Tháng cuối năm, trời lạnh tê tái, chúng tôi bắt chuyến xe khách từ Hà Nội lên TP Lạng Sơn. Trải qua chặng đường hơn 100 km, xe dừng tại khu vực phố Kỳ Lừa.
Vừa đặt chân xuống đường, những chiếc xe ô tô mang hiệu Suzuki 7 chỗ ngồi lao đến. Tài xế ngó đầu ra mời mọc, chèo kéo chúng tôi đi xe từ TP Lạng Sơn lên chợ Tân Thanh với mức giá 30 nghìn đồng/người.
Qua quan sát, trên trục đường Trần Đăng Ninh - gần chợ Kỳ Lừa, chưa đến 20 phút, có khoảng chục xe lượn quanh.
Để qua mặt cơ quan chức năng, tài xế xe "cóc" không bao giờ dán lộ trình vận tải hành khách trên đầu xe mà chỉ sử dụng tấm nhựa trắng, dán dòng chữ đỏ (cả hai mặt) với nội dung thông báo "bến" mà xe sẽ đến.
Thấy có dấu hiệu của lực lượng liên ngành hoặc CSGT, phụ xe nhanh tay gỡ tấm nhựa đó xuống, coi như đang đi xe gia đình.
Nếu bị kiểm tra, trong khi trên xe có vài khách hoặc hàng hóa, lái xe sẽ lập lờ thông báo xe đang chở giúp người nhà lên cửa khẩu.
Theo ghi nhận của phóng viên, những chiếc xe này phần lớn đã cũ, khá ọp ẹp, độ an toàn kém.
Mặc dù trên xe chất đầy hàng hóa, chưa kể có vài khách ngồi kín ghế nhưng các tài xế vẫn cố “vớt” thêm 1, 2 người.
Sau khi mặc cả với tài xế số tiền 20 nghìn đồng/người, chúng tôi nhảy lên chiếc xe “cóc”, theo hướng cửa khẩu Tân Thanh thẳng tiến.
9 con người chen chúc với đống hàng hóa khiến chúng tôi không thể cựa mình. Trời bắt đầu mưa, đường trơn trượt nhưng tài xế vẫn phóng như bay trên đường.
Vào khúc cua, bất ngờ gặp xe đi ngược chiều, để tránh va chạm, bác tài đánh lái, kéo phanh gấp. Tiếng phanh rít lên, hành khách trên xe đổ người về phía trước. Giây phút đó, ai nấy đều xanh mặt…
Tôi lên tiếng, nhắc nhở lái xe đi chậm. Người này nói: “Chuyện như vậy ăn thua gì, nhiều xe đi đêm còn phóng kinh hoàng hơn”.
Xe đã chật nhưng dọc đường đi, tài xế không quên dừng, đỗ tiếp tục lấy thêm hàng.
N. – một người kinh doanh xe Su “cóc” hơn 7 năm tiết lộ, hiện Lạng Sơn có hàng trăm chiếc xe như thế này, để chở khách và hàng theo các tuyến từ các cửa khẩu Lộc Bình, Chi Ma, Tân Thanh về trung tâm thành phố hoặc ngược lại.
Các xe "cóc" này không đăng ký hợp đồng với bến, không được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Tài xế thường nhận "hợp đồng" với khách qua điện thoại và không có cuống vé cho hành khách.
Với kích thức nhỏ gọn, nhiều nhà xe còn bất chấp, chở hàng lậu qua biên giới xuyên đêm theo các đường mòn.
Lúc chở hàng, lái xe sẽ lật hai băng ghế phía sau lên, lấy chỗ chứa. Mỗi chiếc Su “cóc” chở được 1 đến 1,5 tấn hàng.
Theo N., Lạng Sơn có nhiều cửa khẩu, lượng người dân từ các tỉnh về đây đi lại giao thương, buôn bán khá lớn nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra từ 100 - 200 triệu đồng đầu tư xe kinh doanh nhưng núp bóng dưới danh nghĩa xe sử dụng cho gia đình.
“Chúng tôi bỏ ra 180 triệu mua xe, hàng hóa đều, không gặp sự cố lớn, chỉ 6 tháng đến 1 năm là thu hồi vốn.
Hôm nay, tôi làm cả ngày, vừa chở hàng và khách cũng được 1,5 triệu đồng. Ngày bình thường chạy đều, tôi cũng được 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Trung bình mỗi tháng anh kiếm được 30 triệu đồng. Chi phí bỏ vào xe thấp, không tốn xăng, nếu hỏng hóc, đồ thay cũng không quá đắt. Trường hợp bị kiểm tra, chúng tôi nộp phạt khoảng 300 nghìn đồng, cũng không đáng kể so với tiền kiếm được”, N nói.
Nghe tôi kể về ý định đầu tư mua xe này kinh doanh, tài xế N. nhiệt tình hứa sẽ giới thiệu cho người quen đang cần thanh lý xe với giá khoảng 220 triệu đồng.
Anh chia sẻ, tình trạng tranh giành mối khách giữa các nhà xe không phải hiếm nhưng dạo gần đây ít xảy ra va chạm, đánh nhau, do lượng xe “cóc” đã giảm dần.
“Em muốn chạy xe, điều quan trọng nhất không được quên là phải cẩn thận với hàng hóa khách gửi để tránh nhận phải hàng lậu ngụy trang. Nhiều trường hợp từng rơi vào tình cảnh đó”, N. cảnh báo.
Theo đó, thông thường giá cước vận chuyển của hàng được tính theo bao, bọc hoặc kg. Nhưng một số bác tài, thấy khách buôn trả giá cao gấp 10 lần, nảy sinh lòng tham, đồng ý chở. Các kiện hàng được bọc kín, cứ ngỡ quần áo nhưng khi lực lượng kiểm tra, mở ra thì bên trong là hàng cấm.
Lúc này chủ hàng đã chạy mất tăm, chỉ còn tài xế chịu trận. Người đó bị xử phạt theo quy định của pháp luật, nhẹ thì phạt hành chính, giữ xe. Nếu số hàng lớn, đủ điều kiện, chủ xe có thể bị khởi tố, bắt giam.
Trong khi đó, chị H. - người đang kinh doanh loại xe này cho biết, xe Su “cóc” đăng kiểm 6 tháng/lần.
Mỗi xe được phép chở không quá 7 người. Tuy nhiên thực tế các nhà xe đều cố nhồi nhét càng nhiều càng tốt.
Người phụ nữ kể, nhiều người đầu tư xe, có mối quen, chở hàng quanh năm không hết việc nhưng có người kém may mắn, sau thời gian ế ẩm, chấp nhận bán xe với giá rẻ, bỏ nghề.
“Xe này không có lốt, không có bến bãi, tài xế mua về cứ thế chạy, loanh quanh trong ngày là ra tiền. Bác tài đến đâu bắt khách ở đó, chỉ cần thay biển trước xe. Lên Chi Ma (Lạng Sơn) thì trưng biển Chi Ma, xuống TP Lạng Sơn thì tài xế thay biển Lạng Sơn.
Tiện chở hàng lên của khẩu nào là “vợt” được khách trên đường, quan trọng là tài xế phải chịu khó”, H. nói.
Ông Nguyễn Minh Thanh - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết:
“Trước đây, số lượng các loại xe Suzuki chạy tuyến biên giới này rất nhiều. Có thời điểm cả tỉnh tồn tại hàng nghìn chiếc nhưng vài năm trở lại chỉ còn khoảng gần 200 chiếc.
Tất cả số xe đó đều là xe cũ, giá trị thấp. Chúng không được cấp phép kinh doanh vận tải. Phần lớn người ta mua dưới dạng xe sử dụng cho gia đình nhưng vẫn mang ra kinh doanh chở khách và hàng hóa.
Việc chủ xe bất chấp chở hàng lậu là có, đa phần hàng có giá trị không cao. Tuy nhiên, cũng có xe chở hàng lậu qua biên giới vì đặc thù xe nhỏ, gọn, dễ vào đường mòn.
Việc quản lý loại xe này thuộc về ngành giao thông - vận tải. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan liên ngành, xử lý mạnh tay nhưng vấp phải nhiều khó khăn và bất cập vì chưa xác định được xếp loại hình xe này vào dạng taxi, xe buýt hay xe chở hàng để quản lý”.
(Còn nữa)
Theo Nhóm PV (VietNamNet)