5 điều các mẹ phải “tự kiểm điểm” ngay hôm nay nếu không muốn làm phật lòng cô giáo của con!

08/09/2017 08:44:00

Hãy bắt đầu câu chuyện hôm nay bằng một câu hỏi nhỏ: “Đã bao giờ bạn làm gì khiến thầy cô giáo của con rơi vào thế khó xử chưa?”. Nếu câu trả lời là “Rồi” thì đừng lo, bạn không phải người duy nhất đâu.

Hãy bắt đầu câu chuyện hôm nay bằng một câu hỏi nhỏ: “Đã bao giờ bạn làm gì khiến thầy cô giáo của con rơi vào thế khó xử chưa?”. Nếu câu trả lời là “Rồi” thì đừng lo, bạn không phải người duy nhất đâu.

Ai cũng muốn dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con mình, vậy nên hãy “bỏ túi” ngay 5 mẹo nhỏ dưới đây để ứng xử thật khéo và biết dừng lại đúng lúc trước khi can thiệp quá sâu vào công việc dạy dỗ của thầy cô, các mẹ nhé!

1. Chỉ nên thân thiết với giáo viên của con ở mức vừa đủ

Đa phần bố mẹ đều có nhu cầu trao đổi với thầy cô về tình hình học tập, sinh hoạt của con trên lớp. Nhưng các mẹ ơi, cô giáo thì vẫn là cô giáo, người ta không có nhu cầu “kết nạp” thêm một bà bạn vào hội buôn chuyện đâu!

5 điều các mẹ phải “tự kiểm điểm” ngay hôm nay nếu không muốn làm phật lòng cô giáo của con! - Ảnh 1.

Xởi lởi thì chẳng sao, nhưng đôi lúc tò mò hỏi thăm những chuyện riêng tư rõ là phiền phức!

Các cô ngày nào cũng vất vả xoay sở với mấy chục đứa nhỏ, thế nên chỉ vài tin nhắn hỏi thăm như: “Cuối tuần nhà chị đi chơi đâu thế?”, “Em thấy chị vừa đăng ảnh cả nhà lên Facebook đẹp lắm nha!” cũng đủ làm xáo trộn thời gian biếu của cô giáo rồi.

“Khi phụ huynh bám lấy tôi hỏi han vào giờ tan học, tôi vừa phải tiếp chuyện các vị, vừa phải để mắt tới 15 học sinh trong phòng. Phải nói đấy là một trong những thời điểm bận bịu nhất trong ngày. Tôi cũng quý cha mẹ các cháu lắm chứ, nhưng thực sự tôi chẳng đủ thời gian để tán gẫu đâu!” – cô Trần Ngọc Phượng, giáo viên trường mầm non Kim Liên bộc bạch. Chắc chắn rồi, vì công việc của mỗi giáo viên được tính theo từng phút.

Chưa dừng lại ở đó, đã có lần cô Phượng còn gặp trường hợp phụ huynh học sinh tình nguyện tới “dự giờ” trong lớp. “Tôi đã lựa lời nói khéo với mẹ cháu rằng tôi rất trân trọng sự nhiệt tình của chị, có điều lớp tôi còn tới 25 cháu khác cần quan tâm. Khi mọi thứ vẫn không thay đổi, cực chẳng đã tôi đành thẳng thắn đề nghị: Chị có thể gặp tôi vào bữa trưa, hoặc một buổi nào khác được không?”. Cuối cùng, cô Phượng chọn cách tránh mặt vị phụ huynh này mọi lúc mọi nơi, dù với một giáo viên, làm điều đó vôn chẳng hề dễ chịu.

9 trên 10 bố mẹ đều muốn làm thân và lấy cảm tình từ giáo viên của con, mà không biết rằng mình đã sơ ý gây phiền hà, đôi khi khiến thầy cô khó xử. Hãy nhớ mọi việc đều nên có giới hạn của nó. Nói vui là các thầy cô giáo sẽ luôn làm hết sức mình để đem lại cho con em bạn những điều tuyệt vời nhất, chứ không cần xuất hiện trong một bức hình đăng Facebook được bạn tag vào.

2. Không chỉ các con mà bố mẹ cũng cần tuân thủ luật lệ ở trường

5 điều các mẹ phải “tự kiểm điểm” ngay hôm nay nếu không muốn làm phật lòng cô giáo của con! - Ảnh 2.

Đừng đậu xe ở khu vực của giáo viên, dù hôm đó bãi xe không còn chỗ và bạn đang vội tới mức nào.

Dường như khi lớn lên người ta lại bắt đầu quên mất việc phải tuân thủ nội quy trường học. Đối mặt với việc này, cô Mai Lan – giáo viên dạy lớp 4, trường Tiểu học Ngôi Sao đã phải vạch ra hẳn một hệ thống “đón và đi” để hạn chế ách tắc khi bố mẹ đón con vào giờ tan tầm. Cô ái ngại kể về một phụ huynh từng cố tình dừng xe ở khu vực cấm: “Bà ấy cứ khăng khăng rằng mình có quyền đậu xe ở đó, và nổi nóng gọi tên tất cả giáo viên ngay trước mặt lũ trẻ và nhiều phụ huynh khác”. Khi đó cô đã phải viện tới cảnh sát giao thông, nhờ họ giảng giải rằng không có ai là ngoại lệ với những nguyên tắc tối thiểu ở trường. Trên thực tế, có khá nhiều trường hợp giáo viên phải chịu cảnh để xe lề đường và nhận phạt vì phụ huynh đậu xe vô ý.

Tương tự, cô Lan không thể hiểu tại sao có những bậc cha mẹ vẫn làm ngơ trước các quy định an toàn nơi trường học. “Ở các trường hiện nay, hệ thống cửa đều được khóa trong giờ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nếu muốn ghé thăm, bạn cần đăng ký với bảo vệ và nhận giấy ra vào trước khi bước chân vào sảnh. Tuy nhiên, thi thoảng bố mẹ các cháu lại tìm cách “lẻn” vào trường, thập thò ngoài cửa lớp để đưa cho con hộp cơm trưa bỏ quên. Trong đó có cả những người thuộc Ban phụ huynh. Tôi thấy rõ lạ, đến giáo viên còn phải đăng ký hoặc chấm công mới được vào trường cơ mà!”

3. Đừng nghĩ rằng nghỉ hè là dịp để giáo viên được “giải thoát”

Tốt hơn hết, các mẹ nên hạn chế bông đùa với giáo viên của con mình những câu như: “Các cô giáo cũng được nghỉ hè, sướng thật đấy!”. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng cổ vũ: “Chắc hẳn cô giáo đã sẵn sàng tinh thần cho 9 tháng năm học sắp tới rồi!”

Tất nhiên ở vị trí của người dạy, ai cũng nỗ lực làm việc hết mình trong năm học và  có quyền quý trọng 3 tháng hè “tạm xả hơi”. Tuy vậy, hãy kiểm soát những lời bình phẩm tiêu cực và đừng quên nghề giáo cũng chỉ là một nghề trong rất nhiều nghề ngoài xã hội mà thôi. “Tôi không làm việc nhàn hạ ở văn phòng” – cô Lan bày tỏ – “Tôi thậm chí chẳng có thời gian mà thở khi mệt mỏi. Tôi không đến dự buổi diễn văn nghệ của con gái, cũng chẳng kịp nhận cuộc điện thoại từ phòng y tế của trường con. Toàn bộ sự ưu tiên tôi đã dành cho các em học sinh của mình rồi!”

5 điều các mẹ phải “tự kiểm điểm” ngay hôm nay nếu không muốn làm phật lòng cô giáo của con! - Ảnh 3.

Đó là còn chưa kể tới việc rất nhiều giáo viên dành trọn mùa hè để soạn, chỉnh sửa giáo án và lên kế hoạch hoàn chỉnh cho năm học mới.

“Chúng tôi chưa bao giờ thấy sợ tháng 9 – khi học sinh bắt đầu trở lại trường. Chúng tôi hạnh phúc khi thấy con bạn ngập tràn năng lượng và háo hức trước một năm học mới đầy hứa hẹn”- các cô giáo tự hào chia sẻ.

4. Các bố mẹ ơi đừng căng thẳng quá, hãy thả lỏng đi thôi!

Cô Hồng Ngọc - giáo viên Trường mầm non Hoa Sữa kể rằng năm nào cô cũng chứng kiến vài vị phụ huynh lo sốt vó như ngồi trên đống lửa khi con đi học. Năm nào cũng thế, trước tháng 9 cô sẽ gửi cha mẹ các bé một danh sách đồ dùng học tập và vật dụng cá nhân thiết yếu để mua sẵn cho con. Ấy vậy mà có lần, mẹ của một bé trong lớp đã hoảng hốt gửi hàng loạt email cho cô chỉ để thắc mắc: “Tôi đang ở hiệu sách đây rồi. Chỗ này họ bán đủ các thể loại keo dán giấy, thế rốt cuộc tôi cần mua chính xác loại nào vậy? Nhỡ tôi mua nhầm loại cho cháu thì sao?"

5 điều các mẹ phải “tự kiểm điểm” ngay hôm nay nếu không muốn làm phật lòng cô giáo của con! - Ảnh 4.

Việc chuẩn bị chu đáo trước khi con bước vào năm học là rất tốt, nhưng đừng nghiêm trọng hóa mọi thứ vì những điều cỏn con. (Ảnh minh họa)

“Mẹ cháu khủng bố tôi bằng một tá email, mà khi đó mới đầu tháng 8 chứ mấy!” – cô Ngọc bật cười. “Tôi cũng là mẹ của mấy đứa nhỏ và tôi hiểu nỗi lo âu của mẹ cha, nhưng bạn có tin không, cuối cùng cô ấy mang cho tôi xem hẳn 3 loại keo dán luôn đấy!”

5. Và cũng chớ phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho thầy cô giáo

Cuối cùng, nếu có những người quá lo lắng thì cũng có những bậc phụ huynh quá vô tư tới mức lơ là con cái mình.

Cô Ngọc luôn yêu cầu bố mẹ chuẩn bị cho con một bộ đồ dự phòng trong ba lô, phòng khi quần áo bị bẩn, ướt lúc chơi đùa hoặc vấp ngã. “Nhiều người cứ nghĩ con họ sẽ chẳng gặp sự cố gì đâu, trong khi rõ ràng mấy việc này xảy ra như cơm bữa ở lớp mẫu giáo. Khi tôi thay tạm cho bé bộ đồ khác, cha mẹ mới tá hỏa ra là con mình hết đồ để mặc rồi!”

Năm ngoái, 4 trên 11 học sinh trong lớp không được thoa kem chống nắng khi hoạt động ngoại khóa vào mùa hè (Theo quy định, giáo viên không được phép tự bôi kem chống nắng cho trẻ nếu không đúng loại bé thường dùng để tránh dị ứng và ảnh hưởng tới sức khỏe của bé). “Vậy là, có một bé đã bị cháy nắng khi đùa nghịch trong giờ ra chơi mà tôi thì không thể làm gì hơn được”. Cô nhớ lại: “Ai cũng bận rộn với công việc của riêng mình. Thế nhưng tất cả những việc như thoa kem cho con, viết tên lên hộp và bỏ vào ba lô cũng chỉ mất tầm 2 phút thôi mà. Để ý một chút thì cha mẹ nào cũng hoàn toàn làm được.”

5 điều các mẹ phải “tự kiểm điểm” ngay hôm nay nếu không muốn làm phật lòng cô giáo của con! - Ảnh 5.

Rõ ràng không lý do nào có thể bao biện cho việc bạn chểnh mảng chăm sóc con cái từ những điều cơ bản nhất. (Ảnh minh họa)

Hãy ít nhất một lần đăng ký làm tình nguyện trong chuyến dã ngoại với lớp của con, cùng cô giáo chăm nom và giám sát cùng lúc hơn hai chục thiên thần nghịch ngợm ở tuổi mẫu giáo. Khi đó bạn mới thực sự hiểu rằng công việc của giáo viên chẳng hề dễ dàng chút nào. Bởi thế, các bậc phụ huynh hãy học cách thấu hiểu, thông cảm và cư xử thật khéo để “giảm tải” cho thầy cô, mà việc này đôi khi chỉ bắt nguồn từ những hành động rất nhỏ mỗi ngày.

Một số lưu ý khác mà cha mẹ cần tránh:

+ Đưa con đi học muộn và cho rằng trễ vài phút thể dục đầu giờ cũng chẳng quan trọng gì.

+ Tỏ thái độ thiếu hợp tác khi lớp đổi cô giáo. Không phải ai cũng có thể yêu cầu nhà trường phân công giáo viên vào lớp con mình theo ý muốn. Và biết đâu giáo viên mới lại đem tới nhiều điều hữu ích và thú vị hơn cho con bạn thì sao?

+ Tranh thủ giờ ra chơi, giờ đón con để bàn luận những vấn đề nghiêm trọng. Hãy để dành nó cho buổi họp phụ huynh sắp tới các mẹ nhé!

Theo P.Linh (Trí Thức Trẻ)