Bài tập sống giản dị trong sách giáo khoa khiến giáo viên bối rối

22/08/2017 19:42:00

Bài tập về lối sống giản dị trong sách Giáo dục Công dân lớp 7 khiến cả học sinh và phụ huynh bối rối khi không biết chọn đáp án nào chính xác.

Bài tập về lối sống giản dị trong sách Giáo dục Công dân lớp 7 khiến cả học sinh và phụ huynh bối rối khi không biết chọn đáp án nào chính xác.

Theo đó, đề bài yêu cầu: "Trong các hình ảnh sau đây, hình ảnh nào thể hiện lối sống giản dị? Vì sao?".

Bai tap song gian di trong sach giao khoa khien giao vien boi roi hinh anh 1

Bài tập về lối sống giản dị gây tranh cãi trên diễn đàn mạng. Ảnh chụp màn hình

Sách giáo khoa đăng 4 bức hình với cách ăn mặc khác nhau. Nhiều người bình luận rằng họ bối rối, không biết chọn phương án nào và bài tập không mang tính giáo dục. Cả 4 cách ăn mặc đều "na ná" nhau, chọn bức nào cũng không hợp lý.

Trần Ly - người chia sẻ bức ảnh - cho biết đây là câu hỏi nằm trong sách bài tập Giáo dục Công dân lớp 7, tập một. 

"Em trai hỏi, mình thấy khó hiểu nên đăng lên mạng xin ý kiến của mọi người", Ly cho hay.

Trao đổi với Zing.vn, cô Bích Loan - giáo viên tiểu học ở TP.HCM - khẳng định đây là bài trong cuốn sách Giáo dục Công dân lớp 7. Nữ giáo viên thừa nhận cô từng khá lúng túng khi phải giải thích cho học sinh.

Trong trường hợp này, cô Loan chỉ nêu khái niệm về lối sống giản dị là phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Nghĩa là, nó không xa hoa lãng phí, không cầu kỳ, kiểu cách, không hình thức. 

Cô chỉ giải thích đây là sơ suất của người ra đề, bài đưa ra đáp án chung chung nên không có phương án chính xác.

Nữ giáo viên này nói thêm nhiều khi, các sai sót như vậy khiến giáo viên rất khó xử vì học sinh thường tin tưởng thầy cô có thể giải quyết vấn đề liên quan bài tập. Nhưng khi gặp những bài mà người lớn cũng "bó tay", các em không hiểu hết vấn đề, dễ mất niềm tin vào giáo viên.

Bai tap song gian di trong sach giao khoa khien giao vien boi roi hinh anh 2

Hình ảnh của cuốn sách được chia sẻ trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, không ít trường hợp sách giáo khoa cho bài tập thiếu dữ liệu, không thể có đáp án khiến học sinh, giáo viên bối rối.

Đầu năm 2017, câu chuyện dạy trẻ nhỏ dùng búa đập khi buồn trong cuốn sách "Phép lịch sự" dành cho nhi đồng không nhận được sự đồng thuận của nhiều người.

Cuối năm 2016, bài toán tính số vịt trong sách nâng cao dành cho học sinh lớp 3 khiến nhiều phụ huynh, thậm chí giáo viên, khó có thể đưa ra lời giải. Sau khi được đưa lên diễn đàn mạng, bài toán này khiến không ít người hoang mang về cách ra đề ảo, "không tài nào hiểu nổi" của người biên soạn sách.
 

Theo Kiều Trang (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật