Mất tiền đặt cọc chỉ vì chờ ngày tốt
Câu chuyện của anh Hà Trọng Nam, 56 tuổi (ở CHLB Đức) giờ mỗi lần nhắc lại không ai không tức cười. Cách đây khoảng 5 tháng, anh Nam có mang khoảng 10.000 EU đến salon ô tô bên đó để đặt cọc mua xe. Vốn tính cẩn thận, anh không dám rước xe về sớm mà chờ ngày tốt tới thanh toán nốt tiền và đón xe về.
Chờ mãi, chờ mãi cuối cùng cũng đến ngày lành tháng tốt hợp tuổi, anh Nam hí hửng mang số tiền còn lại tới salon làm thủ tục thanh toán. Tới đây, nhân viên salon kiểm tra hồ sơ và danh sách khách hàng đặt cọc đã trả lời, xe của anh đã được bán cho người khác do quá hẹn đến làm thủ tục mua.
Anh Nam tròn mắt kinh ngạc “tôi đã đặt cọc sao lại bán cho người khác? Tôi chờ ngày tốt hợp tuổi mình mới đến mua” v.v..và v.v. Mọi lý giải của anh Nam đều không được salon chấp nhận bởi họ đã có quy định trong khi vấn đề này lại là thói quen của cá nhân khách hàng. Anh Nam ngậm ngùi trở về. Thấy anh chán nản, bà xã đã book vé bay để cả 2 về Việt Nam thăm thân.
Mọi chuyện sẽ không có gì để nói khi chính anh Nam một lần nữa tự mình “đốt” tiền mình. Cầm vé bay chuẩn bị lên đường, nghĩ thế nào, anh lại mở lịch điện tử ra tra giờ tốt xấu và buông câu “ngày xung không đi”. Biết tính chồng nặng nề chuyện kiêng kị nên vợ anh Nam mặt cắt không còn giọt máu vì tiếc tiền. Sau hổi năn nỉ ỉ ôi, khóc đứng khóc ngồi, cuối cùng chuyến đi chỉ có mình vợ anh Nam. Còn anh Nam mất phí đổi ngày bay về sau để chờ ngày tốt.
Chuyện kiêng kị hay chọn ngày tốt, giờ tốt nằm trong quan niệm của hầu hết người Việt. Với những người buôn bán, việc kiêng kị còn nặng nề hơn.
Có người sáng xách túi ra chợ mở quầy mà gặp người họ cho là "hãm vía" thì thà quay về còn hơn cả ngày ngồi đếm ruồi. Có người tính kiêng khem cẩn trọng tới mức, con dâu đẻ không cho ai vào thăm, càng không cho ai bế em bé vì sợ vía khách không tốt ảnh hưởng....
Cũng nặng nề chuyện ngày giờ như anh Nam, trường hợp anh Nguyễn Trung Thành, 52 tuổi (Hà Nội) cũng từng là đề tài nhắc đến trong mỗi cuộc vui vì quá kỹ tính. Dù là công chức nhà nước, không hành nghề bói toán hay cúng bái nhưng anh Thành rất rành khoản bấm giờ tốt xấu, đặc biệt là giờ xuất hành. Mỗi khi đi xa, dù là đi chơi anh cũng lẩm nhẩm tính toán. Có lần phải bay chuyến 15 giờ, thay vì rời nhà lúc 11 giờ thì anh Thành bắt cả gia đình phải dậy từ 7 giờ sáng để đi. Lý do, nếu đi giờ kia sẽ rơi vào cung tử lộ, tuyệt mạng v.v... Sau hồi nghe anh giảng giải lẫn đe dọa, mọi người đành chấp nhận dậy sớm, đi sớm cho an tâm.
Suýt mất mạng vì chờ giờ tốt
Được đánh giá là thầy kiêng kị, ông Phạm Văn Rỗi, 70 tuổi (Hải Phòng) không biết bao lần làm người nhà thót tim hú vía.
Nhớ đợt con dâu nhà ông đau bụng sinh em bé, cả nhà cuống cuồng soạn đồ, gọi xe đưa đi nhưng vừa ra tới cửa bị ông ngăn lại vì “đi vào giờ xấu”. Ông Rỗi đe “Nếu cố tình đi là chết cả mẹ cả con...” khiến cô con dâu vừa bò lê bò quàng vì đau vừa sợ hãi. Hơn 1 tiếng sau, được giờ tốt, ông Rỗi mới đồng ý để cả nhà đưa con dâu lên viện. Cả hành trình lên viện, ai cũng nơm nớp lo sợ. Quả nhiên, chưa kịp tới bệnh viện, con dâu ông Rỗi đã hạ sinh ngay trên taxi trong tình trạng kiệt sức. Rất may, xe cứu thương được huy động đến kịp, cả mẹ và con được đưa vào viện cấp cứu an toàn.
Cũng giống ông Rỗi, trường hợp bà Trần Thị Vang, 65 tuổi (Lê Chân, Hải Phòng) có con dâu sinh thường nhưng nằm viện tới hơn 10 ngày vì lý do không có ngày tốt để về. Cho dù y bác sĩ thăm khám và kết luận hoàn toàn đủ điều kiện xuất viện nhưng bà Vang nhất quyết không cho về vì thầy bói đã phán “chờ ngày tốt mới được về”. Vừa mệt mỏi, vừa bức bách vì chăm vợ dài ngày trên viện cộng việc đội thêm chi phí không cần thiết..., cậu con trai đã vục vặc với bà Vang một thời gian dài.
Nổi tiếng với mức độ kiêng, anh Vũ Văn Thanh, 43 tuổi (Kiến An, Hải Phòng) còn không dám ấn like hay bình luận, thậm chí không dám xem những clip hay hình ảnh của em bé vừa chào đời do người quen, thân, bạn bè chia sẻ thông báo.
Theo duy tâm của anh Thanh, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh bà đẻ, em bé vừa chào đời này, anh luôn gặp xui xẻo. Vì thế, khi có người thân hay bạn bè, quan hệ sinh nở, anh tuyệt đối không bao giờ đi thăm. Nếu có, cũng phải chờ sau 6 tháng mới dám đến.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là câu nói quen thuộc của người Việt trong cuộc sống hàng ngày. Việc kiêng ít, kiêng nhiều hay không kiêng phụ thuộc vào quan điểm, suy nghĩ, cách sống, duy tâm, tín ngưỡng mỗi người. Có điều đối với những người mê tín thái quá, họ nên điểm lại các ví dụ về những việc thuận lợi, có kết quả tốt đẹp, thành công mà chẳng cần tính toán ngày giờ tốt xấu để thấy câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" cũng là nói đến những việc làm, hành động cần có cơ sở khoa học và tính toán cẩn thận, hạn chế hoặc lường trước rủi ro mà thôi.
Theo Dương Đăng Thùy (Giadinh.net.vn)