Triều Tiên là một quốc gia biệt lập, đời sống của người dân nước này luôn là câu chuyện hấp dẫn trên mặt báo phương Tây. Chuyện ăn mặc của người Triều Tiên cũng bị hạn chế với những quy định nghiêm khắc.
Họ không có cơ hội tiếp cận xu hướng thời trang thế giới, mà chủ yếu mặc quần áo đơn sắc, tối màu. Diện trang phục lòe loẹt, kiểu cách hoặc khác lạ sẽ bị coi là Tây hóa và có thể bị phạt.
Nói không với quần jeans xanh, giày cao gót
Quần jeans nói chung bị cấm một thời gian dài ở Triều Tiên vì trang phục này được cho là gắn liền với nước Mỹ. Phụ nữ Triều Tiên thường mặc những bộ váy cổ điển từ thập niên 40, trang phục công nhân, đồng phục quân đội hoặc hanbok truyền thống.
Theo The Guardian, tại thủ đô Bình Nhưỡng, việc ăn mặc của người dân bị kiểm soát rất chặt chẽ dù không có bất cứ văn bản chính thức nào được ban hành. Đội tuần tra có tên Youth League sẽ chặn đường và tra hỏi bất cứ ai họ cảm thấy ăn mặc không đúng nguyên tắc. Phụ nữ mặc quần, trang phục ngắn, bó sát đều dễ dàng lọt vào tầm ngắm.
"Tại Triều Tiên, việc mặc gì, xuất hiện trước đám đông ra sao không còn là lựa chọn của từng cá nhân. Nó phụ thuộc vào những chính sách, những quy định nghiêm khắc. Ở đó, thời trang là cách dễ nhất và rõ ràng để thể hiện quan điểm chính trị của người mặc", Suk-young Kim, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Triều Tiên tại Đại học California, Santa Barbara cho biết.
Song Eun-byul, một phụ nữ sống tại thị trấn gần biên giới Trung Quốc, chia sẻ với The Guardian cô từng bị "sờ gáy" vì đi đôi boots cao gót có khóa kéo. "Đôi boots đó rất mới, đẹp và ai cũng tò mò", Song miêu tả.
Song không biết chính xác vì sao đôi boots của cô lại không được chấp nhận, có lẽ chỉ đơn giản vì chúng khác lạ.
Han Myong-hee, một phụ nữ độ tuổi 30, cho biết cái gì càng bị cấm, các cô gái trẻ càng muốn mặc và thực tế họ vẫn lách luật. Khi phát hiện ai đó mặc quần bó sát ra đường, Han khuyên họ nên đi vào đường tắt để tránh đội tuần tra.
"Chính phủ yêu cầu mọi người mặc quần ống đứng, nên họ thích quần bó sát hoặc quần ống loe", Han giải thích. Với Han, những quy định hà khắc về trang phục không đáng sợ, mà chỉ gây phiền toái.
Tuy nhiên, cô không mong muốn chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm bởi "Đó là vấn đề xung đột văn hóa. Nếu chúng ta chuộng sản phẩm quốc tế, chúng ta sẽ không quan tâm đến sản phẩm của nước mình. Họ cần kiểm soát để điều đó không xảy ra".
Thay đổi để bắt nhịp xu hướng thế giới
Theo ghi nhận của nhiếp ảnh gia Singapore Aram Pan vào năm 2014, gu ăn mặc của người dân Triều Tiên có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là phụ nữ. Anh đã thấy nữ giới mặc quần, đi giày cao gót, diện trang phục sáng màu xuống phố. Không chỉ ở Bình Nhưỡng, phụ nữ tại các vùng nông thôn cũng bắt đầu ăn vận thời trang hơn.
Năm 2017, khi nhà báo Carol Giacomo của The New York Times có dịp đến Triều Tiên, cô ngạc nhiên khi thấy mọi người ăn vận sắc màu trẻ trung và kiểu cách hơn những gì cô nghĩ.
"Màu đen và màu xám vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nhưng những màu khác như hồng, tím, trắng đã phổ biến hơn. Người Triều Tiên mặc rất kín đáo, thận trọng, ngay cả khi đi công viên. Chân váy thường có độ dài trên đầu gối. Quần jeans xanh tuyệt đối không xuất hiện ở đây".
Cũng theo tác giả Giacomo, kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền vào năm 2012, ông mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thời trang cao cấp. Vợ ông, bà Ri Sol-ju, đặc biệt yêu thích những bộ váy được may vừa vặn, gọn gàng. Bà được coi là biểu tượng thời trang của phụ nữ Triều Tiên.
"Các cô gái cầm trên tay những chiếc ví rất thời trang, nhưng chúng tôi không được phép bước chân vào bất cứ gian hàng nào. Việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm thời trang là không thể", Giacomo kể lại.
Trình diễn thời trang ở Bình Nhưỡng: Có gì khác biệt?
Một chi tiết bất ngờ là mỗi năm Triều Tiên đều đặn tổ chức một chương trình thời trang lớn tại thủ đô Bình Nhưỡng, giới thiệu những mẫu trang phục mới nhất. Sự kiện thường diễn ra trong hai ngày và thu hút hàng nghìn người đến xem.
Tháng 9/2014, nhiếp ảnh gia Aram Pan có cơ hội tham dự triển lãm thời trang Pyongyang Fashion Exhibition lần thứ 12. Pan cho hay những người có mặt tại buổi trình diễn chủ yếu là các chủ cửa hiệu thời trang.
Họ đến để chiêm ngưỡng các mẫu mới và sau đó đặt hàng với nhà thiết kế. Mỗi bộ trang phục đều được đánh số, vì vậy, người xem có thể dễ dàng đặt hàng.
Bên cạnh những mẫu hanbok truyền thống, các người mẫu lần lượt trình diễn các mẫu váy, skirt suit... Pan nhận xét chân váy đã được cắt ngắn hơn, cổ áo khoét sâu hơn nhưng nhìn tổng thể những bộ cánh vẫn này vẫn cũ kỹ, không còn xuất hiện trên sàn diễn phương Tây đã nhiều năm.
"Những người dân địa phương không phải chủ shop cũng có thể tham dự triển lãm. Tôi nhớ hôm đó khán phòng có hơn 1.000 khách và đã chật kín", Aram Pan nói.
Theo Ly Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)