Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, người ta sẽ nhận ra có những thứ vật chất xa hoa rồi cũng chẳng bằng cái nắm tay thật chặt của người mình thương. Đi hết cả đoạn đường dài gần 70 năm cuộc đời, dù ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng tình yêu mà cụ ông Lê Văn Ninh (SN 1929) dành cho cụ bà Nguyễn Thị Hân (SN 1928) vẫn còn mặn nồng lắm. Tới cuối cùng, ắt cái bình yên ở lại cạnh mình chỉ là người đó thôi.
Hồi Valentine năm nay, bộ hình "Em ơi có bao nhiêu - 90 năm cuộc đời" của 2 ông bà đã để lại rất nhiều cảm xúc. Dù chỉ đơn thuần là những khoảnh khắc quá đỗi bình dị nhưng đó là cả tình yêu kéo dài cả đời người.
Nên duyên từ một cuộc hôn nhân sắp đặt từ 2 bên gia đình khi 2 cụ khi đó còn chưa tròn 20 tuổi nhưng đến nay đã được 74 năm. Dù người 89, người 90 nhưng vợ chồng cụ chưa một lần nặng lời với nhau. Ngày đó vì hai đứa trẻ gần nhà hay chơi cùng nhau nên hàng xóm trêu đùa, gán ghép dù 2 bên vẫn vô tư chẳng để ý gì. Rồi gia đình cụ Ninh đưa sính lễ qua nhà cụ Hân hỏi vợ cho con trai, năm đó cụ ông mới 16 tuổi.
Đám cưới được tổ chức hoành tráng sau đó vào tháng 10 năm 1945. Dù đã về chung một nhà nhưng những ngày đầu có gì đó ngại ngùng giữa 2 người. Dần dần tình cảm cứ thế nảy sinh lúc nào không hay. Kết quả của những năm tháng đó là khi 2 cụ đón 8 đứa con lần lượt chào đời. Giờ đây khi đã về già, 74 năm yêu thương hun đúc lại qua những cử chỉ đầy tình cảm hàng ngày.
Đến thăm nhà cụ Ninh cụ Hân ở con ngõ nhỏ nằm trên phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khắp 4 bức tường là những tấm ảnh kỷ niệm sống mãi với thời gian. Đó là mấy thế hệ cả gia đình cùng thương yêu nhau đi đến tận bây giờ.
Cụ Ninh kể hàng ngày, cứ 6 giờ sáng là ông đã ra khỏi nhà, mua đồ ăn sáng chiều theo đúng sở thích của bà. Ông nói: "Đơn giản vì bà ấy thích thôi". Ngày xưa bà có thể ăn phở cả tuần cũng chẳng sao, nhưng giờ phải khác rồi. Hôm là bát phở, hôm là cái bánh mỳ pa tê hay gói xôi… để bà được đổi vị. Lo lắng xong xuôi, ông mới yên tâm đi tập dưỡng sinh đến 11h trưa về nấu cơm. Tối trước khi đi ngủ, ông pha cho bà cốc sữa, thỉnh thoảng xoa bóp, trò chuyện đến tận khuya.
Cụ bà vốn không nhớ ngày sinh nhật của mình, nên hằng năm, cứ đến ngày 8/3, cụ ông đều làm sinh nhật cho bà và tặng bà những món quà nhỏ. "Bà ăn cơm thì ít, ăn vặt thì nhiều nên trong nhà lúc nào cũng phải để gói bánh, hoa quả. Tối tối trước khi đi ngủ tôi lại pha cho bà cốc sữa", cụ Ninh tâm sự.
Niềm vui của 2 cụ hiện giờ là những ngày cuối tuần đón con cháu tụ tập về chơi. Cụ bảo giờ gia đình là cả nguồn sống như thế, nhìn thấy mấy đứa chắt chạy nhảy trong nhà là vui rồi, chẳng cần gì nhiều. Mấy hôm nay Hà Nội trở lạnh, cụ Hân sức khỏe giảm sút, hai bàn tay run run không kiểm soát được. Cụ không nói gì nhiều, chỉ có ánh mắt biết nói thể hiện tình cảm với chồng. Những ngày này, cụ Ninh thường túc trực bên cạnh chăm sóc bà, bất giác nghe tiếng thở dài là cũng phải hỏi han ngay lập tức.
Khi có ai hỏi về người bạn đời của mình, cụ Ninh vẫn hay hóm hỉnh: "Vợ tôi không phải là tuyệt sắc giai nhân nhưng cũng là một người đẹp của đất Hà Thành xưa". Dù đám cưới đơn giản là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nhưng đến tận giờ phút này sau ngần ấy năm, cụ Ninh vẫn thầm cảm ơn vì nhờ sự sắp đặt đó, cụ mới có người vợ suốt 1 đời tận tụy như thế.
Dù tuổi đã cao và nỗi sợ bệnh tật ập tới nhưng 2 cụ vẫn mong muốn có thể tiếp tục sống thật thanh thản mỗi ngày. Chỉ sợ nếu người này có lỡ đi trước người kia thì người còn lại cũng chẳng biết phải làm sao trước mất mát này. Bởi lẽ lời thề đã nắm tay nhau đi qua 74 năm, 2 cụ tin sẽ tiếp tục nắm tay đi nốt phần đời còn lại và mãi mãi. Trên cuộc đời này, chung quay lại tình yêu là thứ có sức mạnh vô biên lắm.
Theo M.Nhân (Trí Thức Trẻ)