Từ một trong ba màu cơ bản, sắc đỏ ngự trị trong văn hóa đại chúng như một "đại sứ" cho thời trang, sắc đẹp, quyền lực, giận dữ, tội lỗi và cả chết chóc. Những đạo diễn và nhà thiết kế có thể dễ dàng biểu hiện chúng qua màn ảnh hoặc sàn catwalk, thế nhưng trải qua thời gian, màu đỏ chứng tỏ sức sống của riêng mình. Hãy nhìn các quán cà phê tại Paris với phần mái màu đỏ nhô ra, ánh lên dưới nắng vàng hoặc chiếc xe bus màu đỏ nổi bật giữa làn sương mù London.
Hiệu ứng "chiếc váy đỏ" quan niệm đang gây tranh cãi về việc liệu những người mặc quần áo màu đỏ, ví dụ như chiếc váy màu đỏ, được cho là hấp dẫn tình dục hơn so với khi mặc những màu khác hay không. Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận sự lôi cuốn mà trang phục màu đỏ đem lại, cũng nhờ đóng góp rất nhiều từ điện ảnh khi đem tới những bộ váy đỏ đẹp đến mê hồn.Chiếc váy đỏ đồng nghĩa với sự thanh lịch và khiêu khích đã tồn tại trên màn ảnh với nhiều phiên bản khác nhau. Ngay từ thập niên 40, nàng O'Hara kiêu kỳ của Cuốn Theo Chiều Gió đã tự tin khoác lên mình bộ đầm đỏ đẹp đến nao lòng.
Chiếc váy đỏ đồng nghĩa với sự thanh lịch và khiêu khích đã tồn tại trên màn ảnh với nhiều phiên bản khác nhau. Ngay từ thập niên 40, nàng O'Hara kiêu kỳ của Cuốn Theo Chiều Gió đã tự tin khoác lên mình bộ đầm đỏ đẹp đến nao lòng.
Thập niên 50 được đánh dấu bằng những Marilyn Monroe và Jane Russell, rực rỡ và khêu gợi trong những chiếc váy lấp lánh ôm sát của phim Gentlemen Prefer Blondes (Quý Ông Ưa Các Nàng Tóc Vàng).
Cũng trong thời gian đó, một Audrey Hepburn trẻ trung trong Funny Face (Gương Mặt Khôi Hài, 1957) lại đem lại vẻ đẹp sang trọng cho chiếc đầm đỏ cô mang. Trước khi Breakfast at Tiffany's (Điểm Tâm Ở Tiffany) chinh phục thế giới năm 1961 thì Audrey cũng đã đẹp đến mê mẩn trên màn bạc.
Năm 2001, Moulin Rouge! (Cối Xay Gió Đỏ) chiến thắng Oscar ở hạng mục Phục trang phim xuất sắc. Không thể quên được cảnh phim nhân vật của Nicole Kidman đẹp "ngạt thở" trong chiếc váy đỏ hồng ngọc tượng trưng cho đam mê và quyến rũ.
Còn quá nhiều hình ảnh về chiếc váy đỏ để lại lưu luyến cho khán giả. Chúng trở thành công cụ để các nhân vật trút bỏ vẻ ngoài gai góc hoặc non nớt, trở thành một "người đàn bà đẹp", tràn trề sức sống và đầy hấp dẫn. Chúng là tấm vé để phụ nữ có được ấn tượng sét đánh từ người đối diện, thu hút sự chú ý từ mọi người, khiến họ càng tự tin với "vũ khí" nhan sắc của mình.Từ bộ đầm đã "lột xác" cho nàng Vivian Ward trong Pretty Woman, cho tới một Emilia Clarke vụng về nhưng rực rỡ trong Me Before You (Trước Ngày Em Đến). Chàng trai nào có thể kìm lòng được trước một mĩ nhân thế kia chứ:
Điện ảnh không bao giờ chỉ là cái đẹp và sức hút. Trong cuốn tiểu thuyết The Scarlet Letter (Chữ A Màu Đỏ) của mình, Nathaniel Hawthorne đã chồng lên sắc đỏ một định nghĩa nghiệt ngã: chữ A đỏ thắm được thêu trên ngực áo của nàng Hester Prynne tố cáo nàng tội ngoại tình, chữ A nổi bật trên bộ quần áo đen trắng như một tấm biển nói cho cả xã hội biết nàng là kẻ đàng điếm, một người phụ nữ đáng hổ thẹn.
Series truyền hình The Handmaid's Tale đã nâng sức mạnh kể chuyện, sức mạnh tố cáo của màu đỏ lên một thứ vũ khí. Đó là màu của tử cung, của kinh nguyệt tượng trưng cho khả năng sinh sản nơi người đàn bà. Các cô hầu gái - từng là những người tự do - phải mặc những chiếc váy đỏ dài để nhấn mạnh vai trò của mình tại xứ Gilead: hàng tháng họ sẽ bị các Tư lệnh tối cao cưỡng bức. Những đứa trẻ sinh ra sau đó sẽ bị các bà vợ của Tư lệnh cướp đi để duy trì giống nòi cho Gilead.
Cũng giống như The Scarlet Letter, màu đỏ trong thế giới của The Handmaid's Tale đại diện cho tội lỗi. Những phu nhân của Tư lệnh coi hầu gái không hơn súc vật, phỉ nhổ họ vì sự không trong trắng. Thật trớ trêu, trong khi lịch sử nói rằng màu đỏ đại diện cho quyền lực thì ở đây, thứ sắc đỏ nhung trên váy của các hầu gái chỉ nói lên cái quyền duy nhất của họ là sinh sản.
Trong Twin Peaks, David Lynch đã dựng lên "Căn Phòng Đỏ" Red Room làm không gian kẽ hở từ vũ trụ song song, nơi mà những bí ẩn và "nửa sự thật" được phơi bày, giải mã. Màu đỏ với thế giới của David Lynch, là thứ màu sắc của tò mò, quyến rũ và lừa gạt.
Quái kiệt Ingmar Bergman thì sử dụng nội thất màu đỏ trong Cries and Whispers làm người xem rối bời. Cảnh phim kinh điển lấy bối cảnh một cặp chị em chăm sóc một em gái thứ ba trên giường bệnh. Biệt thự gia đình, với các tầng và tường màu đỏ thẫm, trở thành nơi mà trí nhớ, thực tế, tâm tư nhân vật và tất cả mọi thứ khác đều trở nên bối rối.
Bergman đã viết về màu sắc trong kịch bản của ông thế này: "Kể từ thời thơ ấu, tôi đã hình dung tâm tưởng mình như một mảnh ký ức ẩm ướt màu đỏ." Màu sắc ấy, giống như trong các bức tranh Rothko, tựa hồ cảm giác bức bối trong khoảnh khắc khi ta nhắm mắt lại.
Có lẽ hình ảnh đáng nhớ nhất khi nhắc tới sức mạnh của màu sắc trên màn ảnh phải kể tới cô bé mặc chiếc áo khoác đỏ trong Schindler’s List. Một bé gái vô tội, hoảng hốt và vô định nổi bật lên giữa phông nền đen trắng khu gettô cho người Do Thái ở Krákow. Đó là hình ảnh có sức mạnh thay cho triệu lời nói, trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho Oskar Schindler tiến hành chiến dịch giải cứu biết bao mạng người.
Đối nghịch với màu xanh của sự sống, sắc đỏ hay được các nhà làm phim đặt vào bối cảnh của bạo lực để từ đó bộc lộ sự khắc nghiệt, những lựa chọn sống còn của nhân vật. Tương tự, cảnh phim chiến đấu trong gian phòng của Snoke và đua máy bay trên cánh đồng muối trong Star Wars: The Last Jedi (Star Wars: Jedi Cuối Cùng) đã để màu đỏ đánh thẳng vào cảm xúc của khán giả.
Là một màu sắc có khả năng để lại ấn tượng thị giác mạnh mẽ, từ lâu màu đỏ đã được sử dụng như một công cụ kể chuyện hữu hiệu trên màn ảnh. Từ những bộ trang phục cho tới nội thất, môi trường, những người đạo diễn, biên kịch và cả diễn viên đã đem tới vô vàn sắc thái cho một màu cơ bản mà không thể mô tả được ở bất kỳ thứ ngôn ngữ nào khác.
Theo Ngọc King (Trí Thức Trẻ)