Một bà mẹ Việt ở Úc đã chia sẻ câu chuyện của mình về vấn đề liệu có thực sự tốt cho sự phát triển sau này của trẻ khi tập “xi tè” quá sớm?
"Phải tập xi tè cho con chứ, đóng bỉm cả ngày vừa bí vừa không tốt" – câu nói quen thuộc mà bất cứ bà mẹ mới sinh nào cũng phải nghe từ những người xung quanh, từ những bà các mẹ dày dạn kinh nghiệm chăm con.
Tập "xi tè" cho con được cho là giúp tiết kiệm tiền mua bỉm, vệ sinh và sạch sẽ. Thế nhưng, việc xi tè ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ như vậy có thực sự tốt như mọi người thường nghĩ?
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, chị Nguyễn Tú Trâm, sinh năm 1988, đến từ Hà Nội, hiện đang định cư cùng chồng ở Úc đã chia sẻ câu chuyện sau khi đưa con gái đầu lòng đi khám về.
Vợ chồng chi Nguyễn Tú Trâm hiện đang định cư ở Úc và có một cô con gái đầu lòng hơn 2 tuổi. |
Được biết, bé Mina nhà chị năm nay hơn 2 tuổi. Trước đây, chị Tú Trâm cũng được nghe tư vấn về việc nên tập "xi tè" cho con theo kinh nghiệm dân gian và làm theo.
Tuy nhiên, mới đây trong một lần đưa con đi khám, chị bất ngờ với lời khuyên của bác sĩ. "Trướcđây mọi người ở Việt Nam nói là nên tập cho bé đi vệ sinh, tập "xi" cho bé nên khi con được mấy tháng tuổi mình cũng làm theo.
Cũng may là chỉ một thời gian ngắn sau lại đúng ngày đi khám định kì cho Mina, nhân tiện mình đem chuyện hỏi bác sĩ, bác sĩ Úc tỏ ra rất ngạc nhiên vì bên này không ai làm thể cả.
Bác sĩ khuyên mình không nên làm vậy, sẻ ảnh hưởng xấu đến con. Từ đó mình dẹp luôn cái bô của bé đi luôn".
Mẹ 8x đã từ bỏ thói quen "tập xi" cho con sau khi nhận được lời khuyên từ vị bác sĩ người Úc |
Từ đó đến nay, chị Trâm không bao giờ có khái niệm "tập xi tè" cho con. Bé nhà chị đến nay vẫn đóng bỉm thường xuyên.
Đến đợt bé tròn 2 tuổi, mình đưa đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo thời điểm này vì bé đã lớn hơn một chút nên đã có thể hướng dẫn con tập đi vệ sinh.
"Nhưng mình cũng không tập xi mà chỉ hướng dẫn con gọi bố mẹ khi nào muốn đi, tập cho con tự ngồi đi, không xi, cũng không giục con.
Mình mới cho bé đi khám định kì cách đây mấy hôm, bác sĩ nói đã đúng thời điểm để dạy bé tự đi vệ sinh nên hôm nay là ngày đầu tiên mình bỏ bỉm để bé tập đi.
Trộm vía bé mình học cũng nhanh, chỉ một lần là Mina nhà mình đã biết gọi mẹ, gọi bà để đi luôn. Cả ngày nay bé chỉ bị tè dầm đúng một lần duy nhất vì mải ăn quên gọi"- Mẹ Việt ở Úc chia sẻ.
Thay vì "tập xi", chị Trâm lựa chọn cách đóng bỉm thường xuyên cho bé khi con còn nhỏ |
Tập "xi tè" sớm: Hậu quả không ngờ đối với sự phát triển của trẻ nhỏ
Chia sẻ của bà mẹ 8x này bất ngờ thu hút sự quan tâm đặc biệt của các ông bố, bà mẹ Việt với hàng nghìn lượt tương tác.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ trước quan niệm khá mới mẻ này, tuy nhiên sau khi đọc những phân tích dựa trên cơ sở khoa học, không ít bà mẹ bỉm sữa phải gật gù công nhận.
Thay vì tập xi, khi con lớn hơn, chị Trâm hướng dẫn bé về việc ra dấu hiệu cho bố mẹ biết mỗi khi bé muốn đi vệ sinh. |
Một số bà mẹ Việt thì chia sẻ rằng chính bản thân mình cũng đã, đang áp dụng cách đóng bỉm thường xuyên thay vì tập "xi" cho con theo cách thức truyền thống.
Được biết, việc tập xi tè là không cần thiết và thậm chí còn phản khoa học. Thay vì để bé tự cảm nhận được tín hiệu và hiểu để điều chỉnh hành vi, thì lại để bé lệ thuộc vào âm thanh bên ngoài (hay một tác động nào đó mẹ quy ước cho bé).
Vậy nếu như quy ước đó được hình thành tức chỉ cần nghe hiệu lệnh là bé sẽ đi vệ sinh mặc dù không muốn, hoặc bé nghe một âm thanh nào đó giống như hiệu lệnh quy ước, hoặc ai đó chỉ cần vô tình xuất hiện âm thanh đó là bé sẽ đi, như vậy trẻ sẽ bị đi ngoài không kiểm soát.
Điều cốt lõi là hãy để bé kiểm soát chính bản thân mình một cách hiệu quả.
Theo như chị Trâm cho hay thì: "Bác sĩ ở bên này giải thích rằng, khi "xi tè", bàng quang của bé chưa căng đã phải đi rồi, do đó hình thành thói quen có điều kiện.
Mà bàng quang bé lại cần phải lớn lên liên tục nên không căng sẽ không tốt cho hệ thần kinh cảm giác. Bản thân bé cần phải cảm nhận cảm giác căng tức, từ đó hình thành liên kết cảm giác đó chính là muốn đi vệ sinh.
Nếu bé dưới 6 tháng, việc xi tè là vô nghĩa vì lúc này bàng quang bé còn nhỏ nên chỉ chứanước lượng nước ít cần đi liên tục.
Khoảng 18 tháng là lúc bàng quang của bé tương đối lớn và lúc này liên kết hệ thần kinh cảm giác của bé đã tốt, bé bắt đầu cho bố mẹ thấy dấu hiệu sắp tiểu tiện và đại tiện.
Nhưng khi ấy bé vẫn chưa biết phải làm gì khi có cảm giác đó. Nên đến khi bé được 2 tuổi, mình bắt đầu tập cho bé ngồi bô như bây giờ và con làm rất tốt".
Nói rộng ra, việc bắt con đi vệ sinh theo ý cha mẹ, hay việc bé ăn phải theo định lượng, định tính của người lớn, ngủ, chơi cũng theo ý bố mẹ là nếp quen của việc giáo dục truyền thống đó là áp đặt trẻ.
Trẻ nhỏ cần được tự do, cần có không gian, trải nghiệm, cần được tự quyết định cho chính bản thân mình. Bởi như vậy, bé mới hiểu được đâu là trách nhiệm mình cần phải làm, và bé sẽ học cách chịu trách nhiệm cho chính hành động của mình.
Theo Ngân Hà (Soha/Trí Thức Trẻ)