Thực tế cho thấy, nhiều người thừa nhận bị "nghiện" trà sữa song đây lại là loại đồ uống tiềm ẩn mối nguy hiểm. Trà sữa chính là thủ phạm khiến chị em tăng cân dù đã nhịn ăn. 2 ly trà sữa chứa lượng calo đủ cho một ngày.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, một ly trà sữa trân châu có thể sẽ chứa tới 50 g đường (cung cấp 200 kcal). Đó là chưa kể tới lượng calo mà sữa và trân châu đem lại. Thành phần chủ yếu của hạt trân châu chủ yếu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein.
Do thành phần chủ yếu là từ tinh bột, nên mặc dù nhìn những hạt trân châu này rất nhỏ bé, nhưng lại có chứa rất nhiều năng lượng. Một hạt trân châu có thể chứa tới 5-14 kcal mỗi viên. Thông thường, một cốc trà sữa sẽ thường được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp tới 100 kcal. Tuy nhiên, về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.
Hiện nay, thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), ví dụ như pudding trứng, kem phô mai, thạch… Tùy từng loại mà lượng calo trong mỗi loại sẽ tăng lên hoặc giảm đi, so với trân châu, kem phô mai có thể sẽ chứa nhiều năng lượng hơn, thạch có thể sẽ chứa ít năng lượng hơn.
Cũng theo TS.BS Trương Hồng Sơn thì trà sữa chính là thủ phạm khiến người uống tăng cân. Bởi do chứa nhiều đường và calo, nên nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng.
Hoặc dù chỉ 1 ly trà sữa thôi nhưng nếu ngày hôm đó bạn đã nạp đủ hoặc thừa cab từ các thực phẩm khác thì bạn cũng tăng cân nhanh chóng. Điều này khiến bạn phải kiểm soát cân đối lượng ca lo trong ngày nếu muốn uống trà sữa.
Đặc biệt, các bạn học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia ước tính, một 100ml trà sữa có thể có 7-8g đường, như vậy nếu uống 1 cốc trà sữa 500ml thì bạn sẽ hấp thu khoảng 30-40g đường. Bên cạnh đó, các hạt trân châu được làm từ bột nếp, bột sắn, củ năng… cũng sinh năng lượng khi ăn. Nếu bạn uống thêm kem thì còn có chất béo...
"Tuỳ theo khẩu vị của người uống mà trà sữa sẽ cung cấp lượng năng lượng khác nhau nhưng nhìn chung, 1 cốc trà sữa 500ml ước tính có năng lượng 300-500kcal. Số năng lượng này tương đương năng lượng có trong 1 bát bún mọc hay 1 bát phở trung bình" - PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho hay.
Điều đó đồng nghĩa, uống nhiều trà sữa dễ gây thừa năng lượng, thừa cân béo phì. Việc tiêu thụ quá nhiều đường ngọt sẽ gây đường máu cao, dễ gây tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Việc uống trà sữa mà cho nhiều kem, có nhiều béo động vật thì dễ gây mỡ máu cao (nếu dùng béo thực vật thì không gây tác hại này). Ngoài ra, uống trà sữa vào buổi tối có thể gây khó ngủ vì có chất caffeine có nhiều trong trà.
Bên cạnh đó, trà đặc kết hợp với sữa có thể có chất tannin gây ức chế hấp thu canxi, sắt, kẽm - những khoáng chất quan trọng cần cho cơ thể.
Vì uống nhiều trà sữa dễ gây nguy cơ mắc một số bệnh nói trên, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm khuyên những người nghiện trà sữa nên hạn chế lại, bởi thực tế nó chỉ cung cấp năng lượng, không có nhiều các chất dinh dưỡng.
- Nếu thích uống, bạn không nên uống quá nhiều, nên nói cửa hàng bớt đường, sữa để bớt năng lượng, tránh thừa cân, béo phì.
- Không nên uống nhiều, mỗi lần nên uống cốc size nhỏ hay vừa thay cho size lớn.
- Mỗi ngày không nên uống quá 1 cốc, nên cách ngày uống 1 lần.
- Bạn cũng nên chọn uống trà sữa có nguồn nguyên liệu rõ ràng, tránh các chất độc hại cho cơ thể.
- Nên tích cực hoạt động thể lực đều đặn hàng ngày để giúp kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa thừa cân béo phì.
Theo Minh Anh (Giadinh.net.vn)