Bác sĩ nói về việc bé trai 4 tuổi bị giật cơ mặt, nháy mắt nhíu mũi: Xem smartphone nhiều là yếu tố khởi phát bệnh

11/08/2017 10:51:00

Thấy biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi của con diễn ra thường xuyên, bà mẹ trẻ đã đưa con đi khám và bác sĩ chẩn đoán bị mắc chứng Tic tạm thời. Bác sĩ cho rằng việc dùng điện thoại là một trong những nguyên nhân khởi phát.

Thấy biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi của con diễn ra thường xuyên, bà mẹ trẻ đã đưa con đi khám và bác sĩ chẩn đoán bị mắc chứng Tic tạm thời. Bác sĩ cho rằng việc dùng điện thoại là một trong những nguyên nhân khởi phát.

Mới đây, trên trang cá nhân của tài khoản Y.P. chia sẻ sự việc cậu con trai 4 tuổi mắc phải hội chứng Tic tạm thời nghi do sử dụng điện thoại quá nhiều khiến các phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Được biết, người chia sẻ sự việc trên là chị Phan Hồng Thủy, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Con nhỏ của chị tên ở nhà là Subin, năm nay lên 4 tuổi.

Bác sĩ nói về việc bé trai 4 tuổi bị giật cơ mặt, nháy mắt nhíu mũi: Xem smartphone nhiều là yếu tố khởi phát bệnh - Ảnh 1.

Kết quả khám bệnh và đơn thuốc của bé trai 4 tuổi.

Chị Thủy cho biết bé rất hiếu động và nghịch ngợm. Lúc trước, cứ mỗi lần bé nghịch, chị không giữ nổi, nên thường cho con xem hoạt hình trên điện thoại và chơi game. 

Bé chơi từ lúc 2 tuổi đến giờ không có vấn đề gì. Nhưng mới 1 tháng trở lại đây, con có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi liên tục, ngày một gia tăng.

Lo lắng cho sức khỏe của con, chị Thủy đưa bé đi đến khám ở Chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM). Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bé bị rối loạn TIC tạm thời.

Theo tư vấn của bác sĩ, sau khi uống thuốc có bé khỏi, có bé tái đi tái lại nhiều lần. Nếu trường hợp bị nặng có thể để lại di chứng như vĩnh viễn bị nháy mắt và nhíu mũi...

Tuy nhiên, chị Thủy cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng bệnh của con và đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh rằng không nên cho các con nghịch điện thoại, iPad nhiều vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của các bé.

Cũng theo chị Thủy chia sẻ, tình trạng của con trai chưa được cải thiện nhiều. Nhưng hiện tại, chị tuyệt đối không để con động vào điện thoại dù bé có mè nheo đòi dùng.

Ngay sau khi đoạn chia sẻ của chị Thuỷ xuất hiện đã thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng mạng.

"Không biết sử dụng quá nhiều điện thoại sẽ mắc hội chứng này hay không, tuy nhiên mình thấy việc cho các bé xem nhiều điện thoại, iPad thực sự không tốt. Các thiết bị thông minh giúp các bé giải trí nhưng cũng cần kiểm soát thời gian sao cho phù hợp", tài khoản A.G. chia sẻ.

"Đọc xong cũng thấy lo quá, mỗi lần cho con ăn, dỗ con ngủ đều phải giơ điện thoại ra cho con xem đủ các chương trình, thay vì hát rủ kể chuyện. Chắc từ mai dù con quấy khóc cũng gắng dỗ dành, bồng bế chứ cứ phụ thuộc vào mấy thiết bị thông minh thật sự là không tốt cho các bé", một bà mẹ khác bày tỏ.

"Sử dụng smartphone chỉ là yếu tố khởi phát hội chứng Tic"

Ngày 10/8, trao đổi với PV về trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa Thần kinh Nguyễn Quang Vinh (Khoa nhiễm Thần kinh, BV Nhi Đồng 1) cho biết, Tic là một hội chứng rối loạn về thần kinh, chủ yếu xuất hiện ở phần cơ như cơ mặt, cơ thân, cơ phát âm.

Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh Nguyễn Quang Vinh chia sẻ về hội chứng Tic

Theo bác sĩ, Tic được chia ra thành 2 nhóm Tic vận động và Tic âm thanh. Nhóm thứ 3 là nhóm hỗn hợp cả Tic vận động và âm thanh. "Tic xuất hiện nhiều nhất ở cơ mặt. Nếu trường hợp không biết nguyên nhân thì có thể điều trị triệu chứng bằng cách dùng thuốc an thần. Tóm lại Tic cơ bản là một triệu chứng", Bs. Vinh nói.

Về nhiều trường hợp có nguy cơ mắc hội chứng Tic do sử dụng smartphone, bác sĩ Vinh cho hay, sử dụng smartphone có tác động rất lớn đến mắt, sẽ kích thích đến mắt và thần kinh thuỷ trọng của thị lực. Nếu dùng smartphone nhiều thì phần cơ mắt và tầm nhìn của mắt sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, đường truyền lên võng mạc sẽ mệt mỏi.

Tuy nhiên, theo bác sĩ, những vấn đề này chỉ là yếu tố khởi phát. Bác sĩ Vinh đặt giả thiết, nếu đã có Tic rồi và đang ổn định nhưng sử dụng điện thoại chơi game trong thời gian dài thì đó là yếu tố để tái phát. Ngoài ra, việc coi ti vi nhiều, đặc biệt là hoạt hình thì cũng là một trong những nguyên nhân khởi phát Tic.

Bác sĩ nói về việc bé trai 4 tuổi bị giật cơ mặt, nháy mắt nhíu mũi: Xem smartphone nhiều là yếu tố khởi phát bệnh - Ảnh 3.

Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh Nguyễn Quang Vinh (Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1)

"Có thể nói nguyên nhân khởi phát là do căng thẳng tâm lý, lo lắng quá mức. Nếu như người lớn nhắc trẻ hoài cũng ảnh hưởng đến tâm lý, đây nguyên nhân khiến trẻ khởi phát Tic, làm cho Tic nhiều và phức tạp hơn", BS Vinh thông tin.

Do Tic thường xuất hiện ở cơ mặt, đặc biệt là cơ quan mắt nên khi mắc hội chứng, mắt trẻ sẽ có biểu hiện nháy liên tục. Việc nháy mắt không làm giảm thị lực nhưng làm cơ bị mỏi và ảnh hưởng đến tầm nhìn.

Theo bác sĩ Vinh, nếu Tic vận động ở phần cơ bụng thì biểu hiện là giống như bị nấc. Còn Tic âm thanh thì có biểu hiện giống như một loại tiếng chó sủa. Tuy nhiên, Tic chỉ là tự phát, không cố ý thực hiện của người mắc hội chứng này.

Bác sĩ Vinh cũng nói rõ: "Biểu hiện nấc cụt hay sặc trong bữa ăn chỉ là vấn đề liên quan đến ăn uống bình thường, còn Tic thì xuất hiện cả ngày. Tic vận động ở cơ bụng xuất hiện thì không liên quan đến việc ăn uống. Tic thường sẽ hết khi mình ngủ".

Qua những thông tin xôn xao về hội chứng Tic, bác sĩ Vinh cũng khuyến cáo, với những người không có Tic nếu sử dụng smartphone nhiều sẽ gây mỏi mắt, làm tăng độ cận thị. Ngoài ra, nếu như đã bị Tic mà sử dụng smartphone nhiều thì hội chứng này sẽ bắt đầu khởi phát. Khi khởi phát nhiều sẽ tạo thành tật trong não, qua đó sẽ rất khó điều trị bằng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thần kinh, gây ngủ nhiều...

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyên thay vì tìm cách điều trị bằng thuốc thì chúng ta nên phòng bệnh. "Tốt nhất vẫn không nên dùng thuốc để điều trị Tic".

Bác sĩ nói về việc bé trai 4 tuổi bị giật cơ mặt, nháy mắt nhíu mũi: Xem smartphone nhiều là yếu tố khởi phát bệnh - Ảnh 4.

Bác sĩ đang thăm khám cho trẻ tại khoa Thần kinh của BV Nhi Đồng

Bs. Vinh nhấn mạnh và cho biết thêm, hội chứng này không di truyền, không gây nguy hiểm cho bệnh nhi nhưng nếu để lâu không chữa trị thì sẽ hình thành tật xấu cho trẻ (mắt, vai, miệng giật liên tục). Theo bác sĩ, nhóm trẻ từ 4 - 10 tuổi thường dễ mắc và tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn bé gái.

Cùng ngày, bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết, khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận 4 ca liên quan tới hội chứng Tic. Trong số này có bé gái 10 tuổi, bị cận thị bẩm sinh.

Theo chia sẻ của phụ huynh, 3 tháng nay, bé gái thường xuyên bị máy giật ở mắt, mặc dù đã làm nhiều cách nhưng không hết giật nên đưa đi khám mắt. Sau đó khi gia đình đưa bé đến bác sĩ khoa mắt kiểm tra nhưng không phát hiện bất thường gì. Qua đó nhận định bé bị hội chứng Tic, đã chuyển qua khoa Nhiễm - thần kinh điều trị.

Được biết, khoảng đầu hè thì số ca Tic thường tăng lên đến 50% so với thời điểm khác.

Theo T.Quý (Thời Đại)

Nổi bật