Nước bẩn từ bồn cầu có thể văng lên độ cao 1,8 mét nếu bạn cọ rửa rồi giật nước khi bồn cầu vẫn mở nắp.
Dưới đây các chuyên gia của experthometips liệt kê những lỗi sai phổ biến mọi người mắc khi lau dọn nhà.
Chất tẩy sẽ tích lũy lên đó qua thời gian và trở nên khó lau rửa. Thay vào đó, xịt dung dịch làm sạch lên tấm vải, sau đó dùng tấm vải lau đồ đạc. Kỹ thuật này sẽ ngăn vết bẩn đọng lại, và bạn dùng tiết kiệm chất tẩy hơn.
2. Dùng chổi lông gà quét khắp mọi nơi
Chổi lông gà rất hữu ích khi lau những vị trí cao hoặc khó với. Nhưng không giống như khả năng thấm hút của giẻ ướt, nó không thực sự loại bỏ bụi bẩn, mà chỉ chuyển bụi từ chỗ này sang chỗ khác.
Thay vào đó, sử dụng các mảnh vải nhỏ thấm nước để loại bỏ bụi hiệu quả hơn.
3. Lau rửa sơ thớt thái
Bạn nghĩ rằng một chút nước nóng hoặc một ít nước rửa bát là đủ tẩy sạch mọi vết bẩn trên thớt sau khi thái thịt sống. Giải pháp này đúng với thực phẩm chín, nhưng để loại bỏ các vi khuẩn nguy hiểm từ đồ tươi sống, bạn cần thứ mạnh hơn: ngâm trong nước tẩy sau khi sử dụng.
4. Cọ rửa kính trong ngày nắng ấm
Ánh mặt trời làm bốc hơi nước và dung dịch tẩy rửa trước khi bạn đủ thời gian để hoàn tất. Nó sẽ để lại các vết bẩn, các vệt đọng của chất tẩy... chứ không giúp kính trong suốt như bạn nghĩ.
5. Gập chăn màn ngay sau khi ngủ dậy
Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất. Khi bạn gấp chăn màn, bạn ủ luôn cả vi khuẩn, bụi, nấm và hơi ẩm còn đọng ở trong chăn qua đêm, tạo ra môi trường ấm và ẩm để chúng sinh sôi.
Thay vì thế, hãy lật chăn lại, để nó khô tự nhiên, và thông khí cho giường. Vi khuẩn, nấm... sẽ khó sinh sống trong điều kiện này.
6. Quên làm sạch máy hút bụi
Bạn làm sạch nhà bằng máy hút bụi, nhưng bạn có thường làm sạch máy hút bụi? Tóc, rác có thể nén chặt lại khi bị gió thổi cuốn vào trong máy, bịt chặt bộ lọc, làm ảnh hưởng đến chức năng vận hành.
Để máy hút bụi hoạt động tốt, hãy chắc chắn bạn đã loại bỏ tóc, rác, bụi khỏi túi lọc sau mỗi lần sử dụng.
7. Không để chất tẩy rửa có thời gian phát huy tác dụng
Xịt chất tẩy rửa lên các bề mặt và lau ngay sau đó không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Hãy để chất tẩy có đủ thời gian tiếp xúc, phát huy tối đa tác dụng.
8. Giật nước cọ rửa bồn cầu khi vẫn mở nắp đậy
Bạn có biết nước từ bồn cầu có thể văng lên độ cao 1,8 mét. Vì thế, sau khi cọ rửa bồn cầu, nếu bạn giật nước trong tình trạng nắp mở, bạn đã góp phần phát tán đủ loại vi khuẩn vào nhà vệ sinh. Lần tới, hãy đóng nắp rồi mới giật nước.
9. Để chổi cọ toilet ẩm ướt quanh năm
Chổi cọ toilet cần được phơi khô sau mỗi lần sử dụng. Môi trường ẩm ướt sinh ra đủ loại vi khuẩn.
10. Quên làm sạch các dụng cụ cọ rửa
Nếu bạn bắt đầu cọ nhà bằng những cây chổi đầy bụi đất, bạn sẽ khiến việc làm sạch trở nên khó khăn hơn. Lần tới, hãy đảm bảo bạn sử dụng toàn bộ chổi, khăn, các tấm bọt biển... thật sạch rồi mới lau dọn nhà.
Theo T.An (VnExpress.net)