Bright Side đã phân tích các tình huống bạn dễ mất đi lý trí và mua những thứ không hề có trong dự định và phương pháp để ngăn ngừa tình trạng này:
Hiệu ứng Diderot
Hẳn ai cũng có lần sau khi mua một món đồ mới thì lập tức tìm mua các thứ khác hợp để đi kèm với nó, chẳng hạn sắm thêm đôi giày và chiếc áo sơ mi để hợp với cái chân váy mới.... Đây là trạng thái tâm lý rất rất phổ biến và được gọi là hiệu ứng Diderot.
Hiệu ứng này được đặt theo tên nhà triết học người Pháp Denis Diderot. Ông không giàu nhưng khi có một khoản tiền lớn thì đặt ngay một chiếc áo choàng màu đỏ tươi tuyệt đẹp. Vì món đồ này quá khác biệt so với phần còn lại trong tủ quần áo, ông buộc phải thay thế tất cả đồ cũ bằng các món mới cho hợp.
Cách ngăn ngừa: Trước khi định mua gì, nên xem xét liệu mình có kỳ vọng thế nào về món đồ đó. Chẳng hạn, bạn muốn mua một chiếc smartphone vì tính kết nối tốt và hoạt động hiệu quả hay bởi vì bạn mơ được thăng chức và kiếm nhiều tiền hơn? Hiểu được điều này bạn biết giá trị thực của món đồ thay vì các ảo vọng của bản thân.
Hiệu ứng chơi trội
Bạn mua các món đồ mà ít người có để nhằm nổi bật hơn họ. Nhiều người thích trở thành trung tâm chú ý và các món đồ mới là cách giúp họ làm điều đó.
Cách ngăn ngừa: Ghi ra một danh sách những điều bạn làm tốt và những thứ bạn tự hào về bản thân. Danh sách này sẽ không ngắn đâu. Trang phục không phải cách duy nhất để thu hút sự chú ý. Bạn sẽ nhận ra mình có nhiều điều thú vị và cuốn hút người khác hơn vẻ bề ngoài.
Hiệu ứng đám đông
Tình huống này xảy ra khi một người mua một món đồ chỉ bởi nó đang là mốt và ai cũng có, dù có thể đồ ấy không hề hợp với phong cách của họ.
Cách ngăn chặn: Trước khi mua, hãy tự hỏi: "Tại sao tôi muốn mua thứ này". Có thể bạn thực sự thích và cần nó, nhưng cũng có khi chỉ vì bạn đang bị ảnh hưởng bởi những người khác.
Mua cho tương lai
Ai cũng muốn có thay đổi tích cực. Đó là lý do chúng ta mua những món đồ cho tương lai, như chiếc váy cỡ S trong khi ta đang mặc size M vì nghĩ đó là động lực giảm cân.
Cách ngăn ngừa: Hãy nhớ rằng việc mua đồ không khiến bạn mảnh mai, thông minh hay hấp dẫn hơn. Muốn đạt được các mục tiêu này, cần nỗ lực, kiên trì.
Mua sắm bốc đồng
Bạn có một ngày tệ hại và quyết định ghé cửa hàng yêu thích. Bạn vừa có khoản thưởng và nghĩ nên mua thứ gì đó cho chính mình. Nhưng hạnh phúc từ việc mua sắm kiểu này sẽ qua nhanh trong khi món đồ bạn mua sẽ bị lãng quên hoặc khiến bạn buồn thêm vì đã tiêu tiền vào đó.
Cách ngăn ngừa: Mua sắm bốc đồng là hệ quả của việc thiếu cảm xúc tích cực. Hãy tìm các hoạt động khác giúp mình chiến thắng tâm trạng buồn bã, stress.
Các mẹo của người bán hàng
Âm nhạc du dương, màu sắc ấm áp, mùi ngọt ngào - tất cả những điều này tác động khiến chúng ta bước vào cửa hàng mà mình vốn chẳng định mua gì. Không khí ấm cúng và thoải mái bên trong khiến bạn quên cả thời gian và mua vô bổ.
Cách ngăn ngừa: Chỉ đến nhà hàng khi bạn cần ăn và chỉ bước vào hàng quần áo khi định sắm các đồ đã ghi sẵn danh sách.
Giảm giá và khuyến mãi
Đây là một trong những lý do hay gặp nhất khiến mọi người mua những thứ họ không cần. Cửa hàng đưa ra chiêu mua 3 chỉ phải trả giá cho 2 hay giảm giá 50% trong một ngày duy nhất khiến chúng ta ham lợi mà rước về nhà những thứ chẳng đụng tới.
Cách ngăn ngừa: Cất từng loại đồ ở vị trí dễ thấy để bạn luôn biết rõ mình đã có gì và khỏi sắm thêm. Cảnh giác trước các chiêu khuyến mại và tự hỏi món đó mình có mua không nếu nguyên giá để biết bản thân có thực sự cần.
Sản phẩm giá rẻ
Để tiết kiệm tiền, chúng ta có thể mua các món rẻ tiền nhưng cách này đôi khi phản tác dụng. Một chiếc quần jean tốt ta có thể mặc nhiều năm trong khi loại giá rẻ sẽ bị hỏng sớm.
Cách ngăn ngừa: Hãy ghi nhớ: Thà ít mà chất. Khi mua thứ gì đó, chú ý tới chất lượng thay vì giá.
Bị người bán hàng thuyết phục
Nhiều người bán hàng giỏi gây dựng lòng tin. Họ có thể thuyết phục bạn rằng một sản phẩm nào đó tốt hơn các loại khác nhiều hay khiến bạn mua một lúc 3 chiếc áo thay vì chỉ một như ý định ban đầu.
Cách ngăn ngừa: Luôn nhớ thứ bạn định mua. Tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên mạng trước để không phải hỏi quá nhiều khi tới cửa hàng. Người bán hàng chỉ lái được những khách không biết rõ bản thân muốn mua gì. Một giải pháp khác là đi mua sắm cùng bạn bè.
Mua vì cảm giác sợ hãi
Bạn sợ nếu không mua ngay, sản phẩm đó sẽ hết hoặc sau này mình sẽ chẳng có tiền để mua nữa. Một lý do khác có thể bố mẹ từng nói "không" nhiều lần khi bạn còn là bé nên giờ bạn muốn mua thật nhiều để tự bù đắp cho mình.
Cách ngăn ngừa: Tưởng tượng rằng bạn cần chuyển tới nước khác sống. Thứ gì bạn sẽ mang đi? Chắc chắn là không quá nhiều. Hãy chi tiền cho những trải nghiệm thú vị hơn là mua vô tội vạ.
Theo Bảo Ngọc (VnExpress.net)