Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo, việc gì trên đời cũng đều có nhân quả, chúng ta chẳng thể trách được bất cứ ai.
Cuộc sống, số phận tốt đẹp do chính bản thân ta tạo ra, cuộc sống, số phận khổ sở cũng do chính bản thân ta tạo ra.
Những người càng sống càng khổ sở, phúc đức càng sống càng tiêu hao, phần lớn đều có chung 5 đặc trưng dưới đây. Nếu nhìn thấu bản thân, biết sai và có thể sửa, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được vận mệnh của chính mình. Còn không, cuộc đời sẽ càng lúc càng bế tắc, đi vào ngõ cụt.
Hãy xem 5 nét đặc trưng đó là gì.
1. Thường xuyên nhìn vào điểm yếu của người khác
Có một số người luôn tự cho rằng mình cao quý, xem thường người khác, khi người khác vừa mở lời, họ lập tức phản bác, chỉ ra nhược điểm của họ, khiến họ xấu hổ, mất thể diện.
Thế nhưng với khuyết điểm của bản thân, những người này lại vô cùng khoan dung, không cho phép người khác bêu riếu, thậm chí sẽ thù hằn nếu bị người khác bóc mẽ.
Những người chỉ biết nhìn vào nhược điểm của người khác, ngoài việc cho thấy bản thân chưa tu dưỡng đủ, họ còn đang tự hạ thấp giá trị của chính mình.
Một người không tốt số, thường cái miệng cũng chưa được tu dưỡng. Họ thường nói những lời hằn học, thiếu tích cực, cũng từ đó mà hành vi cử chỉ của họ bị ảnh hưởng, số phận vì thế càng lúc càng tệ hơn.
2. Tham lam
Người có lòng tham, cho dù là nhiều tiền của cũng vẫn không cảm thấy đủ, vẫn cảm thấy số mình khổ sở. Làm người, phải biết đủ mới có thể thường xuyên cảm nhận được niềm vui, người không biết đủ cuối cùng sẽ thường rơi vào cạm bẫy của lợi ích, lòng càng tham sẽ bị sa lầy càng sâu.
3. Thích so bì
Có một số người sống rất thích so bì, thường có tâm lý đố kỵ ghen ghét những người có điều kiện tốt hơn mình. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi người đều "trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình", cuộc đời cũng không đến nỗi quá tệ.
Người thích so bì thường có lòng dạ hẹp hòi, nhìn thấy những người khác sống tốt là không vừa mắt. Khi họ nhìn thấy khoảng cách giữa bản thân và người khác, họ sẽ chẳng tĩnh tâm mà suy nghĩ, phản tỉnh, khiêm tốn học điều tốt của họ.
Những người như vậy có thể bản mệnh vốn dĩ không khỏ sở nhưng vì tâm địa hẹp hòi, không đủ bao dung người khác mà phúc báo của bản thân ngày càng ít đi.
4. Thích thể diện
Trong xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng muốn thành công là phải có thể diện. Khi một người sống vì thể diện, họ sẽ luôn phải đoán ý người khác để lựa theo họ vì nghĩ rằng chỉ có như vậy, người ta mới nói những lời tử tế, cư xử lịch sự với mình.
Thế nhưng trên thực tế, những lời hay ho tốt đẹp mà người khác nói với chúng ta chưa chắc đã là những lời thật lòng, chỉ là dễ nghe mà có khi chẳng hề chân thật.
Không chỉ vậy, những người thích thể diện cũng không dám đường đường chính chính ứng xử với người khác, khi bị bắt nạt có khi cũng chỉ biết nuốt cục tức vào trong.
Cũng vì thích thể diện nên khi qua lại với bạn bè thân thiết, thường thích đem những điều tốt đẹp đến cho họ mà không biết cách từ chối, khiến bản thân càng lúc càng bế tắc, khổ sở.
5. Không thể tĩnh tâm
Người không thể tĩnh tâm, tâm trạng luôn bấn loạn bứt rứt sẽ dễ bị sự phẫn nộ thao túng.
Một khi gặp phải chuyện không được như ý, sự giận dữ sẽ xuất hiện, vì nóng nảy mà không thể đánh giá sự việc theo lý tính, không thể suy nghĩ chín chắn, thấu đáo, từ đó dẫn đến làm việc dễ phạm sai lầm. Một khi phạm sai lầm, sự tức giận lại tăng lên, càng căng thẳng hơn.
Lâu dần, hậu quả của vòng luẩn quẩn ấy không chỉ khiến hiệu suất công việc giảm sút mà còn phá hủy cả các mối quan hệ xã giao, xung đột mâu thuẫn với người khác cũng nhiều lên.
Những rắc rối do bản thân tạo ra càng nhiều, cuộc đời khó có thể bình yên tự tại.
Theo Nguyễn Nhung (Trí Thức Trẻ)