Sau 7 năm lái xe container, chở hàng đi khắp các tỉnh thành phía Bắc, anh Lê Xuân Hiệp (SN 1985, Hà Nội) thừa nhận, đây là một công việc cho nguồn thu khá ổn định.
Tại công ty anh làm việc, mỗi lái xe container được trả mức lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, họ còn có thêm phụ cấp ăn uống, xăng xe... thu nhập của mỗi tài xế không dưới 20 triệu/tháng nếu chạy xe đều đặn.
"Tuy nhiên số thu nhập này không là gì so với một lần gặp rủi ro", tài xế này nói. Rủi ro ở đây là những tai nạn trên đường hay làm mất, hỏng hàng hóa hoặc chuyên chở hàng không kịp thời gian theo hợp đồng, tài xế đều phải nhận trách nhiệm đền bù.
“Mỗi chuyến xe container chứa rất nhiều hàng. Có hàng trị giá cả trăm tỷ đồng. Chỉ cần mất một món hoặc giao chậm 10 - 15 phút, tài xế có thể mất cả gia tài. Do vậy, họ không dám dừng nghỉ nhiều”, anh Hiệp nói.
Đây cũng là một trong những lý do khiến anh Hiệp thừa nhận tai nạn xảy ra với các xe container đa phần là do tài xế buồn ngủ.
Anh Hiệp cho biết, đối với nghề lái container, một chuyến đi thường kéo dài nhiều ngày. Trên đường đi, do áp lực về thời gian, trộm cắp, cướp giật, nhiều lái xe không dám dừng nghỉ hoặc không tìm được điểm dừng nghỉ an toàn.
Do vậy, họ cố gắng chạy tiếp trong tình trạng không tỉnh táo. Có người lái cả ca ngày, ca đêm nhưng chỉ ngủ vài tiếng đồng đồ.
Chính vì điều này, nhiều lái xe rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Họ có thể ngủ đứng, ngủ ngồi hoặc ngủ trong mọi tư thế. Thậm chí có người còn kịp ngủ trong thời gian chờ đèn đỏ.
Để tránh cơn buồn ngủ, anh Hiệp tiết lộ, mỗi tài xế lại tìm đến một cách khác nhau. Có người sử dụng cafe, có người uống nước tăng lực, có người hút thuốc lá...
Tuy nhiên đối với các lái xe đường dài, nam tài xế sinh năm 1985 khẳng định, các biện pháp ngăn chặn cơn buồn ngủ đều trở nên vô hiệu.
“Cách tốt nhất là trên cabin phải luôn có 2 lái xe. Khi người này buồn ngủ thì đổi lái cho người kia. Nếu không, tai nạn rất dễ xảy ra”, anh Hiệp nói.
Theo anh Hiệp, tại công ty nơi anh làm việc, người quản lý luôn sắp xếp 2 tài xế đi cùng để hỗ trợ nhau trên đường. Vì vậy, áp lực công việc không quá cao.
Tuy nhiên, trong thời gian di chuyển, anh bắt gặp rất nhiều vụ tai nạn. Phần lớn trong số các vụ tai nạn liên quan đến container, anh nhận định có tới 70 % là do người lái xe buồn ngủ.
“Nhiều người đặt vấn đề tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn nhưng đó là hi hữu. Khi lái container, hầu hết tài xế đều có ý thức không dùng chất kích thích”, tài xế SN 1985 nói.
Theo anh Hiệp, sử dụng rượu bia lúc lái xe không những dễ gây tai nạn mà khi bị kiểm tra nồng độ cồn, họ còn bị phạt tiền rất nặng.
“Các công ty vận tải cũng sẽ không tuyển dụng nếu họ biết bạn là người thường xuyên sử dụng chất kích thích”, vị tài xế có 7 năm lái container chia sẻ.
Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận, chuyện tai nạn không chừa tên ai.
“Nhiều người lái xe rất điềm đạm nhưng vẫn có thể gặp nạn vì những lý do không ngờ tới”, anh Hiệp nói.
Do vậy, để tránh tai nạn, nam tài xế khuyên người đi đường nên giữ khoảng cách tốt với container.
Theo anh Hiệp, xe container có độ dài hàng chục mét, trọng lượng lớn nên việc di chuyển khá khó khăn. Nếu muốn dừng đỗ, xe cần thời gian và khoảng cách lớn hơn các ô tô khác rất nhiều.
Bên cạnh đó, vì đặc trưng của xe nên việc quan sát phía sau, hai bên hông và đầu xe container không đơn giản.
“Chúng tôi gọi đó là các “điểm mù” nên người đi đường cần biết để tránh. Ngoài ra, khi di chuyển với vận tốc cao, những xe có trọng tải lớn như container có sức gió hút ở gầm rất lớn, người đi đường nên tránh đi song song với loại xe này”, anh Hiệp cho biết.
Vẫn lời anh Hiệp, việc tai nạn trên đường là không ai mong muốn. Do vậy, mỗi người cần có ý thức với việc cầm lái của mình.
Theo Minh Anh - Nam Phương (VietNamNet)