Đừng bao bọc con thái quá và đem vật chất ra làm phần thưởng cho con.
Để giúp bạn tránh mắc phải những lỗi đó, Bright Side đã tổng hợp thành bài viết dưới đây.
Bố mẹ không để con trải nghiệm sự rủi ro
Chúng ta đang sống trong một thế giới với vô vàn cảnh báo nguy hiểm. Vì vậy, mối quan tâm của các bậc cha mẹ với con cái thường là "an toàn đầu tiên" và chúng ta làm mọi điều để bảo vệ chúng. Sau tất cả, đó là công việc của chúng ta nhưng việc cách ly con khỏi những hành vi tiềm ẩn rủi ro cũng có tác dụng phụ. Các nhà tâm lý học ở châu Âu đã chỉ ra rằng, một đứa trẻ không được vui chơi bên ngoài và không bị trầy đầu gối dễ cảm thấy sợ hãi trước bất cứ việc gì khi lớn lên.
Trẻ em bị ngã một vài lần là chuyện bình thường; đến độ tuổi thiếu niên, chúng cần trải qua cảm giác chia tay bạn trai hoặc bạn gái để biết đánh giá cao mối quan hệ tình cảm khi trưởng thành. Nếu các bậc cha mẹ loại bỏ toàn bộ rủi ro khỏi cuộc sống của con trẻ, nhiều khả năng chúng sẽ trở thành những con người kiêu ngạo và thiếu tự trọng trong tương lai.
Thế hệ trẻ hiện nay không có được những kỹ năng sống như cha mẹ chúng cách đây 30 năm chính vì bố mẹ đã đi trước và giải quyết hết các vấn đề cho chúng. Khi chúng ta "giải cứu" con quá nhanh và đưa ra nhiều sự trợ giúp, chính chúng ta đã lấy đi khả năng tự xoay xở để giải quyết vấn đề của con. Ứng cứu con quá nhanh chỉ có giá trị ngắn hạn và không thể giúp con tự trang bị cho mình kỹ năng sống cần thiết.
Sớm hay muộn, các con sẽ quen với việc có ai đó cứu mình bởi lối suy nghĩ: "Nếu mình thất bại hoặc trượt ngã, đã có người lớn đứng ra giải quyết êm đẹp và dọn dẹp hậu quả cho mình". Điều này khiến con trở nên thiếu độc lập khi lớn lên.
Một trận đấu thể thao mà tất cả bọn trẻ đều chiến thắng không phải là ý kiến hay, ngược lại, nó có thể gây phản tác dụng. Bọn trẻ sẽ nhận ra rằng chỉ có cha và mẹ nghĩ là chúng giỏi còn người khác thì không. Chúng bắt đầu tỏ ra nghi ngờ. Khi chúng ta khen ngợi con một cách dễ dãi, dần dần con sẽ học nói dối, trốn tránh khó khăn.
Con không nhất thiết lúc nào cũng phải yêu bạn. Các con cần vượt qua sự thất vọng nhưng không vượt qua được hậu quả của sự nuông chiều. Chúng ta cần nói "Không" hoặc "Không phải bây giờ" để tạo cơ hội cho con phấn đấu đạt được những gì chúng muốn.
Là cha mẹ, chúng ta có xu hướng đưa ra phần thưởng là những thứ con muốn, đặc biệt trong gia đình đông con. Khi một đứa làm tốt việc gì đó, chúng ta cảm thấy thật không công bằng khi khen và thưởng đứa này mà không làm thế với đứa khác. Như thế, bạn đã bỏ lỡ cơ hội để chỉ cho con thấy thành công phụ thuộc vào hành động. Hãy cẩn thận, đừng dạy chúng rằng, chúng được điểm tốt thì được đi chơi. Nếu mối quan hệ của chúng ta dựa trên những phần thưởng mang tính vật chất, bọn trẻ sẽ không cảm nhận được tình yêu thương cha mẹ.
Những đứa trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên luôn muốn "sải đôi cánh rộng" và tự mình trải nghiệm. Bố mẹ nên tạo điều kiện cho chúng thực hiện điều này nhưng không có nghĩa là không giúp chúng định hướng. Hãy chia sẻ với con những sai lầm bạn đã mắc phải khi bằng tuổi con để giúp con học được cách lựa chọn đúng (tránh những thứ tiêu cực như hút thuốc, uống rượu, ma túy...).
Ngoài ra, các con cần phải được chuẩn bị để giải quyết những sai lầm và đối mặt với hậu quả từ các quyết định của chúng. Hãy chia sẻ với chúng cảm giác của bạn khi bạn phạm phải sai lầm tương tự trong quá khứ, điều gì đã dẫn đến hành động của bạn và bài học thu được từ kết quả đó. Vì bố mẹ không phải là những người duy nhất có ảnh hưởng tới con cái, nên chúng ta phải là những người có ảnh hưởng tốt nhất.
Sự thông minh thường được sử dụng như thước đo sự trưởng thành của một đứa trẻ, và kết quả là các bậc cha mẹ cho rằng đứa trẻ đã đủ khôn ngoan để bước ra thế giới. Thực ra không phải như vậy. Ví dụ, một số vận động viên chuyên nghiệp và sao nhí Hollywood sở hữu những tài năng khó tin nhưng vẫn vấp phải những vụ tai tiếng.
Chỉ vì con có một năng khiếu nào đó, đừng nghĩ rằng con có tài năng ở mọi lĩnh vực. Nếu bạn không biết khi nào có thể trao cho con quyền tự do làm một việc gì đó, hãy quan sát những đứa trẻ khác cùng độ tuổi với con bạn. Nếu những đứa trẻ này tự làm cho mình nhiều hơn con bạn có thể làm, tức là bạn đang trì hoãn khả năng độc lập của con bạn.
Là cha mẹ, trách nhiệm của chúng ta là phải làm gương cho con cái. Để giúp chúng sống một cuộc sống độc lập, tin cậy trong hành động và lời nói, hãy bắt đầu bằng cách dạy chúng sự trung thực và lối sống chân thật. Hãy xem lại bạn trong những tình huống lựa chọn mang tính đạo đức dù nhỏ, dù người khác không chú ý, nhưng con bạn sẽ chú ý. Nếu bạn không vượt đèn đỏ, các con sẽ hiểu đó là điều không nên làm. Bạn cũng có thể chỉ cho con thấy ý nghĩa của hạnh phúc khi cho đi bằng cách tham gia công việc từ thiện.
Theo Hà Nhi (Ngoisao.net)