10 sự thật không có trên phim về hậu cung Càn Long: Đâu chỉ có chuyện bà cháu chung chồng

16/02/2019 08:33:22

Ngoài những màn cung đấu gay cấn trên phim ảnh, hậu cung của Càn Long lại sở hữu nhiều chuyện lạ lùng và trùng hợp tới mức khó tin.

Càn Long đế (1711 – 1799) tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, là vị Hoàng đế thứ sáu của vương triều Đại Thanh và là vị vua Mãn Thanh thứ tư kể từ sau khi nhập quan.

Sinh thời, Càn Long không chỉ là vị Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong số các vị vua Trung Hoa mà còn là người có nhiều giai thoại tình ái được hậu thế quan tâm hơn cả.

Tuy nhiên khác với những câu chuyện hậu cung được đưa lên màn ảnh nhỏ, đời sống hôn nhân của vị vua này còn có không ít sự thật thú vị dưới đây.

Sự thật thứ nhất: Số lượng phi tần trong hậu cung của Càn Long

10 sự thật không có trên phim về hậu cung Càn Long: Đâu chỉ có chuyện bà cháu chung chồng
Chỉ tính riêng những người có danh phận, số phi tần trong hậu cung của vị Hoàng đế nổi tiếng phong lưu như Càn Long đã lên tới con số hàng chục.

Lên ngôi vào năm 25 tuổi, tại vị trên ngai vàng 60 năm, lại có thêm 3 năm ở ngôi Thái thượng hoàng, có thể nói Càn Long là một trong những vị Hoàng đế giữ kỷ lục về tuổi thọ cũng như thời gian trị vì.

Xét trên một khía cạnh khác, kể từ khi chính thức thành thân vào năm 16 tuổi cho tới lúc qua đời ở tuổi 89, vị Hoàng đế này đã từng có không ít thê tử.

Cụ thể, Càn Long có 3 vị Hoàng hậu, trong đó có chính thê đầu tiên là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát thị.

Bên cạnh đó, ông còn có 5 vị Hoàng quý phi, 6 vị Quý phi, 6 vị Tần, 12 vị Quý nhân, 4 vị Thường tại, số lượng cung phi từ Đáp ứng trở xuống không có số liệu thống kê cụ thể.

Như vậy, những phi tần có danh phận được chính sử ghi nhận dưới thời Càn Long lên tới gần 40 người, đó là chưa kể tới không ít mỹ nhân có danh phận thấp hơn hoặc không có danh phận chính thức.

Sự thật thứ hai: Người phụ nữ Càn Long yêu nhất

Nếu nhắc tới người thê tử khiến Càn Long đế cả đời yêu thương và kính trọng hơn cả thì đó chắc chắn là người vợ kết tóc của ông – Hoàng hậu Phú Sát thị.

Sinh thời, Phú Sát thị là con gái của Sát Cáp Nhĩ Tổng quản Lý Vinh Bảo, 16 tuổi đã thành thân với Bảo thân vương Hoằng Lịch.

Khi còn tại thế, vị Hoàng hậu này đã từng sinh cho Càn Long 2 vị hoàng tử và 2 công chúa. Trong số đó, nhị a ca và thất a ca đều được phong làm Thái tử, đây có thể xem là ân huệ vinh sủng hiếm có trong hậu cung.

Theo nhiều tài liệu chính sử ghi lại, tình cảm vợ chồng giữa Phú Sát thị và Càn Long đế rất mực tương kính và sâu đậm. Vị Hoàng hậu này lúc sinh thời cũng có nhiều đức tính, đặc biệt là rất cần kiệm và cư xử chuẩn mực.

Chỉ tiếc rằng vào năm Càn Long thứ 13, Phú Sát thị đột ngột qua đời ở tuổi 37 trong lúc cùng Hoàng đế đông tuần. Tang lễ của bà được Hoàng đế tổ chức theo quy cách long trọng nhất.

Nhà vua còn tự mình tế bái, đau buồn rất lâu, hơn nữa còn vì lễ tang của bà mà xử tội các hoàng tử, quan viên có thái độ cư xử thiếu lễ giáo.

Với một Hoàng đế nổi tiếng với nhiều giai thoại phong lưu như Càn Long, những việc làm nặng tình nặng nghĩa này có lẽ chỉ dành cho duy nhất Phú Sát Hoàng hậu.

Sự thật thứ ba: Vén màn thân thế của Hương phi

10 sự thật không có trên phim về hậu cung Càn Long: Đâu chỉ có chuyện bà cháu chung chồng - 1
Dung phi Hòa Trác thị (1734 - 1788), là phi tần người Duy Ngô Nhĩ với xuất thân Hồi giáo. Nhiều người tin rằng bà cũng chính là nguyên mẫu của nhân vật Hương phi.

Trong số các phi tần chốn hậu cung của Càn Long, hậu thế từ lâu đã quen thuộc với những giai thoại liên quan tới Hương phi. Nhân vật này thậm chí còn xuất hiện trong nhiều phẩm văn học nổi tiếng.

Theo giả thiết được ủng hộ nhiều nhất lý giải về thân thế của nhân vật trên, nguyên mẫu của Hương Phi bắt nguồn từ một vị phi tần ngoại tộc trong hậu cung Càn Long. Nàng

chính là phi tử duy nhất đến từ Tân Cương – Dung Phi.

Dung phi nhập cung vào năm 26 tuổi, đến năm 34 tuổi thì được phong lên hàng Phi vị và qua đời ở tuổi 54. Trong nhiều giai thoại trung cận đại, Dung Phi thường bị ngộ nhận là

nhân vật huyền thoại Hương phi – một mỹ nữ tuyệt thế cũng có nguồn gốc từ Duy Ngô Nhĩ.

Đa số các ý kiến đều đưa ra nhận định chung rằng Hương phi vốn không có thật trong lịch sử mà chỉ là một hình tượng được xây dựng dựa theo nguyên mẫu của Dung phi.

Sự thật thứ tư: Phi tần có số phận đáng tiếc nhất trong hậu cung Càn Long

Hãn Quý phi Đới giai thị nhập cung vào khoảng năm Càn Long thứ 17, từng sinh hạ cho Hoàng đế 2 vị công chúa nhưng đều không may yểu mệnh qua đời.

Vào năm Càn Long thứ 27, nhà vua có ý định tấn phong nàng từ hàng Phi lên làm Quý phi. Theo tài liệu ghi chép của phủ Nội vụ và Kính sự phòng, bấy giờ Càn Long thậm chí

đã viết xong thánh chỉ, chỉ tiếc rằng vị phi tần ấy lại đột ngột qua đời vì sinh khó.

Do đó, Hãn phi chẳng những không đợi được đến lễ tấn phong mà ngay tới cơ hội để được nhận sắc phong chính thức cũng không có, dù lúc ấy kim sách và kim bảo đã hoàn

thành.

Dù vậy, vị phi tần này vẫn được Hoàng đế dùng nghi lễ của Quý phi để an táng và được ghi thêm danh hiệu này vào sách lụa trước kim quan.

Sự thật thứ năm: Bà và cháu gái lấy chung một chồng

10 sự thật không có trên phim về hậu cung Càn Long: Đâu chỉ có chuyện bà cháu chung chồng - 2
Ít ai biết rằng hai vị phi tần cùng mang họ Phú Sát thị trong hậu cung của Càn Long lại có mối mối quan hệ là... bà cháu! 

Câu chuyện tưởng chừng như chuyện đùa này lại thực sự xảy ra trong hậu cung của Càn Long. Và cặp bà cháu chung chồng không ai khác chính là Phú Sát Hoàng hậu cùng

Tấn phi.

Nhiều năm sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, hậu cung nhà Thanh lại đón thêm một vị phi tử đến từ gia tộc Phú Sát thị. Người này là con gái của Chủ sự Đức Khắc

Tinh Ngạch, có Tằng tổ phụ là Đại học sĩ Mã Tề ( cũng là bá phụ của Phú Sát Hoàng hậu).

Như vậy nếu xét về vai vế trong dòng họ, Tấn phi thực chất là cháu gái của Hoàng hậu Phú Sát thị. Tuy nhiên ngay cả khi xuất thân từ cùng một gia tộc danh giá, vị phi tần nhập

cung muộn màng ấy vẫn không thể vượt qua cái bóng của người bà con xa năm nào.

Sống trong hậu cung suốt từ thời Càn Long cho đến đời Gia Khánh, bà vẫn chỉ là một Quý nhân và tới thời Đạo Quang mới chính thức được phong phi.

Mặc dù là người qua đời cuối cùng trong số các phi tần của Càn Long đế, nhưng Tấn phi lại không phải là người sống thọ nhất và cũng không được xem là "kẻ chiến thắng sau

cùng" trong cuộc chiến chốn thâm cung.

Sự thật thứ sáu: Giai thoại đau lòng về Hoàng hậu bị phế

Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị vốn là trắc phúc tấn của Càn Long từ khi ông còn là Bảo Thân vương. Sau khi Càn Long lên ngôi, bà được phong làm Nhàn phi khi mới 17 tuổi.

Mười năm sau đó, Ô Lạp Na Lạp thị tiếp tục được thăng lên làm Nhàn Quý phi.

Sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, bà tiếp tục được tấn phong thành Hoàng Quý phi và nắm quyền cai quản hậu cung. Lúc bấy giờ, Ô Lạp Na Lạp thị dù chưa chính thức trở

thành mẫu nghi thiên hạ những đã là người cao quý nhất trong số các phi tần hậu cung.

Tới năm Càn Long thứ 15, bà chính thức được tấn phong làm Hoàng hậu và sau đó hạ sinh cho nhà vua 2 Hoàng tử cùng 1 công chúa.

Năm Càn Long thứ 35, Ô Lạp Na Lạp thị có xích mích với Càn Long trong chuyến nam tuần. Thậm chí vì mâu thuẫn này, bà đã tự tay cắt tóc của mình.

Theo tập tục của người Mãn Châu, việc cắt tóc là điều đại kỵ nhất. Vì vậy hành động của vị Hoàng hậu này bị xem là một việc làm đại bất kính.

Ngay sau đó, Ô Lạp Na Lạp thị đã bị đưa vào lãnh cung. Bà qua đời trong sự ghẻ lạnh, không những không được hạ táng theo cấp bậc Hoàng hậu mà còn bị Càn Long thu hồi

các đạo sắc phong và bị coi như một phế hậu.

Sự thật thứ bảy: Vị Hoàng hậu cuối cùng của Càn Long đế

10 sự thật không có trên phim về hậu cung Càn Long: Đâu chỉ có chuyện bà cháu chung chồng - 3
Lệnh ý Hoàng quý phi Ngụy thị cũng là vị Hoàng hậu cuối cùng của Càn Long. Danh hiệu Hoàng hậu của bà được truy phong sau khi đã qua đời.

Sinh thời, Càn Long có tổng cộng 3 vị Hoàng hậu. Trong đó người thứ nhất là Phú Sát Hoàng hậu, người thứ 2 là Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị, còn người cuối cùng là Hiếu

Nghi Thuần Hoàng hậu Ngụy thị.

Khác với hai vị Hoàng hậu trước đó, Ngụy thị chỉ được truy phong thành Hoàng hậu sau khi đã qua đời. Nguyên nhân là bởi bà chính là người thân sinh ra Ái Tân Giác La Ngung

Diễm – tức Gia Khánh đế sau này.

Sự thật thứ tám: Phi tần sinh con gái càng được Hoàng đế sủng ái

Ngoại lệ hiếm hoi này thuộc về Đôn phi Uông thị - người sinh hạ công chúa cho Càn Long khi vị Hoàng đế ấy đã bước vào độ tuổi lục tuần.

Đôn phi Uông thị nhập cung vào năm 17 tuổi, mà Càn Long khi đó đã 53. Những tưởng ở độ tuổi này, việc có thêm con cái là một điều xa vời đối với nhà vua thì Đôn phi đã đem

tới cho ông niềm vui ngoài sự mong đợi bằng việc sinh hạ một cách cách.

Mặc dù sinh ra con gái, nhưng công chúa của Đôn phi lại ra đời vào đúng thời điểm. Càn Long vì vậy mà sủng ái vị phi tần này thậm chí còn hơn nhiều người sinh được hoàng tử.

Chỉ tiếc rằng Đôn phi vốn dĩ tính tình thiếu điềm đạm, từng đánh chết một cung nữ nên sau đó bị Càn Long giáng xuống làm Tần vị.

Sự thật thứ chín: Phi tử nhập cung sau cùng vẫn qua đời trước Hoàng đế

10 sự thật không có trên phim về hậu cung Càn Long: Đâu chỉ có chuyện bà cháu chung chồng - 4
Là vị Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, Càn Long cũng giữ kỷ lục về thời gian tại vị kéo dài tới hơn 6 thập kỷ.

Vị phi tử nhập cung muộn nhất của Càn Long chính là Tuân Quý phi. Bấy giờ, Tuân Quý phi vào cung khi mới 18 tuổi, còn nhà vua lúc này đã bước sang tuổi 66.

Như vậy, vị phi tần thuộc vào lớp sau cuối trong hậu cung này nhỏ hơn Càn Long tới 47 tuổi. Thế nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, ngay cả khi trẻ hơn Hoàng đế gần 50 tuổi,

Tuân Quý phi vẫn không sống thọ bằng Càn Long.

Vị phi tần này qua đời vào năm Gia Khánh thứ hai. Khi ấy Càn Long vẫn đang còn tại thế và ở ngôi Thái thượng hoàng.

Sự thật thứ mười: Người chiến thắng sau cùng trong hậu cung Càn Long là ai?

Vị phi tần được xem là người chiến thắng sau cùng trong hậu cung Càn Long vốn không phải là Tấn phi sống lâu nhất, cũng không phải là Tuân Quý phi nhập cung muộn nhất

mà lại là một nhân vật không nhiều người biết tới – Uyển Quý phi Trần thị.

Sinh thời, Trần thị có xuất thân từ Hán tộc và chỉ nhỏ hơn Càn Long 6 tuổi. Bà được miêu tả là người cả đời không màng chuyện tranh đoạt, càng không nhận được vinh sủng gì

đặc biệt, thậm chí còn chưa từng mang long thai.

Sở dĩ vị phi tử nhạt nhòa ấy lại trở thành người chiến thắng sau cùng là bởi bà đã "vượt mặt" Càn Long trên chính phương diện vốn là thế mạnh của ông. Đó chính là tuổi thọ.

Càn Long năm xưa sống đến năm 89 tuổi, thế nhưng Uyển Quý phi lại sống đến năm 92 tuổi mới qua đời. Không chỉ là vị phi tần hiếm hoi sống qua ba đời vua, bà còn là người

sống lâu nhất trong hậu cung Càn Long và cũng là người có tư lịch lâu nhất khi đã theo hầu hạ Hoàng đế từ lúc còn là Thân vương cho tới khi ông băng thệ.

Theo Trần Quỳnh (Trí Thức Trẻ)