Bao giờ cũng vậy, hình ảnh, âm thanh và mùi hương luôn là những thứ dễ tạo cảm xúc, dễ tạo những nhung nhớ bồi hồi. Hình ảnh của Tết là cành đào đỏ hồng, là những băng rôn biểu ngữ hay thư pháp, là người người đi lại sắm sửa đồ nọ thức kia; âm thanh của Tết là tiếng pháo hoa giao thừa, là câu chúc Tết chân thành thân thương; và mùi hương của Tết chính là mùi trầm, mùi mùa mùa xuân cứ sục sôi kéo về.
Và bao trùm tất cả những thứ nói trên chính là tình cảm gia đình, là sự quan tâm của bố, của mẹ bằng những món quà vật chất tuy nhỏ nhưng lại chứa đựng cả một bầu trời yêu thương. Bao nhiêu đó đều được gói gọn trong bức ảnh "quà Tết của bố" dưới đây.
Bức ảnh trên được đăng trên một cộng đồng Facebook và thu về gần 20 nghìn lượt thích chỉ sau 6 giờ đăng tải. Ảnh do nhiếp ảnh gia Triệu Bình cung cấp đã làm cho tất cả mọi người thất cái Tết đang rất gần rồi.
Trong ảnh chụp một người đàn ông lớn tuổi đi cùng 3 cậu nhóc nhỏ, trên tay mỗi cậu bé lại cầm một chú lợn nhựa màu sắc, thứ đồ chơi dùng để đút tiền mừng tuổi của cả một mùa Tết để rồi sau đó đợi một dịp quan trọng sẽ mổ ra. Cho dù thời nay có vô số thứ lợn tiết kiệm tiền với vô vàn sắc màu, kiểu dáng hiện đại nhưng có lẽ bạn lợn nhựa này vẫn là thứ có sức mạnh nhất trong việc gợi nhớ lại tuổi thơ và cái Tết dữ dội của tuổi thơ năm nào.
Cùng với những chú lợn nhựa sắc màu đó, các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X ai ai cũng từng có những kỷ niệm thật đẹp. Bạn Kiều Dung Hòa kể lại: "Ngày bé lúc nào ông nội cũng mua cho 2 đứa 2 con như thế này để Tết bỏ tiền vào. Còn so xem lợn đứa nào nặng hơn với nhiều tiền hơn. Bố mẹ dụ 2 đứa bảo đừng để ở ngoài người ta vào lấy mất. Thế là tin tưởng đưa cho mẹ cất đi và sau lần đấy cũng là lần cuối nhìn thấy chúng. Năm nào cũng lặp lại bản tình ca như thế. Hỏi lại mẹ thì mẹ bảo để mấy năm sau mà mổ ra được nhiều hơn. Hai đứa cứ thế tin".
Tết trong bạn Trần Mạnh Hùng chính là: "Tớ cứ nhét tiền lì xì vào lợn đất. Bố mẹ tớ bảo đưa bố mẹ cầm hộ sau này lớn lấy vợ bố đưa cho. Nhưng không biết vì sao mà cả lợn đất lẫn lợn nhựa của tớ con thì vỡ con thì thủng bụng. Còn tớ thì giờ vẫn chưa lấy vợ".
Cùng với những kỷ niệm với lợn đất, lợn nhựa thì còn rất nhiều những mùi vị vui vẻ khác của ngày năm mới. Phạm Hoàng thì nhớ như in cái Tết của hồi xưa: "Nhớ hồi bé, mà thực ra hồi bé nhà vất vả tớ chả nhớ Tết nhà tớ như thế nào thì đúng hơn. Tớ cũng chỉ nhớ bố mẹ hay lì xì cho, Tết thì đào quất cũng chả mua. Tớ chỉ nhớ nhất lúc lớn lớn thì năm nào bố cũng lôi nhà ra sơn. Giờ thì lớn rồi, Tết tớ sẽ cho bố mẹ tiền, sắm đồ. Nhưng tớ vẫn thích cảm giác tết sơn nhà hơn".
Còn Bống Nguyễn thì sụt sùi: "Mình nhớ Tết ở nhà quá. Cảm thấy ấm cúng và bình yên. Luộc bánh chưng và dọn dẹp nhà cửa. Giao thừa cả nhà ngồi quây quần ăn bánh kẹo nói chuyện đầu năm. Đơn giản mà hạnh phúc. Giờ lấy chồng, mọi thứ phải theo tục nhà chồng. Cũng có hạnh phúc riêng bên chồng và các con nhưng sao vẫn thoáng thấy buồn và nhớ nhà, nhớ bố mẹ dù lấy chồng đã 5 năm rồi".
Vậy đấy, con người rồi ai cũng phải lớn lên, phải một phần quên đi cái Tết của tuổi thơ năm nào. Nhưng có một điều họ chẳng bao giờ cảm thấy phai nhạt trong lòng đó chính là tình yêu của bố mẹ. Vì lẽ đó, năm mới, dù ở xa thế nào, dù bận rộn đến đâu cũng hãy dành lấy chút thời gian về bên gia đình, để cảm nhận không khí đoàn viên rồi lại có thêm sức mạnh cho cả năm sau nhé. Tết ơi!
Theo Nhân Nguyễn (Helino)