Không có cháu chắc tui... chết rồi!
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về ấp Nguyệt Lãng B, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh để thăm hoàn cảnh của bà Thạch Thị Khôi (78 tuổi). Căn nhà nhỏ được dựng tạm bợ bằng mấy miếng dừa khô ghép lại là nơi bà Khôi sống cùng đứa cháu nội tội nghiệp.
Khi vừa tròn 1 tuổi, mẹ của Trường đã bỏ đi rồi biệt tích, ít lâu sau, cha của em cũng đi tìm hạnh phúc mới, em may mắn được bà nội đem về cưu mang, chăm sóc. Trước đây khi còn sức khỏe, bà Khôi thường đi làm thuê, ai gọi gì cũng nhận để lấy tiền nuôi Trường ăn học. Mấy năm nay vì bệnh tuổi già, đôi mắt chẳng hiểu lý do gì gần như mù lòa khiến bà Khôi chỉ còn biết quanh quẩn ở nhà, gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ dồn vào đôi vai bé nhỏ của Trường.
Ngồi nép mình vào một góc giường, bà Khôi mò mẫm tìm chiếc gậy rồi bước về phía cửa bếp. Cách đó mấy bước chân, Trường lom khom nhóm bếp lửa, thổi cơm rồi quay về phía nội, cười nói: "Nay con bán vé số được cô kia cho mấy con cá, tối nay mình được ăn ngon rồi".
Khác với những đứa trẻ khác, dù mới 13 tuổi nhưng Trường buộc lòng phải gánh vác chuyện gia đình khi chỉ còn mỗi em và nội sinh sống. Vì bà Khôi đã mất sức lao động, lại bệnh tật nên mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào Trường. Mỗi ngày, em thức dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị cơm nước cho bà. Lo xong việc trong nhà, em vội vã đạp xe đến đại lý vé số lấy 50 tờ với hy vọng có thể bán hết trong buổi sáng để kịp cho giờ học chiều. Rong ruổi trên khắp các nẻo đường quê, 50 ngàn kiếm được mỗi ngày chính là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Nắm lấy đôi bàn tay bé nhỏ của đứa cháu nội, bà Khôi nghẹn lời: "Lúc trước bà còn khỏe, bà đi gặt lúa mướn để nuôi nó. Nhưng giờ già cả, người ta đâu mướn nữa, mà mướn cũng không mần nổi rồi. Mắt bà mờ hết, hai chân tê phải cầm gậy hay cháu đỡ mới đi được, mấy năm qua không nhờ có thằng Trường, chắc bà chết rồi".
Tan học buổi chiều, về nhà chỉ kịp về nhà chào bà rồi Trường lại bắt đầu công việc đi mót củi dừa để tước lá, bó thành từng bó để bán kiếm tiền. Ngày nào may mắn thì em bán được một vài chục, có hôm chỉ được mấy ngàn. Ngoài ra Trường còn đi ra đồng giăng lưới bắt cá, làm tất cả mọi công việc dù vất vả, nặng nhọc nhưng chỉ cần có thêm thu nhập, không để bà nhịn đói là em cảm thấy hạnh phúc.
"Con thương nội lắm, trước nội nuôi con, giờ con lớn con nuôi lại nội, có cực mấy con cũng chịu, chỉ cần nội ở bên con là vui rồi", Trường thỏ thẻ.
Nghe đứa cháu trai nói vậy, bà Khôi không giữ được xúc động. Mấy năm qua, bà luôn tự trách bản thân mình khi trở thành gánh nặng của đứa cháu trai 13 tuổi. Nhiều lúc nghĩ quẫn, bà chỉ muốn chết sớm đi cho cháu bớt khổ.
"Thằng Trường nó ốm nhom ốm nhách à, mới có tý tuổi đầu mà phải lo đủ thứ. Cháu tui vô phước, có cha có mẹ cũng như không, nghĩ đến nó tui cứ khóc hoài. Thằng bé ngoan lắm, lúc nào cũng nói con sẽ nuôi nội, không có nó chắc tui... chết rồi", bà Khôi bật khóc.
"Con giận mẹ nhưng con cũng nhớ mẹ lắm"
Từ ngày bà Khôi không còn đi làm được, bữa cơm chiều của 2 bà cháu chỉ còn cơm trắng với nước tương. Ngày nào may mắn được ăn "sang" hơn thì có thêm mấy con cá đồng được Trường giăng lưới được. Có điều Trường chẳng bao giờ ăn cá lớn, chỉ dám gắp những con cá bé còn cá lớn để dành nội, Trường thỏ thẻ: "Con không thích ăn cá lớn đâu nội".
Mỗi lần nghe đứa cháu nói vậy, bà Khôi lại nghẹn ngào. "Có hôm nhà còn một ít gạo, Trường nó nhịn nguyên ngày để tui có cái lót bụng. 13 tuổi rồi mà nó chưa được 30kg nữa, người gầy nhom cũng vì có ăn uống đầy đủ đâu".
Thấy Trường ngoan hiền, hiếu thảo với nội nên những người hàng xóm lâu lâu lại gửi cho 2 bà cháu ít mì, ít gạo. Vì cuộc sống của ai cũng khó khăn nên dù thương cảnh 2 bà cháu côi cút, người dân ấp Nguyệt Lãng B chỉ có thể làm như vậy.
Ngồi cặm cụi học bài dưới ánh đèn điện lờ mờ, Trường nhìn về phía tấm ảnh hiếm hoi của Trường cùng bà nội được chụp lúc nhỏ, đó là tấm hình duy nhất mang tên "gia đình" mà em có được. Riêng với mẹ thì em chẳng biết mặt mũi ra sao...
Dù rất giận mẹ nhưng khao khát của một đứa trẻ thiếu vắng tình thương từ nhỏ, Trường vẫn mong một ngày em có thể gặp lại mẹ. Những lần buồn bã, Trường lại cố hình dung ra khuôn mặt của mẹ và hy vọng một ngày nào đó, mẹ sẽ quay về với em.
"Mẹ con bỏ con rồi, con cũng không còn nhớ rõ mặt mẹ nữa, nhưng con nhớ mẹ lắm! Giờ con chỉ ráng học thật giỏi và đi làm để có tiền nuôi nội, sức khỏe ngoại yếu lắm rồi, con sợ nội sẽ bỏ con mà đi...", Trường thủ thỉ.
Dù cáng đáng mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình nhưng với suy nghĩ của một đứa trẻ 13 tuổi, Trường vẫn thích được đi chơi, được mua cho những bộ quần áo mới. Nhưng có lẽ đó chỉ là điều ước thầm kín của Trường khi bữa cơm mỗi ngày em còn chưa lo liệu nổi.
"Bộ quần áo con mua gần nhất là bộ đồng phục để đi học, do nhà con có hộ nghèo nên con không phải đống tiền học phí, thầy cô thương con dữ lắm. Mọi người cũng cho sách cũ, vở để con học... Con ước Tết đến con và nội có được bộ đồ mới, vậy là vui rồi", Trường ngây ngô nói.
Trong căn nhà trống, Trường ôm chầm lấy bà thỏ thẻ: "Nội đừng bỏ con nha, nội phải sống cả đời với con đó nha". Trong suy nghĩ của Trường, điều em mong muốn lúc này là được tiếp tục cắp sách đến trường, cố gắng theo đuổi giấc mơ học thật giỏi để được đi làm công ty, có tiền nuôi nội già yếu...
Theo Văn Tiên - Anh Vũ (Trí Thức Trẻ)