Rất nhiều người lớn thường cho rằng trẻ con không biết gì đâu nên tùy ý nói năng. Tuy nhiên, những lời nói tưởng vô tình ấy lại khiến trẻ tổn thương sâu sắc.
Bố đi lấy người khác rồi, không về nữa đâu
Tâm hồn con trẻ như một tờ giấy trắng, nhưng không có nghĩa là cha mẹ nói gì cũng được. Câu nói này thường chỉ mang tính mua vui nhưng khi nghe xong, trẻ con sẽ thấy sợ hãi vì bố không về với mình nữa.
Mẹ có em bé, cháu bị ra rìa rồi!
Vì suy nghĩ “trẻ em biết gì” và muốn trêu đùa nên người lớn thường nói câu này với trẻ mà không biết rằng mình đang vô tình làm khơi dậy lòng ghen tị trong tâm hồn trẻ, ảnh hưởng xấu đến tình cảm anh chị em trong gia đình.
Cháu được bố mẹ nhặt ở chỗ khác về đấy!
Không ít đứa trẻ bị đùa rằng mình chỉ là con nuôi bố mẹ nhặt được ngoài thùng rác mang về, là con ông ba bị, con bà ăn xin.
Câu nói đó khiến những đứa trẻ với tâm hồn thật thà hoang mang, tổn thương vì nghĩ mình là con nuôi thì không được yêu thương, nhiều trẻ bị mặc cảm vì nghe quá nhiều những câu nói thế này.
Béo thế, ăn vừa thôi
Nếu bị chê bai là quá béo hay quá gầy, trẻ cũng dễ dẫn đến các vấn đề về dinh dưỡng, trẻ không chịu ăn hoặc cố gắng ăn thật nhiều. Ngoài ra trẻ cũng có thể tự ti và mặc cảm về ngoại hình của mình, không dám hòa đồng vào các mối quan hệ ở trường lớp
Tốt nhất, bạn nên nhẹ nhàng hướng dẫn để bé biết cách chọn lựa đồ ăn tốt cho sức khỏe và tránh xa những loại thực phẩm không an toàn, có thể gây nên tình trạng béo phì…
Dọa công an bắt
Trẻ con khóc, người lớn dọa: Nín ngay không chú công an bắt…Trẻ con làm sai, người lớn nạt: Nghịch dại là công an bắt đi tù…Trẻ con ghét chú công An, vì công An có còng số 8, có súng…Việc lấy chú ông an ra làm “bình phong” khiến, nhiều đứa trẻ đã hốt hoảng sợ hãi mỗi khi nhìn thấy chú công an.
Về mặt xã hội, hình ảnh công an đã không tốt trong tâm lý trẻ em, đến khi trẻ có chuyện cũng sẽ không có lòng tin để kể với lực lượng công an. Các bạn cũng thấy đấy, những vụ ấu dâm, bạo hành, trẻ thường không dám kể với công an.
Chê mặc đồ xấu
Có những bé trai nhất quyết vứt bỏ chiếc quần mẹ mới mua chỉ vì bị hàng xóm nói đùa “mặc quần con gái”. Việc này thật khổ sở cho các bậc phụ huynh.
Con không nhanh chân lên, mẹ sẽ bỏ con lại đấy
Với các bé, nỗi sợ hãi lớn nhất là bị cha mẹ bỏ rơi. Đây có thể là câu nói khi bạn muốn thúc giục bé nhưng bé lại tỏ ra sợ hãi thực sự.
Đừng có giống hệt bố mày như thế, lôi thôi, bẩn thỉu…
Việc chỉ trích, kể tội xấu của chồng trước mặt bé không mang lại bất kỳ lợi ích nào. Bạn có thể nhắc nhở để bé biết cách thu xếp gọn gàng đồ chơi nhưng tuyệt đối không nên so sánh bé với bất kỳ người thân nào, nhất là với bố.
Phản ứng của bé trong tình huống này là dần trở nên ghét bố hoặc bắt chước tính xấu của bố. Việc bố chê con có tính xấu giống mẹ cũng có những tác hại như vậy. Chúng ta nên là những hình mẫu tốt đẹp trong mắt con trẻ.
Có ăn không thì bảo, con mà không ăn là mẹ khâu mồm đấy
Nếu bạn cứ tiếp tục dọa nạt bé như vậy, bé sẽ bị ức chế tâm lý, cơ thể khó hấp thụ được chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Ngoài ra, bạn đã xây dựng ở bé một nỗi sợ vô hình về cha mẹ.
Biết con hư thế này, mẹ đã chẳng sinh ra con
Biết con hư thế này, mẹ đã chẳng sinh ra con” hoặc nặng hơn “Mày không phải con tao, con tao không có ngữ nào ngu dốt như mày.
Bé sẽ tin rằng, bạn không muốn làm mẹ của bé thực sự. Rất nhiều bé sẽ bị ám ảnh và không bao giờ quên được câu nói này của bạn.
Dốt quá, dễ vậy mà con cũng không biết à?
Đây là một trong những cách tệ nhất khi dạy con học, có thể khiến bé xấu hổ, mất tự tin và hoang mang. Tệ hơn bé sẽ thấy sợ hãi, hình thành thói quen “giấu dốt” không dám hỏi thêm bạn điều gì.
Ước gì bạn ấy là con mẹ thì tốt quá
Có thể đây chỉ là một câu đùa hay câu nói trong lúc bạn giận vì bé hư. Bé sẽ bị tổn thương bởi suy nghĩ: “Mẹ ghét mình, mẹ chỉ yêu bạn ấy thôi”. Từ đó, bé sẽ trở nên mặc cảm, tự tin, so bì, ghen tỵ với bạn bé.
Theo Thạch Thảo (Khỏe & Đẹp)