70% ông đồ thi trượt: Chuyện đâu chỉ mấy con chữ

01/02/2015 07:01:53

Chả nên trách các cụ khi mà xu thế "Trưởng giả học làm sang" đang khiến cho các giá trị có nguy cơ bị lệch chuẩn.

Chả nên trách các cụ khi mà xu thế "Trưởng giả học làm sang" đang khiến cho các giá trị có nguy cơ bị lệch chuẩn.

Tôi nghe nhiều người thạo việc viết chữ nho đều nói rằng: Việc xin và cho chữ lâu nay bị "chợ búa hoá". Nó không những không minh chứng cho một xã hội trọng chữ nghĩa mà còn làm cho những cách thức, niêm luật bị phá vỡ, trở nên tầm thường hoá...
 

 Cuộc thi sát hạch của các ông đồ tại Hồ Văn sáng 31/1 (Ảnh: Quỳnh Trang/VnExpress)

 
Ở xứ mình, đến lạ, có một thời, các cụ trọng chữ nghĩa chỉ biết thở than cho giai đoạn học vấn bị coi nhẹ: "Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay/Lá vàng rơi trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay". Đó là cái thời người ta đang thèm nhiều hơn giá trị kim tiền, vật chất; hoặc "lên gân lên cốt" thật ấu trĩ cái phong trào biến sân đình thành nơi chứa thóc hợp tác xã, phá đình, phá chùa rầm rập.

Chữ nghĩa lui bóng trong hình ảnh ông đồ "cũ kỹ" lẻ loi ngoài chiếu đời: "Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu"; chữ nghĩa im tiếng trong hơi thơ dài của những bậc túc nho giàu cốt cách.

Ấy vậy mà, đùng một cái, khi kim tiền xủng xoảng rồi, người ta đâm nghĩ tới chuyện "lễ nghĩa". Giàu rồi kiếm sang một chút cho đúng với chủ trương coi văn hoá là động lực, cho hợp với lời hô hào giữ lấy rường cột văn hoá... Và thế là ào ào các phong trào "cải tiến chữ viết", "trùng tu đền chùa", "bỏ tiền in thơ"... Ai ai cũng muốn sau bát cơm no đủ rồi, mình có một bộ cánh khoác vào cho nó "nhã".

Nhưng văn hoá, khổ một nỗi lại không thể cứ ầm ầm khẩu hiệu, pano, áp phích tung trời là hoàn thành một chủ trương, một đường lối...

Từ "thiếu thốn" này lại chuyển sang "thừa thãi" kia. Nó cứ chênh vênh ở hai đầu cái đòn gánh nhận thức, chả bao giờ đạt mức cân bằng để tạo nên sự chuẩn mực của gương mặt văn hoá...
 

Bài thi của một ông đồ (Ảnh: Quỳnh Trang/VnExpress)

 
Trở lại với không khí Hồ Văn dịp Tết nguyên đán sắp đến gần. Vài năm nay thấy cái tình yêu chữ nghĩa, truyền thống xin chữ ngày xuân tao nhã bị biến tướng nhiều lắm. Người xin ào theo "đám đông", xếp hàng mua bằng được vài con chữ mà chả biết ngữ nghĩa ra sao, đẹp đẽ thế nào (!). Người viết thôi thì cũng đại khái loằng ngoằng vài ba chữ giun dế" cho thoả lòng "thượng đế".

"Cầu" luễnh loãng thế thì "cung" tất yếu cũng ở dạng "viết xổi", cần gì phải đủ bồ chữ và "Hoa tay thảo những nét/Như rồng múa phượng bay...". Chả nên trách các cụ khi mà xu thế "Trưởng giả học làm sang" đang khiến cho các giá trị có nguy cơ bị lệch chuẩn.

Và đáng lo hơn nữa là nó dễ bị nhiễm sang cung cách, thái độ của những người làm công tác văn hoá, những người gánh một trọng trách nặng nề là vẽ ra một hướng đi cho việc bảo tồn văn hoá. Khó hơn cả việc viết mấy con chữ của các cụ đồ.

Theo Trần Nhật Minh (VOV.vn)