4 chiêu ứng phó khi con dậy thì khó bảo

22/06/2016 09:11:00

Trẻ dậy thì (14-15) ở vào giai đoạn được gọi là “thời kỳ chống đối”. Đôi khi cha mẹ càng muốn giải quyết, xung đột lại càng nghiêm trọng. 

Trẻ dậy thì (14-15) ở vào giai đoạn được gọi là “thời kỳ chống đối”. Đôi khi cha mẹ càng muốn giải quyết, xung đột lại càng nghiêm trọng. 

1. Nguyên nhân con hay chống đối

Do tâm lý của trẻ thời kỳ này cũng dần thay đổi theo tuổi tác. Sự xuất hiện của những “tính cách thứ hai” khiến trạng thái tâm lý của trẻ dễ bị kích động. Đối mặt với những thay đổi của bản thân, thường thì trẻ sẽ cảm thấy bối rối không biết nên làm thế nào, từ đó sinh ra phiền muộn và tâm trạng đối kháng.

Chống đối trong thời kỳ dậy thì là biểu hiện chưa thành thục về tâm lý ở trẻ. Thông thường, tâm lý sẽ trở nên “chín chắn” sau sinh lý. Trong quá trình phát triển nhận thức về mặt tâm lý, do sự thiếu từng trải và kinh nghiệm, nhận thức của trẻ không kiên định và dễ dao động. Tư duy tuy đã có tính độc lập, đánh giá nhưng việc nhận thức sự vật và vấn đề còn bị sai lệch do chưa hoàn toàn khách quan. Trẻ sẽ có biểu hiện phiến diện, cố chấp và cực đoan. Tâm lý này khiến cho mọi lời khuyên, chỉ điểm, nhắc nhở, thúc đẩy của người xung quanh bị trẻ cho là không hợp lý, không tôn trọng và trói buộc. Thêm vào đó, tính hiếu kỳ thúc đẩy khiến trẻ dễ có những hành động đi ngược lại với mong muốn của người lớn.

4-chieu-ung-pho-khi-con-day-thi-kho-bao

Ảnh: parents.

2. Làm sao đối mặt với thời kỳ chống đối của con

Giữ cái đầu lạnh

Khi trẻ có biểu hiện chống đối, thông thường bố mẹ sẽ thấy vô cùng bất mãn và dùng quyền lực của mình để áp đảo trẻ. Kỳ thực, hành động này chỉ như “thêm dầu vào lửa”. Lúc này, điều bạn cần làm là giữ cho mình luôn tỉnh táo và bình tĩnh. Khi hai bên đều đang kích động, tốt nhất bạn nên là người nhẫn nại, chờ trẻ ổn định tâm trạng trở lại rồi mới bắt đầu quá trình chia sẻ, “đàm phán”. Với tâm lý dễ dao động và thiếu khả năng kiềm chế, ngôn ngữ và hành động của trẻ khi đang muốn chống đối thật sự rất kịch liệt. Vì vậy, lúc này đòi hỏi người lớn phải là người giữ cái đầu lạnh để tránh bầu không khí thêm nặng nề khó hòa giải.

Đừng quá bảo bọc con

Thay vì lúc nào cũng lo sợ con làm sai, chi bằng hãy khích lệ con can đảm thử những chuyện trẻ muốn làm. Khi tự mình trải nghiệm, trẻ sẽ nuôi dưỡng được năng lực độc lập và dám bày tỏ cách nghĩ của mình với người khác. Bạn lúc này chỉ nên đóng vai trò dẫn dắt và hỗ trợ trẻ khi cần thiết. Hãy cho trẻ biết rằng khi suy xét vấn đề nên nghĩ từ nhiều phương diện và nhất là hãy tích cực, không nên có tâm lý than vãn hay oán trách khi không hài lòng chuyện gì đó. Bạn cũng nên cho trẻ thêm nhiều không gian để trẻ thấy mình được tôn trọng.

Hãy tin tưởng con

Lúc này trẻ đã có ý thức độc lập rất mạnh mẽ, vì vậy đòi hỏi bạn phải có lòng tín nhiệm tương ứng. Thời kỳ này không ít trẻ nghĩ rằng bố mẹ lúc nào cũng không tin tưởng mình, không hiểu mình. Trong tình huống này, điều bạn nên làm là cho trẻ một số quyền nhất định, đồng thời hãy tỏ ra mình tin tưởng trẻ, để trẻ tự làm một số chuyện trong khả năng và sẵn sàng chấp nhận nếu trẻ làm chưa tốt. Thời kỳ chống đối là lúc trẻ đang ở giai đoạn nửa người lớn nửa còn trẻ con, cho nên được tín nhiệm là nhu cầu rất quan trọng đối với trẻ.

Vận dụng phương pháp “giáo dục ngầm”

Đối mặt với những hành vi chống đối của trẻ, bạn tuyệt đối không nên trực tiếp bảo “Không!”. Ví dụ trẻ nói muốn mua một cái áo hàng hiệu, nếu bạn nói: “Không được” chỉ khiến cho trẻ càng muốn mua cho bằng được, bởi lúc này trẻ cảm thấy mình không thể chia sẻ hay trao đổi được với bố mẹ, rằng bố mẹ không hiểu mình thì “có nói cũng như không”. 

Hãy cho trẻ nhiều cơ hội để bày tỏ mong muốn với bạn, nếu đó là yêu cầu không hợp lý, bạn cũng nên nhẫn nại giải thích cho trẻ thấy điểm nào không hợp lý trong yêu cầu của mình. Ngoài ra, hãy cho phép trẻ được phạm lỗi và hiểu rằng bố mẹ sẽ cảm thông và hiểu cho những sai sót của mình.
 

Theo M.Thư (VnExpress.net)

Nổi bật