Vào thời cổ đại, mục đích lớn nhất trong đời của rất nhiều nhi nữ khuê môn là được nhập cung và trở thành phi tử của Hoàng đế.
Vào mỗi thời, chế độ tuyển tú nữ cũng khác nhau. Tùy theo mỗi lần mở rộng thêm hậu cung mà quy trình chiếm đoạt hoặc tuyển chọn mỹ nữ ở Thời Đông Hán, thời Thanh, thời Tùy, thời Tam Quốc, thời Nguyên,..có những thời gian và quy cách tuyển chọn cũng không đồng nhất.
Tuy nhiên, để trở thành phi tần là điều không hề dễ dàng, phải đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn lớn dưới đây.
Đầu tiên là bối cảnh xuất thân, tiêu chuẩn này là cơ bản nhất. Trước thời nhà Minh, hầu hết các phi tần trong hậu cung đều là con gái của vương công đại thần.
Nếu một vị Hoàng đế nào đó đột nhiên sủng hạnh một cô gái xuất thân dân gian thì người đó cũng không đủ tư cách để bước vào hậu cung và trở thành phi tần cao quý.
Trong suốt lịch sử nhà Minh chỉ có 2 vị Hoàng hậu thật sự có xuất thân từ dòng dõi cao quý. Một người là Nhân Hiếu Văn Hoàng hậu Từ thị của Minh Thành Tổ Chu Đệ. Và người còn lại là Minh Hiến miếu Phế hậu Ngô thị của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm.
Tiêu chuẩn thứ 2 là phẩm chất đạo đức và tài năng học vấn. Nói cho cùng, cái gọi là phi tử cũng chỉ là ám chỉ những người có thể lấy lòng Hoàng đế. Và muốn lấy lòng Hoàng đế thì ít nhất cũng phải có tài hoa.
Các nữ nhân ngày xưa luôn phải thông thạo cầm kỳ thi họa, tinh thông Luận ngữ, nếu chỉ có tướng mạo xinh đẹp thì cũng khó có thể trở thành phi tần.
Dĩ nhiên, nhưng cô gái xuất thân từ những gia đình nghèo khó thì thực khó để mà học đủ cầm kỳ thi họa (nếu có cũng rất hiếm).
Phẩm hạnh cũng là một tiêu chuẩn để tuyển chọn phi tần. Một cô gái có nhân phẩm quá kém thì không thể trở thành phi tử được.
Trong các đợt tuyển tú nữ sẽ có người chuyên trách kiểm tra kĩ lưỡng khía cạnh này. Tiêu chuẩn cuối cùng chính là thân thể tướng mạo. Xét đến thân thể, nếu có khiếm khuyết bất kỳ bộ phận nào cũng sẽ bị loại khỏi kỳ tuyển tú ngay tức khắc.
Cơ thể tỏa ra mùi hôi, hôi miệng, răng đen, răng vàng,… đều không được chấp nhận. Đặc biệt, làn da trắng không tì vết, cơ thể không có sẹo, không thất thân là yêu cầu được quan tâm nhất nhì trong rất nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa.
Tùy theo sự sủng ái của hoàng đế mà những mỹ nữ tài sắc vẹn toàn này sẽ được giữ những chức vị như hoàng hậu, quý phi, phi tần, quý nhân.
Tương truyền vào đời nhà Minh, các cô gái cần trải qua 8 vòng kiểm tra, chia thành: Hải tuyển, sơ tuyển, tế tuyển, tinh tuyển, cung tuyển, phi tuyển, thôi tống và cuối cùng là khâm định.
Hải tuyển
Các cô gái từ độ tuổi 13 đến 16 sẽ có mặt khi ban lệnh tuyển chọn, nếu bỏ trốn hoặc không có mặt sẽ gặp phiền phức lớn.
Cứ 100 người sẽ được xếp thành 1 nhóm và được Nội Giám phụ trách kiểm tra hơn 10 mục như ngoại hình cơ thể, chiều cao, giọng nói,...Kết quả là đã khoảng 3.000 người bị loại vì có cẳng tay ngắn, ngón chân to, giọng nói quá nam tính và nhiều lý do khác.
Sơ tuyển
Các tú nữ sẽ xếp hàng như đợt kiểm tra trước. Thái giám sẽ quan sát kỹ các đặc điểm trên gương mặt, tóc, da...
Theo đó, từng đường nét trên khuôn mặt của các mỹ nữ sẽ được soi xét cẩn thận. Nếu mỹ nữ nào có thân hình chuẩn nhưng chỉ có một khiếm khuyết nhỏ trên mặt như tướng mũi, mắt, miệng, tóc, da, cổ, vai, lưng… sẽ bị loại ngay tức khắc.
Tế tuyển
Các thái giám sẽ dùng dụng cụ trắc lượng (đo lường) và kiểm tra từng tú nữ. Họ không thể mặc quần áo, trên người không còn mảnh vải nào. Nếu có bất kỳ một vết sẹo hay mùi lạ trên cơ thể sẽ bị loại ngay.
Tinh tuyển
Trong vòng này, các thái giám sẽ kiểm tra dáng đi và sự quyến rũ của các tú nữ.
Cung tuyển
Đến vòng này chỉ có khoảng 1.000 nữ nhân vượt qua. Tất cả đều trở thành cung nữ, nhưng để có thể trở thành hậu phi của Hoàng đế thì phải cần quan sát thêm.
Sau khi nhập cung, họ sẽ được đưa vào một căn phòng bí mật để kiểm tra những vị trí kín đáo trên cơ thể và trinh tiết. Từ 1.000 người sẽ chọn ra khoảng 300 người nổi bật nhất.
Phi tuyển
Chỉ còn khoảng 300 người, họ được ở lại trong cung 1 tháng. Trong một tháng này, họ sẽ bị theo dõi để đánh giá tính tình, cách ăn nói,... Họ cũng được chỉ dạy những nghi lễ và quy tắc trong hoàng cung. Sau cùng chỉ còn lại khoảng 50 nữ nhân, gọi là Thục nữ. Họ sau này có thể trở thành Phi tần hoặc Tuyển thị.
Thôi tống
Thái hậu hoặc Thái phi chủ trì kiểm tra. Từ 50 Thục nữ sẽ chọn ra 3 người để Hoàng đế chọn làm Hoàng hậu. Thời điểm này còn gọi là "Tuyển tam".
Khâm định
Lúc này Hoàng đế sẽ chỉ định 1 trong 3 nữ nhân còn lại làm Hoàng hậu. Hai nữ nhân còn lại tất nhiên sẽ được đối đãi rất tốt. Họ có thể được phong thành Quý phi hoặc cũng có tiền lệ là được ban thưởng vàng bạc rồi quay về nhà.
Có thể thấy, quá trình tuyển chọn phi tần cho Hoàng đế nhà Minh tương tự với các cuộc thi sắc đẹp thời hiện đại.
Tất cả những vòng kiểm tra ngặt nghèo này nhằm đảm bảo rằng những tú nữ này không có bất kỳ tỳ vết nào. Khi đạt tiêu chuẩn, những tú nữ mới được vào vòng tiếp theo, đứng trước mặt Hoàng thượng và Hoàng hậu cùng các hoàng thân quốc thích.
Theo Nguyên Anh (Nguoiduatin.vn)