Người mẫu là một ngành nhiều rủi ro, cám dỗ và nguy cơ đào thải cao, đó là điều không còn phải bàn cãi .Tuy nhiên, còn một thực tế phải thừa nhận là hiện nay, trong ngành thời trang, "miếng bánh" cơ hội dành cho mẫu nam khá ít ỏi, thậm chí gần như hiếm so với mẫu nữ.
Có hay chăng một "bất công" giới tính trong ngành nghề tưởng chừng như luôn vinh danh câu chuyện bình đẳng giới này?
Thưa không - chẳng hề có gì là "bất công" ở đây cả, nghiễm nhiên một điều là so với mẫu nữ, mẫu nam hiện tại dù đặt trong ngành công nghiệp thời trang trên cả thế giới về cơ hội phát triển cũng ít hơn so với mẫu nữ bởi xu thế thị trường.
Hiếm có show diễn dành cho mẫu nam
Một show diễn hiện tại từ một NTK thì tỉ lệ trang phục dành cho người mẫu nam chỉ là 1/6, cũng như xoay quanh các kiểu đồ basic như vest, chemise... hoặc quần short, khoe hình thể. Người mẫu nam như một điểm nhấn nhỏ khá thú vị trong show diễn chứ không có cơ hội được trở thành spotlight.
Nếu xét tỉ lệ của những chương trình Tuần lễ thời trang, cũng thấy rõ số lượng show diễn, cơ hội của mẫu nam là hạn hẹp, trong khi đó số lượng người mẫu mỗi năm lại mỗi tăng lên nhiều lần.
Tuy thế, không thể trách hay yêu cầu các NTK nâng tầng suất sản phẩm lên. Bởi cán cân thị trường hầu như chỉ nghiêng về mảng trang phục nữ, khách hàng chịu bỏ hầu bao cũng là nữ, còn số lượng những anh chàng yêu thích mua sắm, chưng diện bản thân hầu như chỉ đếm trên đầu bàn tay... Nếu nhu cần nhiều hơn, ắt các NTK phải tự tìm cách cân bằng.
Cơ hội được booking chụp ảnh, quảng cáo cũng bị chia 5, xẻ 7
Cơ hội trên runway là thế, còn về khả năng được nhãn hàng booking, chụp ảnh cũng vô cùng hiếm hoi. Người mẫu nam hiện nay phân thành 2 hướng; Người mẫu 6 múi, cơ bắp và các anh chàng mảnh dẻ dáng cao ráo, trong số đó, đa phần nhãn hàng đều có thiên hướng lựa chọn các người mẫu ở vế sau hơn, bởi phần lớn khách hàng không phải ai cũng có cơ thể vạm vỡ, rắn rỏi để từ đó soi chiếu và tạo cảm giác muốn mua trang phục...
Dù vậy, hiện nay "miếng bánh" cho thị phần mẫu ảnh này ngày nay cũng đang thu hẹp lại. Với sự phát triển và thống trị của mạng xã hội, nhiều diễn viên, nghệ sĩ, Youtuber hay KOLs với lượng follow "khủng" lên ngôi, thì nhãn hàng bắt đầu ngắm nghía họ cho chính vị trí người mẫu - người đại diện cho thương hiệu mình dù chi phí trả ra có cao hơn.
Các người mẫu bình thường bắt đầu phải loay hoay tìm hướng đi khác như MC, diễn viên, ca sĩ... để phát triển bản thân. Thị trường càng hẹp, yêu cầu đặt ra càng khó khăn, ai đa tài nhất sẽ trụ lại được!
Định hướng để phát triển, bật thành KOLs cũng khó khăn
Trong cơn lốc mạng xã hội với quá nhiều những nam thanh, nữ tú nổi lên mỗi ngày, rất nhiều người mẫu bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh, làm Vlog hay Youtuber để phát triển bản thân thành một KOLs - người có tầm ảnh hưởng với cộng đồng.
Từ đó kéo về những hợp đồng béo bở nơi nhãn hàng đại diện. Tuy nhiên tính đến nay chỉ có Quang Đại là người mẫu nam xây dựng khá tốt hình ảnh bản thân, còn lại vẫn đang loay hoay tìm đường vẽ lối.
Không phải các mẫu nam hiện nay không có tài năng, nhưng cứ thử nhìn những thương hiệu hiện tại có định hướng sử dụng KOLs, 80% trong đó đánh đến đối tượng là nữ, 19% còn lại là các thương hiệu luxury, life style như nhà cửa, du lịch, xe cộ hay phụ kiện đắt đỏ, rõ ràng đối tượng này hướng đến là những người sở hữu hầu bao rủng rỉnh, có lối sống hiện đại.
Vậy tiêu chí booking KOLs của họ thông thường là các doanh nhân trẻ tuổi, hoặc thiểu số các người mẫu nam xây dựng được tên tuổi và thành công nhất định (Bình Minh, Vĩnh Thụy...) - những cái tên đã được khoanh vùng và chỉ còn 1% cho các mẫu nam sáu múi để làm đại diện thương hiệu nơi các trung tâm thể thao hiện đại.
Mẫu nữ được ưu ái, mẫu nam nằm dài ế show, lâu nay đây vẫn là vấn đề tồn đọng khiến nhiều công ty người mẫu chuyên nghiệp của Việt Nam cũng như thế giới đau đầu tìm bài toán.
Hi vọng với sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang, thực trạng buồn này sẽ sớm được giải quyết để tạo cân bằng và động lực phấn đấu của cả hai giới người mẫu.
Theo Khôi Ngô (Saostar.vn)