Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn có không ít người bao năm xa nhà, xa mẹ, lưu lạc nơi xứ người để bươn chải làm việc kiếm tiền hoặc nhất là chị em phụ nữ phải theo chồng xa, những lần được về nhà sau bao năm làm vợ, làm dâu chắc chỉ tính trên đầu ngón tay. Nhưng những hồi ức về một tuổi thơ ở cùng với mẹ, được mẹ chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ có lẽ sẽ không bao giờ ta quên.
Để rồi một thoáng nhớ nhung, trong một khoảnh khắc nào đấy của cuộc đời, chúng ta bỗng nhớ mẹ, nhớ một bữa cơm do chính tay mẹ nấu và hình ảnh cả nhà quây quần đầm ấm ăn cơm cùng nhau chợt ùa về. Có thể là vào một ngày hè, mẹ tiện tay hái mớ rau đay nấu bát canh cua để con ăn cho mát; hoặc một chiều mùa đông, mẹ đi chợ mua vài túi đậu, mang về rán giòn, mùi thơm bả lả bay lên làm ấm cả gian bếp; ăn với chút mắm, chút cà vậy mà ngon nức nở. Cũng có thể là một buổi sáng mùa thu, mẹ đãi cả nhà bằng món bánh gối nhiều bột vì không đủ tiền mua thịt làm nhân; con vừa thổi vừa ăn mà thấy thương mẹ vô cùng...
Không tin thì hãy đọc vài dòng rất xúc động của một người đàn ông nào đó vừa đăng tải trên mạng xã hội sáng qua, để biết và hiểu rằng, dù anh ấy đã xa nhà 13 năm đến thành phố làm việc, 13 năm ăn cơm do “thiên hạ” nấu, đến khi về nhà, ăn bữa cơm đạm bạc được làm từ đôi bàn tay mẹ, anh ấy mới nhận ra những món này, món nào cũng ngon mà không gì có thể bì được:
“Mâm cơm như này thì theo các bạn có ngon không? Còn mình thì thấy ngon lắm vì đây là cơm mẹ mình nấu đấy. Mình ra Hà Nội cũng hơn 13 năm, ăn cơm thiên hạ nó hay nghẹn lắm. Đến khi về nhà chỉ cần là cơm mẹ nấu thì cái gì mình cũng thấy ngon, các bạn có quan điểm như mình không?”.
Hiểu hết nỗi lòng của một người con xa quê, xa mẹ nên câu chuyện dù ít nội dung này mới được đăng tải không bao lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Và tất nhiên, vì hiểu nên ai ai cũng đồng ý với quan điểm của anh chàng trên, rồi nhanh tay chia sẻ: “đúng vậy, cơm mẹ nấu là cơm ngon nhất trần đời”, “mẹ mình nấu sơ sài mà mình ăn hoài không biết ngán”, “mẹ là đầu bếp tài ba nhất trên đời”, “tự dưng đọc xong nhớ mẹ ở quê, thèm một bữa cơm gia đình”, “ở quê tuy nghèo nhưng ở đó có mẹ, có cơm mẹ nấu”,...
Mẹ là vậy, bữa cơm của người dù nghèo nàn, đạm bạc, không bằng những món ăn ở các nhà hàng sang trọng con vẫn hay hò hẹn với bạn bè đến ăn, nhưng sau cùng vẫn không sao thay thế được. Bởi trong các món ăn đó, hay trong hàng vạn bữa cơm xa lạ trên đường đời lưu lạc đó, nó thiếu một thứ gia vị rất riêng mà chỉ có những bữa cơm nhà mới có được, đó chính là mùi vị của tấm lòng, tấm lòng của một người mẹ dành cho con. Phải không?
Theo Min (Helino)