Clip: Hành vi đáng phẫn nộ của người đàn ông sau khi con gái bị tranh chỗ chơi trong siêu thị
Cách đây một thời gian, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện đoạn clip gây tranh cãi: Một cô gái cùng bạn đang chở nhau đi chơi bằng xe máy, tình cờ gặp bố ở trên đường. Trong cơn tức giận, người cha đã tát con gái, kéo cô xuống đường rồi bắt về nhà.
Nhìn các con chở quá người trên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, là một người cha, việc lo lắng và tức giận là điều dễ hiểu. Nhưng việc tát con gái ở nơi công cộng của người cha nhận về nhiều chỉ trích. Nhiều người cho rằng đây là cách hành xử không phù hợp, nhất là khi cô con gái đang ở lứa tuổi dậy thì đầy xáo trộn.
Giáo dục con cái không có gì sai, nhưng cũng phải xem xét thể diện của đứa trẻ. Trên thực tế, không hiếm những tình huống cha mẹ nóng giận xử lý thiếu tinh tế gây ra hậu quả không thể khắc phục.
Đứa trẻ cũng có sĩ diện
Có người nói: "Cha mẹ tốt là người luôn "giữ khóa trên miệng". Trẻ em có ý thức mạnh mẽ về lòng tự trọng ngay từ khi còn nhỏ. Khi một đứa trẻ bị bố tát ở nơi công cộng, trái tim chúng sẽ vô cùng tổn thương, có thể để lại những vết sẹo không thể xóa nhòa. Cách dạy dỗ này của cha mẹ cũng không đạt được mục đích giáo dục là để trẻ biết lỗi mà sửa sai, ngược lại sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý thù địch, nổi loạn, thậm chí có những hành vi cực đoan.
Dư luận châu Á từng rúng động trước vụ việc một nam sinh 14 tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc nhảy từ tầng 5 của trường học. Trước đó, em học sinh bị mẹ tát 2 lần vào mặt ngay tại trường. Vụ việc đau lòng khi đó đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều nước châu Á về cách cha mẹ hành xử với con đang ở tuổi dậy thì.
Trong mắt một đứa trẻ, bị gọi phụ huynh tới trường đã là một điều đáng xấu hổ, lại bị mẹ trách mắng, tát trước mặt mọi người, chắc hẳn cậu bé sẽ cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Một cậu bé đang trong thời kỳ nổi loạn đã chọn cách cực đoan nhất để thoát khỏi sự xấu hổ khi lòng tự trọng của mình bị xúc phạm. Người đau đớn nhất chính là người mẹ, trong lòng bà chắc hẳn tràn ngập sự ăn năn.
Chính sự cố này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những bậc làm cha mẹ: Đừng bao giờ la mắng con trước mặt người ngoài.
Chuyên gia nuôi dạy con cái Trung Quốc Lý Mai Cẩn cho rằng, tốt nhất không nên có người thứ ba ở bên khi giáo dục con cái. Một số sai lầm của trẻ không nhất thiết phải giải quyết tức thì ngay lúc đông người, chỉ trích hay răn dạy khi bạn ở một mình với con vẫn chưa muộn.
Chỉ khi lòng tự trọng của trẻ được bảo vệ và tôn trọng, trẻ mới sẵn sàng tiếp nhận những lời phê bình, góp ý của cha mẹ. Những lời xúc phạm công khai sẽ chỉ phản tác dụng và gây ra phản ứng dữ dội hơn nữa.
Đừng xem nhẹ quyền riêng tư của trẻ
Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ mắng mỏ ở nơi công cộng, khi lớn lên rất có thể sẽ cực kỳ tự ti, thậm chí có thể không tìm được giá trị của cuộc sống. Con cái không phải là phần "đính kèm" của bố mẹ mà là một cá thể độc lập, từ khi bắt đầu tự nhận thức, trẻ đã dần dần hình thành lòng tự trọng và quan tâm nhiều đến người khác, đặc biệt là sự đánh giá của bố mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến quyền riêng tư của con cái, họ chia sẻ những câu chuyện "đáng xấu hổ" của những đứa trẻ như một niềm vui, chẳng hạn như: "Con tôi viết chữ như gà bới"; "Con tôi thích một bạn nữ trong lớp"; "Con tôi quá tệ, cái gì cũng học chậm, nói mãi không cải thiện"... Trẻ em không thể hiểu những trò đùa giữa người lớn. Nhiều vấn đề trong mắt cha mẹ cực kỳ nhỏ nhặt nhưng dưới quan điểm con cái, chúng có thể phóng đại lên hàng trăm lần.
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Susan Forward nói trong Toxic Parents (cha mẹ độc hại): "Trẻ em không phân biệt được sự thật với những trò đùa, chúng lấy những gì cha mẹ nói về bản thân và biến nó thành của riêng mình". Nếu không được sự đồng ý, việc chia sẻ những khuyết điểm hay chuyện riêng tư của trẻ như một trò đùa sẽ làm tổn thương lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ, khiến trẻ ngày càng tự ti.
Nhà giáo dục người Anh, John Locke có câu nói nổi tiếng: "Cha mẹ càng ít công khai lỗi lầm của con cái, trẻ càng coi trọng danh dự của mình và càng cẩn thận hơn trong việc duy trì những đánh giá tốt. Ngược lại, mong muốn bảo vệ danh tiếng của đứa trẻ sẽ yếu đi. Những đứa trẻ bị chế nhạonơi công cộng sẽ dần mất lòng tin vào cha mẹ, không muốn mở lòng với cha mẹ, mối quan hệ cha mẹ con cái sẽ ngày càng xa cách".
Đừng khen ngợi người khác theo cách hạ thấp trẻ
Một số ông bố bà mẹ khiêm tốn, khi so sánh với con người khác, họ sẽ có thói quen che đậy ưu điểm của con mình và tâng bốc những đứa trẻ khác hết mực.
Có một tình huống từng được bà mẹ nọ chia sẻ như vậy: Hàng xóm của chị mỗi lần gặp nhau đều thường khen các con của chị ngoan, siêng năng, học Toán giỏi. Sau đó chê con gái mình lười biếng, tham ăn, mì gói cũng không biết nấu.
Nhưng thật ra cô gái nhỏ này cũng không tệ như lời mẹ nói. Cô bé ngày nào cũng xuống lầu vứt rác, mỗi lần nhìn thấy hàng xóm đều ngượng ngùng nói "Con chào cô". Hơn nữa, đứa trẻ có khả năng sáng tác rất tốt, giành khá nhiều giải thưởng về viết văn. Chắc hẳn cô bé đã bị mẹ "coi thường" từ lâu, vì vậy dù học hành xuất sắc vẫn không mấy tự tin. Người mẹ có thể muốn sử dụng sự so sánh này để thúc đẩy đứa trẻ tiếp tục tiến bộ. Nhưng trong mắt con cái, mẹ đang phủ nhận chính mình, và chúng sẽ ngày càng trở nên kém cỏi hơn.
Trẻ em tuy còn nhỏ nhưng lòng tự trọng rất mạnh mẽ, chúng rất mong muốn được người khác, đặc biệt là cha mẹ công nhận, và cũng cần sự động viên của cha mẹ để bảo vệ lòng tự tôn nhạy cảm của mình. Là cha mẹ, chúng ta nên nhìn thấy những ưu điểm ở con cái mình và hướng dẫn chúng tiến về phía trước. Hãy nhìn nhận sự trưởng thành của trẻ một cách khách quan, không khen ngợi quá mức cũng không cố tình hạ thấp con xuống.
Hãy nghiêm túc xem xét ý kiến của trẻ. Khi ở nơi công cộng với con cái, nếu nhận thấy rằng chủ đề nào đó khiến trẻ khó chịu, hãy thay đổi ngay lập tức. Cha mẹ cần nhớ rằng, một khi lòng tự trọng của một đứa trẻ bị tổn thương sẽ rất khó để hàn gắn.
Theo Hiếu Đan (Phụ Nữ Việt Nam)