thường bắt đầu bằng những tràng cười bất thường, không rõ nguyên nhân. Tiếng cười có thể kéo dài từ 35 – 40 giây hoặc ít hơn và dừng lại đột ngột. Trong hoặc ngay sau khi một cơn động kinh thể cười, trẻ có thể xuất hiện một số co giật, cử động mắt kỳ lạ, chép môi, bồn chồn hoặc lầm bầm. Khi trẻ lớn lên khoảng tầm 5 tuổi trẻ có thể bị co giật toàn thể, với tuần suất 4 – 5 cơn/ngày.
Động kinh thể cười có thể bị chẩn đoán nhầm với rối loạn cảm xúc vì vậy khi trẻ có những triệu chứng trên cha mẹ nên cho trẻ đi chụp điện não đồ và MRI để phát hiện những bất thường.
Theo Đ.Hương (Trí Thức Trẻ)