Ai làm cha, làm mẹ mà chẳng mong muốn con có một cuộc sống tốt đẹp, tương lai rạng ngời. Ý thức được "điểm xuất phát" quan trọng thế nào nên không ít phụ huynh thà nhịn ăn, nhịn mặc cũng nhất quyết không để con thua bạn kém bè.
Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho biết, có 3 điều mà bậc cha mẹ thông minh nhất định phải "hào phóng" với con. Bởi nếu "tiết kiệm" với con những thứ này thì, tốc độ phát triển của con sẽ chậm hơn bạn bè, ảnh hưởng không tốt đến tương lai.
1. Giáo dục là hàng đầu
Câu chuyện dạy con của mẹ Mạnh Tử là một bài học tiêu biểu về tầm quan trọng của giáo dục. Mạnh Tử vốn mồ côi cha và chịu sự giáo dục nghiêm túc của mẹ là Chương Thị, sau này được gọi là Mạnh Mẫu. Bà nổi tiếng với câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.
Thế nhưng, một số cha mẹ lại có tâm lý nuôi dạy con trái ngược với Mạnh mẫu. Họ thừa sức sắm sửa quần áo, đồ chơi, cho con đi ăn uống du lịch đắt đỏ nhưng lại tằn tiện, hời hợt với việc học của con. Thực tế cho thấy, cha mẹ càng tính toán, dè sẻn trong chuyện giáo dục bao nhiêu thì tỷ lệ thành công của con càng thấp bấy nhiêu.
Giáo dục là sự đầu tư lâu dài, trẻ càng thiếu giáo dục thì khoảng cách với người khác càng lớn và khả năng cạnh tranh càng thấp.
2. Bồi dưỡng tinh thần
Chuyện kể rằng có một cặp vợ chồng nọ thời trẻ khá khó khăn. Đến khi có con, họ muốn bù đắp hết cho con, để con được thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất mà trước đó họ không được hưởng thụ. Cả hai tích cực cho con tiền tiêu vặt hàng tháng, không để con thiếu thốn thứ gì. Mấy ai biết, đứa trẻ này đang bị thiếu thốn một khía cạnh rất quan trọng về tinh thần.
Đưa con tiền vô tội vạ nhưng lại không dạy con giá trị đồng tiền khiến con tiêu xài hoang phí, không có tính cách cầu tiến, sống ỷ lại vào sự bao bọc của cha mẹ. Đây là cạm bẫy ảnh hưởng lớn đến tương lai của đứa trẻ mà rất nhiều phụ huynh không để ý đến. Trong cuộc sống, cha mẹ hãy chú ý bồi dưỡng khía cạnh tinh thần, tâm hồn cho con. Hãy vun đắp cho con niềm yêu thích học tập, tích cực động viên con có những phẩm chất tốt. Bởi đó là mới điều giúp con thành công trong tương lai, thay vì quá nuông chiều.
3. Đừng tiếc lời khen
Ai trong chúng ta cũng muốn được khen ngợi, người lớn cũng thế, trẻ em càng vậy. Một lời khen của cha mẹ có thể khiến trẻ vui vẻ cả ngày và ngược lại, một lời mắng mỏ có thể khiến tinh thần con lao dốc. Một số cha mẹ thường cho rằng, khen ngợi nhiều sẽ khiến con cái trở nên kiêu ngạo. Vậy nên, họ đặc biệt kiệm lời trong vấn đề này. Con học tốt, họ không khuyến khích khen ngợi. Con học kém, họ mắng mỏ nặng lời.
Cách giáo dục này không khiến con tốt lên mà chỉ khiến con tự ti. Ngay cả ở lĩnh vực tự tin nhất, con cũng có thể nhụt chí vì ám ảnh tâm lý không làm vừa lòng cha mẹ, sợ bị trách mắng.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ đừng tiết kiệm lời khen với con. Hãy cho con sức mạnh tinh thần qua những lời khen thưởng, động viên. Tất cả chúng ta ai cũng thích được khen, cả người lớn và trẻ em đều vậy. Tất nhiên việc khen ngợi phải đúng cách, không thể bừa phứa để tránh gây tác dụng phụ. Khi bố mẹ thấy con có một hành động tốt, xứng đáng được khen ngợi đừng chỉ đơn thuần nói "con giỏi quá" mà thay vào đó hãy sử dụng một lời khen cụ thể. Điều này sẽ giúp con hiểu rằng điều gì mình đã làm đúng điều gì để được khen và từ đó phát huy cho lần sau.
Ngoài ra, bố mẹ chú trọng khen ngợi nỗ lực của con thay vì thành quả. Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ sẽ dễ gặp phải những tình huống khó khăn đòi hỏi khả năng suy nghĩ cao độ để giải quyết vấn đề. Bố mẹ thường dễ buông ra lời khen trong sự phấn khích như "con thông minh quá". Điều này sẽ khiến trẻ dễ tự mãn sau này. Thay vì khen con thông minh, bố mẹ có thể kể cho trẻ nghe mình vui như thế nào khi con biết cách tự nỗ lực giải quyết vấn đề. Tập trung vào những điều trẻ làm và nỗ lực tốt sẽ khiến trẻ tự tin và cố gắng nhiều hơn trong những lần tiếp theo.
Dung (Nguoiduatin.vn)