Ngay sau khẩu trang và nước rửa tay, giấy vệ sinh chính là thứ bốc hơi nhanh thứ 3 trên kệ hàng siêu thị kể từ khi Covid-19 lây lan nhiều nơi trên thế giới.
Cơn mua sắm hoảng loạn này đã khiến một số nhà bán lẻ ở Mỹ và Canada không thể đưa ra chính sách giới hạn số lượng giấy vệ sinh mà mỗi người được mua. Trong khi đó, siêu thị ở Anh hết hàng, các tiệm tạp hóa ở Úc thuê bảo vệ để trông chừng sản phẩm "best-seller" này. Một động thái dở khóc dở cười nhất phải kể đến tòa soạn ở Úc đã in thêm 8 trang báo, phòng trường hợp người dân xứ chuột túi có nhu cầu khẩn cấp nhưng chưa mua được giấy "xịn".
Vậy vì sao sản phẩm không mang ý nghĩa ngăn chặn virus rõ ràng nhất cũng chẳng phải nhu yếu phẩm tối cần thiết như sữa hay bánh mì mà lại được truy phủng đến thế? Dựa theo rất nhiều khảo sát và phân tích hành động, các chuyên gia tâm lý đưa ra 5 kiến giải sau.
1. Mọi người phản ứng thái quá khi họ nghe những thông tin trái chiều
Một giáo sư tâm lý tại ĐH British Columbia, Steven Taylor cũng là tác giả cuốn "The Psychology of Pandemics" (Tâm lý giữa đại dịch) - quyển sách soi chiếu vào lịch sử để xem cách mà con người từng phản ứng trước dịch bệnh, cho rằng, nhiều người trên toàn cầu đang đồng loạt hoảng sợ trước virus corona chủng mới.
"Một mặt, phản ứng này có thể hiểu được, nhưng nó cũng có phần thái quá. Chúng ta vẫn có thể chuẩn bị trước dịch bệnh mà không cần hoảng loạn" - giáo sư Taylor nói.
Mọi người sợ hãi SAR-2-CoV vì nó là virus chủng mới, tồn tại nhiều bí ẩn mà khoa học chưa thể khám phá. Chúng ta đang tiếp nhận nhiều thông tin khác nhau về sự nguy hiểm của nó, và cũng băn khoăn không biết nên chuẩn bị bao nhiêu là đủ.
"Khi mọi người nghe nói một thứ nguy hiểm đang xảy đến, nhưng tất cả điều cần làm là rửa tay, hành động ấy dường như không tương thích với nguy cơ phải đối mặt. Họ nghĩ những mối nguy hiểm đặc biệt cần có sự chuẩn bị đặc biệt" - Taylor giải thích về một trải nghiệm tâm lý trong dịch Covid-19.
2. Một vài người tích trữ giấy vệ sinh vì sợ thành phố bị phong tỏa
Khi chứng kiến nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 đã phong tỏa các vùng dân cư, người dân ở thành phố lân cận cảm thấy bất ổn và họ bắt đầu mua sắm tích trữ cho gia đình mình.
"Trừ khi nhà chức trách hứa rằng mỗi cá nhân đều được chăm sóc, còn không, họ sẽ đoán già đoán non mình sẽ cần thêm giấy vệ sinh, không sớm thì muộn" - giáo sư Baruch Fischhoff - nhà tâm lý học và giáo sư tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) cho biết.
3. Mua sắm hoảng loạn lại sinh ra mua sắm hoảng loạn
Nhìn một loạt hình ảnh kệ hàng trống rỗng, xe đẩy chất đầy giấy vệ sinh và những thông tin lan truyền trên mạng xã hội... nhiều người đã chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông, trở nên lo sợ và bắt đầu lao vào cuộc đua tích trữ hàng.
"Con người có tập tính xã hội, chúng ta nhìn vào nhau để tìm kiếm manh mối xem thứ gì an toàn, thứ gì nguy hiểm. Và khi bạn nhìn thấy ai đó đang mua sắm trong hoảng loạn, nỗi sợ đó có thể lây lan" - giáo sư Steven Taylor cho biết.
Điều đáng nói là hành động này có thể tạo ra mối nguy thật sự. Giấy vệ sinh không tự nhiên khan hiếm, mà chính vì tâm lý hoảng sợ khiến người người thu mua tích trữ, đã biến nỗi lo lắng trở thành sự khan hiếm trên thực tế.
4. Mọi người muốn chuẩn bị dư ra, đó cũng là tâm lý tự nhiên
Theo giáo sư Frank Farley từ ĐH Temple (Mỹ), khi một số cơ quan y tế khuyến nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông đúc, người ta sẽ nảy sinh tâm lý muốn chuẩn bị sẵn sàng.
"Virus corona đang tạo ra một dạng tâm lý sinh tồn - với nguyên tắc là chúng ta phải ở trong nhà nhiều nhất có thể. Vì vậy chúng ta muốn tích trữ nhu yếu phẩm, và rõ ràng giấy vệ sinh cũng nằm trong số đó. Thử hỏi nếu không có giấy vệ sinh thì người ta dùng sản phẩm gì để thay thế?" - giáo sư Farley nói.
Đằng nào cũng phải dùng giấy vệ sinh, mọi người sẽ có xu hướng dự trữ chúng thay vì những mặt hàng dễ hư hỏng. Nói chung, tâm lý chuẩn bị sẵn sàng thì không có vấn đề, chỉ là đừng mua sắm ồ ạt với thái độ hoảng loạn tạo nên nhiều hệ lụy.
5. Cảm giác kiểm soát được tình hình
Những người mua sắm hoảng loạn sẽ nghĩ về ai khi xếp hàng trong siêu thị? Họ thường nghĩ cho bản thân và gia đình của mình, về việc cần chuẩn bị cái gì, theo giáo sư Taylor nhận định. Họ ít nghĩ cho nhân viên y tế, bệnh nhân hay những người... đã dùng hết giấy vệ sinh ở nhà.
"Tất cả vì làn sóng hoảng sợ này, nó xảy ra trước cả khi dịch bùng phát. Người ta chẳng buồn suy nghĩ về bức tranh toàn cảnh hay hậu quả của việc tích trữ bừa bãi" - Taylor nói.
Nhiều người chỉ muốn tạm giải thoát bản thân khỏi cơn hoảng loạn. Giáo sư Fishhoff nghĩ rằng, với việc dự trữ giấy vệ sinh, người ta có cảm giác mình đang kiểm soát được tình huống.
"Việc tranh giành mua sắm tạo ra cảm giác rằng họ đã làm mọi thứ có thể, giờ họ có thể nghĩ về chuyện khác thay vì mải lo lắng với virus corona" - Fishhoff phân tích.
Tâm lý này rất đáng ngại vì nó không giúp ích cho cá nhân hay cộng đồng để vượt qua dịch bệnh, thay vào đó chỉ làm phát sinh nhiều vấn đề hơn.
Dung (Nguoiduatin.vn)