Tháng 7 âm lịch vì sao dân gian gọi là "tháng cô hồn"?
Lâu nay, nhiều người vẫn tránh làm công to việc lớn trong tháng 7 âm lịch, khoảng thời gian được gọi là "tháng cô hồn". Họ cho rằng đây là tháng xui xẻo, ma quỷ quấy phá nên làm việc gì cũng dễ thất bại, đen đủi. Tuy vậy, không phải ai biết xuất phát điểm của quan niệm trên cũng như ý nghĩa thực sự của "tháng cô hồn".
Chia sẻ với Vietnamnet, TS Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn có từ lâu và mang tính phổ biến.
TS Lộc dẫn lời Vi Lê Minh, nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung Quốc cho thấy, tại đất nước này, có nhiều địa phương còn gọi tháng 7 âm lịch là "Quỷ tiết", "Thi cô" và đây là thời điểm để mọi người dân cầu nguyện cúng vái.
Theo TS Lộc, niềm tin trên bắt nguồn từ Đạo giáo, sau đó ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân gian Trung Quốc. Dưới sự ảnh hưởng của niềm tin này, dân gian Trung Quốc lưu truyền quan niệm cõi âm do Địa Quan Đại Đế quản lý.
Tháng 7 âm lịch, đặc biệt là ngày rằm của tháng này trùng với ngày sinh nhật của Địa Quan Đại Đế nên cửa địa ngục sẽ mở. Điều này đồng nghĩa với việc ma quỷ, vong hồn quay lại trần gian mang theo những tai ương, xui rủi cho mọi người.
Do đó, vào ngày này, dân gian Trung Quốc bày hương án cúng tế ma quỷ, thả đèn trôi sông nhằm chỉ lối dẫn đường cho các linh hồn ma quỷ bị chết oan từ nhiều kiếp trước bước qua cầu Nại Hà để đầu thai.
TS Lộc cho biết tại nước ta, dân gian cho rằng Tết Trung nguyên tháng 7 là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. "Vào thời điểm này, các chùa cũng thiết lập trai đàn chẩn tế để 'tài pháp nhị thí' cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời đây là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời", TS Lộc nói.
Theo vị chuyên gia, phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng bi mẫn. Việc này thể hiện qua sự quan tâm, chia sẻ đối với những người kém may mắn, bất hạnh, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh lại có những lý giải riêng về nguồn gốc của quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn.
Dưới góc nhìn của Lý học Đông phương, ông cho rằng, tháng 7 Âm lịch là tháng thứ chín, tính từ tháng Một Việt lịch (Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu và Bảy).
Theo chu kỳ Cửu cung, tháng này nhập trung cung Hà Đồ, tương ứng với độ số 10 của Thiên Can Quý thuộc thủy. Tháng này có Thiên can là Âm Thủy và thiên can Quý đang quản trung cung. Do đó, theo Lý học Việt, tháng này âm khí rất vượng.
Ông viết: "Chúng ta ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy tháng 7 Âm lịch có thời tiết phổ biến là mưa gió sụt sùi (mưa ngâu), hoặc mưa, bão, lũ lụt.. gây cho không khí ẩm ướt... Lúc này mỗi chúng ta đứng ở vị trí địa hình khác nhau sẽ chịu tương tác khác nhau của âm khí. Chính vì tính thể hiện âm khí vượng, nên nó được mô tả bằng 'Địa Ngục' ('Địa' là Đất/Thổ; 'Ngục' là hình tượng mô tả khí chất dưới đất) và nó được dựng lên thành những truyền thuyết liên quan đến 'tháng cô hồn" với những ma quỷ từ địa ngục chui lên, hoành hành trên thế gian", ông lý giải thêm.
Tại sao có những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn?
Theo truyền thuyết dân gian, tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ cho mở Quỷ Môn quan để các linh hồn ma quỷ không được thờ tự, phải sống lang bạt được trở về dương gian. Đến ngày Rằm, tất cả quỷ hồn đều phải quay lại địa ngục khi Quỷ Môn đóng cửa.
Linh hồn chính là các cô hồn quỷ đói dưới âm phủ, bởi vì một số kiêng kị tâm linh nên mọi người không dám nói thẳng là cô hồn quỷ đói mà gọi là các linh hồn. Vào những ngày này, các gia đình thường làm cơm cúng, dâng các lễ vật, tế phẩm cho các linh hồn để họ được bữa cơm no đủ.
Ngoài ra, theo truyền thống, dân gian còn treo đèn lồng “Tôn độ công đăng”, trên đèn có viết chữ “Phổ độ âm quang”, “Siêu sinh phổ độ” hoặc “Khánh tán trung nguyên”. Bởi tháng này là tháng cung dưỡng các linh hồn nên rất nhiều chùa chiền cũng sẽ phổ độ công đăng, gọi là “Tạ ơn đăng chân”, đèn sẽ được thắp sáng trong suốt cả tháng.
Để tránh xui xẻo, gặp may mắn, vào ngày mùng 1 tháng 7, buổi sáng nên bái thần linh, tổ tiên, giữa trưa làm lễ cúng, không phải là để thỉnh linh hồn về thưởng thức mà là nghênh tổ tiên về, ngày rằm mới là ngày để đón các linh hồn. Theo Phật giáo thì ngày nào cũng nên dâng hương, cúng bái thần linh và tổ tiên.
Các chùa chiền trong tháng này cũng sẽ tụng kinh giảng đạo, cầu cho mọi người bình an, các linh hồn được siêu thoát rắc rối. Do vậy, nhà nào cũng chuẩn bị tế phẩm phong phú, dù sau thì sau khi tế lễ thì mình vẫn được hưởng thụ.
Những điều cấm kỵ trong tháng cô hồn
Trong dân gian có truyền miệng nhiều điều cấm kỵ trong tháng cô hồn. Nhiều người không tin nhưng cũng nhiều người cho rằng: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Vậy hãy xem những điều cấm kỵ trong tháng cô hồn thường được "rỉ tai" nhau là gì nhé!
Không đi chơi đêm trong tháng cô hồn
Ngày này Diêm Vương “thả cửa” cho ma quỷ, vong hồn về dương gian nên chúng “vất vưởng” xung quanh rất nhiều. Theo dân gian, thời điểm buổi đêm là lúc ma quỷ “lộng hành” nhất nên chúng ta nên hạn chế đi chơi quá khuya.
Kiêng xuất tiền của hoặc vay mượn đầu tháng
Vào ngày đầu tháng, đặc biệt là ngày mùng 1 tháng cô hồn, mọi người thường kiêng xuất tiền, của vì sợ rằng bản thân sẽ bị “dông” cả tháng, hao tài tán lộc. Đồng thời, những người kĩ tính hoặc kinh doanh buôn bán cũng kị việc vay mượn, trả nợ hoặc đòi tiền vào ngày mùng 1 hàng tháng.
Kiêng quan hệ nam nữ
Người phương Đông xưa nay vẫn cho rằng, vào các dịp đặc biệt như Tết cổ truyền, mùng 1 và ngày rằm, nhất là ngày đầu tháng cô hồn, các cặp đôi nên hạn chế gần gũi yêu đương để tránh kinh động tới đấng thiêng liêng và không mắc tới xui xẻo, đen đủi không đáng có. Chính vì thế nếu có hỏi rằng, tháng cô hồn kiêng gì, không ít người sẽ nói, kiêng quan hệ nam nữ.
Kiêng ăn những món ăn xui xẻo
Từ mùng 1 đầu tháng cô hồn đến mùng 10 âm lịch, mọi người đều kiêng những món ăn đem lại xui xẻo như thịt vịt, thịt chó, mực, chuối, tôm, trứng vịt lộn, cá mè,... Nguyên nhân là những món ăn này sẽ mang lại điều không may mắn cho bạn. Vì vậy, theo quan niệm của người Việt chúng ta thường kiêng sử dụng.
Không đứng gần cây đa, cây đề
Có câu ”quỷ gốc đa, ma gốc đề” ý muốn nói vào ban đêm dưới gốc cây đa, cây đề hội tụ rất nhiều âm khí. Nhất là vào tháng cô hồn tốt nhất nên kiêng đứng gần, ngồi, nằm hay trốn ở đó để tránh bị ”ma trêu quỷ hờn”.
Ở những nơi vắng vẻ bạn thường hay lo lắng, nhưng tuyệt đối chỉ đi về phía trước không được quay đầu vì sẽ luôn có cảm giác có ai đó đang dõi theo mình. Đây là cơ hội để ma quỷ trêu chọc và khiến bạn có cảm giác bất an.
Không nên phơi quần áo vào ban đêm
Theo quan niệm dân gian, ban đêm là thời gian hoạt động của thế giới khác. Việc bạn phơi quần áo nhiều vào ban đêm sẽ được cho là cơ hội để ma quỷ ‘ám’ vào những bộ quần áo này.
Kiêng nhặt tiền rơi vãi ngoài đường
Trong tháng 7 âm lịch bạn nên kiêng không nhặt tiền rơi trong tháng cô hồn vì đó có thể là tiền người ta cúng dùng để mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa. Nếu nhặt tiền đó, người nhặt sẽ phải hứng chịu những tai họa thay cho người rải tiền.
(Bài viết chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm)
NT (Nguoiduatin.vn)