Thủ khoa đại học năm 18 tuổi
Thường Học Phúc sinh năm 1979 (ở Trú Mã Điếm, Hà Nam, Trung Quốc) xuất thân trong một gia đình bình thường, bố mẹ đều là nông dân. Từ nhỏ, anh có học lực vượt trội so với các bạn đồng trang lứa.
Trong kỳ thi đại học (Cao khảo) năm 1997, Thường Học Phúc là thủ khoa đạt 800/900 điểm. Anh đỗ nguyện vọng 1 ngành Quản lý Thông tin ở Đại học Nhân dân Trung Quốc. 4 năm đại học, Thường Học Phúc đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn, nên anh không học thạc sĩ mà đi làm để phụ giúp gia đình.
Sau khi tốt nghiệp, anh nhận được lời mời của một người bạn đến thị trấn Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để làm việc.
Công việc lương cao
Tại đây, Thường Học Phúc tập trung vào công việc, không có thời gian dành cho bản thân. Ban đầu anh cho rằng, cứ làm việc chăm chỉ thì sẽ có một cuộc sống sung túc. Thế nhưng, sau một thời gian làm việc, anh nhận ra bản thân giống “người máy”, sức khỏe dần suy kiệt.
Do đó, anh quyết định từ bỏ công việc lương cao. Sau một thời gian đắn đo, Thường Học Phúc mở cửa hàng kinh doanh máy tính ở Thượng Hải. Công việc làm ăn của anh thuận lợi, mang lại thu nhập cao.
Tuy nhiên, đến năm 2010 Thường Học Phúc bất ngờ giải thể cửa hàng vì cảm thấy công việc kinh doanh áp lực. “Ăn tôi cũng phải tranh thủ từng phút. Sống trong thành phố phát triển như Thượng Hải tôi cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt. Tôi khao khát được về quê, sống yên bình”, anh nói.
Bỏ việc về quê bán hoa quả
Sau khi về quê ở Trú Mã Điếm, thay vì sống cùng gia đình, Thường Học Phúc đã dựng một căn nhà lụp xụp ở một mình và mở sạp hoa quả nhỏ. Khi biết con trai từ bỏ công việc lương cao, đóng cửa hàng về quê bán hoa quả, bố mẹ anh kịch liệt phản đối.
Trước sự phản ứng dữ dội của gia đình, anh cho biết: “Tôi cảm thấy cuộc sống như vậy thoải mái, thu nhập từ việc bán hoa quả đủ để gia đình sống. Những lúc rảnh rỗi, tôi có thể đọc sách”.
Khi biết tin Thường Học Phúc về quê bán hoa quả, cán bộ địa phương nhiều lần làm công tác tư tưởng để anh đi tìm một công việc khác phù hợp với năng lực, có thể cống hiến cho xã hội. Thế nhưng, anh từ chối và vẫn tiếp tục công việc bán hoa quả.
Thường Học Phúc duy trì công việc này được 7 năm. Đến năm 2017, anh kết hôn, sau đó đón con gái đầu lòng. Sau 5 năm chung sống, Thường Học Phúc và vợ ly hôn vì bất đồng quan điểm. Anh rơi vào tình trạng phá sản vì phải bồi thường cho vợ và chu cấp cho con một khoản tiền lớn.
Từ thủ khoa đại học trở thành ăn xin
Sau khi ly hôn, Thường Học Phúc lựa chọn cuộc sống lang bạt, ăn xin. Mặc dù bị gia đình phản đối, nhưng anh vẫn làm: "Suy nghĩ của tôi và mọi người không giống nhau. Tôi cảm thấy mọi thứ trong cuộc sống khá mệt mỏi. Tôi lựa chọn cuộc sống lang bạt để không làm phiền đến mọi người".
Nhiều người bất ngờ khi nhìn thấy Thường Học Phúc trên đường phố, vừa đi vừa lục lọi thùng rác để kiếm ăn. Anh xuất hiện trong bộ dạng lôi thôi, lếch thếch, tóc dài, râu ria bờm xờm, mặt mũi lấm lem khiến ai cũng sốc.
Thậm chí, khi nhìn thấy Thường Học Phúc xuất hiện trên đường phố, một số phụ huynh còn giễu cợt: “Nếu con không học giỏi, mai này con cũng giống như ông ta”.
Những lúc phải đối mặt với ánh mắt kỳ thị, anh cho biết: “Tôi cảm thấy bình thường, không có gì phải xấu, vì xã hội có người này người kia. Tôi không đi ăn cắp hay giật trộm của ai”.
Chia sẻ với phóng viên về cuộc sống hiện tại, Thường Học Phúc vui vẻ cho biết: “Tôi muốn có cuộc sống bình yên, không bệnh tật, không tai họa, khỏe mạnh thay vì ngày ngày phải đo đếm số tiền kiếm ra. Ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử mọi thứ đến và đi rất nhanh, nên tôi chọn làm những việc mình muốn”.
Với thành tích học tập xuất sắc, nhiều người tin rằng anh sẽ có một tương lai xán lạn. Thế nhưng sau 26 năm, Thường Học Phúc trở thành ăn xin, sống vất vưởng trên đường phố khiến ai cũng phải xót xa.
Sau khi hình ảnh của Thường Học Phúc được chia sẻ trên mạng xã hội có không ít những ý kiến trái chiều. “Thủ khoa đại học, tốt nghiệp đại học danh tiếng cũng chỉ là cái tên một thời, giờ đây cũng phải đi ăn xin”, một khán giả bình luận.
Một người khác nói: “Tôi mà là thủ khoa đại học chắc giờ tôi phải kiếm được nhiều tiền, chứ không đi ăn xin như vậy”.
Một độc giả có cái nhìn khác hơn: “Người thành công bao giờ cũng có lối đi riêng, việc mọi người mạt sát, chỉ trích Thường Học Phúc là thủ khoa đại học phải đi ăn xin cũng không giải quyết được việc gì. Hãy tôn trọng quyết định của anh ta, mình không phải họ nên không thể hiểu được những gì họ trải qua”.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc cũng xôn xao về hình ảnh của Diêu Viễn - thủ khoa Học viện Công nghệ Bắc Kinh suốt 12 năm liền, đi ăn xin. Sau khi nghỉ việc ở Viện Nghiên cứu, Diêu Viễn không tìm được việc. Anh bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Sau khi tiêu hết số tiền tiết kiệm, anh lang thang trên đường phố Thượng Hải đi ăn xin.
Theo An Dương (VietNamNet)