Phong cách thời trang được hình thành từ thời niên thiếu
Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung), sinh năm 1956, là con út trong một gia đình có 10 anh chị em. Cha anh là một nhà thiết kế nổi tiếng ở Hồng Kông và sở hữu một tiệm may. Đây là nơi thường xuyên lui tới của các ngôi sao Hollywood như đạo diễn Alfred Hitchcock hay các tài tử như Marlon Brando và Gary Grant. Có lẽ vì vậy mà niềm đam mê thời trang của Trương Quốc Vinh đã được nuôi dưỡng từ nhỏ dù anh từng thừa nhận mình không có tuổi thơ vui vẻ.
Năm 13 tuổi, anh đi du học tại Anh và theo đuổi ngành Quản lý dệt may. Trương Quốc Vinh chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa nhạc pop phương Tây, anh đặc biệt thần tượng tài tử James Dean. Những ngày đầu vào nghề, anh ưa chuộng phong cách trẻ trung, nổi loạn và lãng mạn qua những trang phục đơn giản như áo phông, quần jeans kết hợp với áo khoác.
“Ca ca” Trương Quốc Vinh là người có phong cách thời trang dẫn đầu xu hướng. Vào những năm 70, giới nghệ thuật còn khá bảo thủ, các nghệ sĩ thường mặc suit cùng cà vạt. Khi đó, Trương Quốc Vinh là người đầu tiên mặc vest và quần jeans lên sân khấu và bị nhiều người, trong đó có nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Thiêm, chỉ trích trang phục biểu diễn của anh không đủ trang trọng.
Luôn là người dẫn đầu xu hướng thời trang
Đến thập niên 80, Trương Quốc Vinh trở thành ca sĩ thần tượng hàng đầu của giới trẻ Hồng Kông. Anh cùng Đàm Vịnh Lân khi đó đang ở trong “cuộc đua song mã”, cả hai đều sở hữu hàng loạt những ca khúc nổi tiếng như Monica, Bằng hữu... Tuy nhiên, xét về thời trang thì Trương Quốc Vinh luôn là người tiên phong. Mặc dù Hồng Kông có nhiều ngôi sao tên tuổi quốc tế, “Ca ca” vẫn là người đầu tiên diện trang phục của Giorgio Armani.
Kể từ năm 1986 Trương Quốc Vinh là nhà thiết kế hình ảnh cho album của mình. Các bìa album của anh đều được đánh giá cao về thời trang và concept. Khi đang ở trên đỉnh cao của làng âm nhạc, Trương Quốc Vinh đột ngột tuyên bố giã từ sự nghiệp ca hát của mình và tập trung vào điện ảnh. Anh ghi dấu ấn nhờ lối diễn xuất ấn tượng. Những trang phục được anh mặc trong phim cũng trở thành xu hướng và khiến người hâm mộ dõi theo.
Cụ thể, chiếc áo khoác DKNY anh mặc trong phim Xuân quang xạ tiết từng trở thành trào lưu. Những bộ vest Dior Homme anh mặc trong các phim như Tung hoành tứ hải cũng được nhiều người yêu thích.
Trương Quốc Vinh đã khiến cho những bộ quần áo trở nên thời trang hơn, nhiều người từng nhận xét về anh: "Ngoại hình xuất sắc dễ kiếm, khí chất phi thường khó tìm".
Giản dị trong phong cách thường ngày
Thời trang của Leslie gắn liền với từng giai đoạn cuộc đời. Giữa những năm 90, khi đã thành công trong sự nghiệp, anh trở về với những gì bình dị nhất. Anh chia sẻ: “Tôi đã đi qua giai đoạn chỉ mặc đồ hiệu. Trước đây, nếu tôi không mua những món đồ của Giorgio Armani, Versace, Ralph Laurent hay Prada, tôi sẽ cảm thấy mình quê mùa”. Với trang phục thường ngày, anh hướng đến phong cách giản dị từ những thương hiệu ít nổi tiếng hơn.
Khi Lâm Thanh Hà cưới ông chủ của tập đoàn ESPRIT Holdings, Trương Quốc Vinh cũng ủng hộ người bạn của mình bằng cách mua quần áo của nhãn hàng này. Anh yêu thích áo sweater của ESPRIT. Ngoài ra, Leslie còn ưa chuộng những trang phục đơn giản như hoodie hay áo polo từ các thương hiệu Levi’s, Converse, GAP, Lacoste…
Trương Quốc Vinh luôn là một nghệ sĩ có tính cá nhân mạnh mẽ và không ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Khi quay trở lại sân khấu ở tuổi tứ tuần, anh có sự lột xác táo bạo trong phong cách thời trang. Thông qua đó, anh phá vỡ hết mọi chuẩn mực thông thường của cái đẹp vốn đóng khung dành riêng sẵn cho hai giới từ bấy lâu nay.
Trương Quốc Vinh là nghệ sĩ thứ hai sau Madonna được ông hoàng khó chiều trong làng thời trang nhận lời thiết kế đồ diễn riêng. Nguyên do là ông quá yêu thích nhân vật Trình Điệp Y mà Trương Quốc Vinh thể hiện trong Bá Vương biệt cơ - tác phẩm đã đưa tên tuổi anh vang danh nền điện ảnh quốc tế. Với concept From Angel to Devil, tour diễn Passion Tour đã thể hiện một tầm cao mới trong thời trang và nghệ thuật đại chúng Hồng Kông.
Trong tour diễn, anh Trương Quốc Vinh lên người bộ suit nam tính, chân lại mang đôi giày cao gót màu đỏ đặc trưng của phụ nữ. Anh đội mái tóc giả dài xõa ngang lưng, tự tin mặc những chiếc váy xòe duyên dáng, cằm lún phún những sợi râu của người đàn ông trưởng thành. Tất cả những gì anh thể hiện trên sân khấu đều nhằm định hướng công chúng: "Bản thân nghệ thuật là không phân biệt giới tính".
Những giá trị về thời trang và nghệ thuật còn sống mãi
Passion Tour bị giới truyền thông công kích gay gắt tại thời điểm đó. Tuy nhiên, tour diễn đã nhận được những đánh giá cao từ giới nghệ thuật, trong đó có nữ ca sĩ Madonna.
Nhà thiết kế Jean Paul Gaultier đã bất bình với những chỉ trích hà khắc dành cho Trương Quốc Vinh đến nỗi ông gửi email cho anh rằng người Hồng Kông chẳng hiểu như thế nào về thời trang.
Một sự thật không thể phủ nhận là Trương Quốc Vinh đã mang tầm vóc của một nghệ sĩ lớn, một biểu tượng văn hóa của Hongkong và châu Á. Anh có tầm nhìn xa để trở thành một người dẫn đầu. Những bộ trang phục mà nhiều người cho là "quái dị", "không hợp với văn hóa Á Đông" đã trở nên rất bình thường trong vài năm sau.
Đã 16 năm kể từ ngày Trương Quốc Vinh ra đi nhưng người hâm mộ vẫn còn nhớ đến những tác phẩm nghệ thuật và tinh thần cống hiến hết mình cho cái đẹp của anh. Dù cuộc đời Trương Quốc Vinh đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 47, những giá trị to lớn về thời trang và nghệ thuật của anh sẽ còn tồn tại mãi với năm tháng.
Theo Thụy Phụng (Tri Thức Trực Tuyến)