Trong một khoảnh khắc nào đấy của cuộc đời, chúng ta chợt hiểu ra một số chuyện mà trước đó rất lâu về trước, chúng ta không tài nào hiểu hay biết được. Quả thật, chuyện của thời gian là cứ trôi đi, còn chuyện của con người là lưu giữ trong trái tim, khối óc mình những bài học lớn mà có khi phải đến hàng chục năm sau mới ngộ ra được. Suy cho cùng, sống trên đời cũng không khác gì đi trên con đường một chiều là bao, con đường mang tên thời gian không cho phép ai được dừng, nhưng lại không cấm ai ngoái đầu nhớ về những cột mốc đã đi qua: để hiểu, để biết mình là ai, để ngày đi hết đoạn đường này, mình sẽ biết ai vừa nằm xuống.
Đó là giá trị của thời gian, giá trị của một người thực sự trưởng thành. Đôi khi còn là giá trị của... một bát phở ở những tháng năm khó khổ đầu đời, giữa lòng Hà Nội của một cậu bé. Cậu bé ấy nay đã lớn, đã là một người đàn ông và trong một lần ngã bệnh, anh đã ngộ ra được nhiều điều về tình cảm gia đình, đúng hơn là tình cảm của bố dành cho mình khi ăn một bát phở nóng.
"Ốm nằm nhà, được ông bà nhờ hàng xóm mua hộ cho bát phở ăn để uống thuốc, lại chợt nghĩ lan man về chuyện ăn phở ngày xưa.
Ngày bé, khi mới 5, 6 tuổi, mỗi lần dắt ông cụ thân sinh lên phố cổ bán thuốc Tây chui, nếu "vào cầu" bán được vài liều thuốc "nổ" là kiểu gì cũng được ông mạnh tay mua ngay cho bát phở. Mình vẫn nhớ lần đầu tiên được bố đưa vào quán phở bà béo ở đầu Cầu Gỗ, quán đông nghịt, không đủ cả ghế ngồi. Có ông khách thấy ông nhà mình không nhìn thấy nên nhường cho cái ghế gỗ nhỏ, mình chỗm chệ trên đó, còn bố thì ngồi xổm ôm hòm thuốc Tây cạnh bên.
Bát phở bê ra, bố nhờ người ta lấy kéo cắt ngắn sợi phở cho mình dễ xúc. Mình nhìn bát phở béo ngậy với những lát thịt bò chín loang mỡ mà nuốt nước bọt ừng ực. Thấy một chị ngồi gần lấy cái lọ thủy tinh đựng thứ nước màu đỏ múc mấy thìa cho vào bát phở, mình làm theo. Ai dè, vừa húp thìa nước đầu tiên, mình đã khóc ré lên vì trong miệng như có lửa. Bà béo chủ quán nhìn ra chửi: "Bố ông, ông cho tương ớt đỏ lòm cả bát thế thì còn khóc cái gì!".
Chửi thế nhưng bà chủ quán tốt bụng vẫn bảo chị phục vụ chắt nước phở ra một cái bát khác rồi chan lại nước cho tôi ăn. Bát nước đỏ au kia thì bố tôi xin để ông húp. Tôi ngây thơ hỏi sao bố không ăn phở giống con cho ngon mà húp nước ớt làm gì cho bỏng miệng. Ông bảo bố không đói, bố chỉ thích húp nước ớt thôi. Thế mà tôi cũng tin.
Thời gian sau, bố tôi ốm nặng nên không đi bán hàng được nữa. Tôi cũng không còn cơ hội được đến quán bà béo ở Cầu Gỗ để ăn những bát phở thơm ngậy mà cả trong giấc mơ tôi vẫn ngửi thấy mùi. Thỉnh thoảng, bố ốm quá, thấy mẹ nhờ người đi mua cho ông bát phở ăn để có sức uống thuốc, thằng trẻ con ngốc nghếch là tôi lại thầm mơ bị ốm để cũng được mẹ mua cho bát phở ăn như bố.
Mơ thế thôi mà ai ngờ ốm thật. Tôi lên quai bị, má sưng đầu sốt. Nhìn thấy cặp lồng phở mẹ đặt trên mâm bê vào giường, tôi thấy mình khỏe lên mấy phần. Thế nhưng chỉ hấp tấp nuốt được 3 thìa là tôi bỏ cuộc. Miệng tôi đắng ngắt, lưỡi nhạt nhẽo, mùi phở thơm lừng giờ thành mùi gây gây khiến tôi rùng mình toát mồ hôi lạnh. Thì ra bát phở ăn khi ốm thực chả ngon lành gì. Nghiệm ra điều đó, một lần thèm phở quá tôi giả ốm để được ăn. Nằm cả buổi chiều rên rỉ, tôi nghe thấy mẹ bảo bố: "Thương thằng cún quá mà chẳng còn đồng nào mua cho nó bát phở cả. Lát ông nấu cho con bát cháo đường để ăn uống thuốc".
Chao ôi đen. Ngay trong đêm tôi khỏi ốm luôn.
Những năm tôi học cấp 1, hôm nào nhà không có gì nấu canh, chan cơm bằng nước chanh pha muối mãi cũng xót ruột, mẹ lại bảo tôi dắt bố mang theo cái cặp lồng nhôm méo mó ra quán phở duy nhất của khu tập thể xin nước phở. Bà bán phở cũng là hàng xóm lâu năm thấy vậy bảo, từ sau cứ đi một mình ra đây bác múc cho, không phải dắt bố đi làm gì cho khổ. Những hôm bán không hết hàng, bà lại làm cho tôi một cặp lồng phở "không người lái" đầy tú hụ. Về nhà mẹ xẻ ra cho 2 bố con ăn, còn mẹ bảo không thích ăn phở, ăn vào đau bụng. Đến lạ!
Sau này, khi tôi đã trưởng thành đi làm, tôi mới nhận ra cả bố và mẹ tôi đều ăn được phở cả, mà ăn rất ngon lành. Sáng nào rảnh tôi mua phở về là cả 2 ông bà đều ăn hết, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Mà lạ là hóa ra bố tôi cũng không ăn được cay giống tôi, thế mà ngày xưa ông húp hết được bát nước phở cay mới tài.
Cuộc đời càng thêm tuổi càng ngộ ra rằng, bát phở nhiều khi không chỉ là thịt, bánh, nước, hành... mà chứa đựng trong đó nhiều khi còn có cả trái tim, tình yêu thương và đủ mọi nhân tình thế thái. Phải không!".
Câu chuyện chứa chan nhiều xúc cảm bên trên được đăng đàn trên trang cá nhân của “cậu bé” nhân vật chính. Anh tên là Nguyễn Chiến Thắng - một nhà báo có nhiều kinh nghiệm và nhiều hồi ức đáng nhớ về hoàn cảnh gia đình mình thuở còn bé.
Được biết, anh là con trai độc nhất và trước khi có bé Bin, anh người sáng mắt duy nhất trong ngôi nhà 3 người, bố mẹ anh đều không nhìn thấy. Ngày bé nhà anh nghèo lắm, nghèo nhất họ, thế nên cuộc sống gia đình cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Anh từng kể về những cột mốc đáng nhớ nhất cuộc đời anh là phải đi quét rác để kiếm sống, 14 tuổi đi ký giấy vay nợ để giúp cha đi qua cơn bạo bệnh, từng trì hoãn giấc mơ đại học...
Cho đến hiện tại, anh đã một cuộc sống êm đềm hạnh phúc hơn trước rất nhiều, bên cạnh gia đình và cậu con trai kháu khỉnh, tinh nhanh của mình. Quả thật, ông trời luôn công bằng và thời gian cũng rất sòng phẳng, nó sẽ trao trả lại đúng những gì mà người ta xứng đáng được nhận, phải không?
Những lời nói dối của bố mẹ về chuyện không biết ăn phở, những ngây thơ thuở giả ốm để được ăn ngon, những lần dắt bố đi xin nước xuýt tưởng chừng là kỷ niệm rất riêng tư của anh, nhưng đã chạm đến trái tim nhiều người, nhất là thế hệ 7X và 8X đời đầu đã trải qua một thời khó khổ. Và tình yêu của cha mẹ dành cho con, dường như thời nào cũng thế. Những sự thật đằng sau lời nói dối, khi lớn rồi và khi bị ốm, anh mới hiểu ra. Còn chúng ta, chúng ta đã hiểu bao nhiêu?
Theo Min (Helino)