1. Ngày nào cũng đi siêu thị
Ngày nào cũng đi siêu thị là thói quen của nhiều bà nội trợ. Họ tưởng rằng như thế sẽ mua được đồ ăn tươi ngon và rẻ. Tuy nhiên thực tế là các siêu thị luôn có nhiều mẹo để lôi kéo người mua rút ví, vậy nên hãy hạn chế lang thang siêu thị mỗi ngày.
Mức phù hợp là nên đi siêu thị 2 tuần một lần. Tuy nhiên, để đảm bảo khi nấu ăn không bị thiếu trước hụt sau thì bạn cần lên danh sách thật chi tiết.
2. Lên danh sách đồ không phù hợp
Thịt cá là những món chính trong bữa ăn, vì thế hãy ưu tiên chúng trước. Sau đó, dựa vào món chính thịt cá, bạn sẽ gia giảm các loại rau, củ cần bổ sung.
3. Dính bẫy "khuyến mãi"
Thấy một sản phẩm đang giảm giá khuyến mãi, đừng vội mua ngay. Hãy cân nhắc xem sản phẩm đó có phù hợp với thói quen ăn uống của gia đình mình không, có thể tích trữ lâu không.
Nhiều bà nội trợ tiết lộ họ chỉ mua những loại rau quả đang vào mùa mà các siêu thị giảm giá mạnh. Chỉ cần sơ chế qua và cấp đông các loại rau quả đó để dùng dần, như vậy bạn đã có thể tiết kiệm được một khoản đáng kể.
Tuy nhiên một số loại thực phẩm lại chỉ có thể sử dụng trong ngắn hạn, nếu tham rẻ mua nhiều có khả năng chúng bị hỏng trước khi dùng hết.
4. Vào siêu thị và chọn thực phẩm tùy hứng
Một số loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói tiện lợi sẽ có giá đắt hơn nhiều so với các thực phẩm thông thường cùng loại. Vậy nên hãy cân nhắc kỹ xem mình có thực sự cần các sản phẩm đó không thay vì mua tùy hứng.
5. Không nhớ trong tủ lạnh đang có những gì
Trước khi đi siêu thị, hãy kiểm tra lại càng chi tiết những thực phẩm trong bếp càng tốt. Nhiều bà nội trợ có thói quen mua đồ tích trữ, nhưng sau đó lại quên những gì đang còn trong tủ lạnh. Chính vì thói quen này một phần ngân sách không nhỏ bị lãng phí vì thực phẩm quá hạn.
Theo Nguyễn Phượng (VnExpress.net)