Năm lên cấp 3, tôi phải ở trọ để đi học cho tiện vì nhà tôi cách trường 13 cây số. Lần đầu tiên xa nhà, tôi nhớ quê, nhớ cha mẹ, nhớ cây cối trong vườn mà ở nhà ngày nào tôi cũng leo trèo hái quả ổi, quả khế ăn ngay trên cây, nhớ cả đàn chó con mới sinh... Tất cả khiến tôi lúc nào cũng đau đáu mong cho đến cuối tuần để được cha đón về nhà.
Có lẽ khoảng thời gian ở trọ đó, tôi ám ảnh và buồn nhất là mỗi buổi chiều, khi trời nhá nhém tối. Khoảng thời gian đó, nếu như ở nhà sau khi ăn xong tôi sẽ được cùng cha mẹ ngồi xem ti vi 30 phút rồi mới vào bàn học bài. Đó là khoảng thời gian tôi được cha mẹ hỏi han và kể mọi thứ chuyện trên đời.
|
Một bó rau và túi thịt của cô đã giúp chúng tôi nên người. Ảnh minh họa. |
Phòng trọ ở đối diện cổng trường. Hồi đó, cứ khoảng 11 giờ 30 tan học là tôi chạy ù về nấu nướng để kịp giờ học buổi chiều. Tôi ở cùng một cô bạn nhà cũng cách trường 10 km. Nhiều khi đồ ăn không còn, hai đứa chỉ kịp ăn bát cơm nóng chan với nước mắm rồi vội vã chợp mắt để đi học tiếp.
Nhà xa lại nghèo hơn so với các bạn học cùng ở vùng thị trấn, cứ đầu tuần xuống phòng trọ là hai đứa được bố mẹ chuẩn bị cho đồ ăn cả tuần từ rau củ, trứng, cá khô... và 20 nghìn tiêu cả tuần. Nhiều khi đồ ăn hết, nước mắm hết, tiền cũng hạn hẹp, hai đứa nghĩ ra cách chưng cá kho với muối và cho thêm nhiều nước vào để làm nước mắm. Trưa nào về muộn lại vội để đi học chiều, hai đứa chúng tôi chỉ kịp cho thêm ít dầu vào nước mắm tự chế nấu nóng lên trên bếp ga mini rồi ăn vội vàng.
Năm 12, tôi và cô bạn ở cùng được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh. Tần suất những buổi học thêm càng dày vì ngoài những môn học luyện thi tốt nghiệp ra, mỗi tuần chúng tôi còn thêm 3 buổi luyện tiếng Anh nữa.
Thời gian gần đến ngày thi, cô còn gọi hai đứa sang học cả ngày Chủ nhật. Trưa ngày Chủ nhật đó, sau khi học xong, cô giáo bảo sang phòng trọ xem hai đứa sinh hoạt như thế nào.Vừa bước chân vào căn phòng chật hẹp, nhìn cái bàn để sát ngay chiếc giường đơn cho hai đứa nằm nghỉ. Bếp ga mini và xoong chảo ngay đưới chân bàn học, cô giáo ái ngại nhìn quanh rồi thử mở nồi ra.
Hai đứa xấu hổ đến đỏ mặt vì cái nồi nước mắm cá tự chế đó. Vậy mà cô chẳng nói gì, chỉ hỏi chuyện gia đình hai đứa ở quê như thế nào rồi bảo ban chuẩn bị tinh thần vào tỉnh chiến đấu. Ngay trưa hôm sau, khi hai đứa vừa đi học về cô giáo bất ngờ vào thăm rồi đưa cho hai đứa túi thịt và bó rau muống.
Chúng tôi nhìn cô ái ngại xấu hổ, cô giáo bảo: “Hai đứa nấu ăn đi nhé, không phải ngại đâu. Các em cũng như con cô ở nhà. Ăn uống như thế cô xót lắm”. Mấy ngày sau đó, cứ khoảng 3 ngày cô lại mang đồ ăn đến cho 2 đứa tôi.
Nhiều lúc ngại quá, hai đứa bàn kế hoạch mang quà biếu lại cô nhưng chưa thực hiện được đã bại lộ và bị cô gọi riêng quát cho tơi bời. Thế là dẹp bỏ luôn ý định đó.
Rồi kỳ thi đến, hai đứa chúng tôi khăn gói vào tỉnh dự thi và đều đạt giải cấp tỉnh cả. Cô vui lắm. Mắt cô rạng rỡ mỗi khi nhìn hai cô học trò nhà nghèo mà chịu khó. Cô còn mua hẳn hai cái bút máy sịn tặng cho hai trò cưng dặn dò năm đó thị đại học tốt rồi về báo tin mừng cho cô.
Dù cô thương hai đứa như thế nhưng tôi biết, gia đình cô cũng không khá giả gì. Cô còn nuôi hai anh học đại học và bao mối lo khác. Người cô gầy lắm, có lẽ bởi cô còn nhiều lắm những trăn trở cuộc đời...
Năm đó chúng tôi đều đỗ đại học. Mùa hè năm 2004, hai đứa đạp xe xuống nhà cô chơi báo kết quả để chuẩn bị ra trường nhập học. Cô nhìn hai đứa bằng ánh mắt trìu mến, thân thương rồi cô gạt nước mắt vì vui mừng. Cuối cùng thì bao công cô vun vén cho hai đứa đã gặt được kết quả.