Nghe có vẻ lạ, nhưng chính những bức xạ có trong các thiết bị điện tử là nguyên nhân khiến bạn phải bôi kem chống nắng đấy.
Bạn không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhưng những bức xạ do các thiết bị công nghệ bạn đang dùng như điện thoại, máy tính, ti vi,..cũng nguy hiểm không kém. Cơ chế các bức xạ tác động trên da hoàn toàn tương tự như việc bạn không sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài vậy. Một trong những bức xạ nguy hại nhất có tên gọi Blue light hay Ánh sáng xanh.
Bức xạ ánh sáng xanh chính là tia HEV có trong ánh sáng mặt trời
Hầu hết mọi người đều biết ánh sáng xanh trên màn hình điện thoại rất nguy hại. Đây là một trong những nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở mắt và xuất hiện triệu chứng trầm cảm đối với con người.
Tuy nhiên, trên khía cạnh da liễu, người ta hay gọi ánh sáng xanh là High Energy Visible (HEV). Tương tự như tia UV, HEV là bức xạ nhìn thấy có năng lượng cao trong ánh sáng mặt trời. Mặc dù tia HEV có bước sóng dài hơn (cỡ 400 đến 500 nm) và có năng lượng thấp hơn, tuy nhiên thì chúng cực kỳ dễ dàng tấn công vào da sâu hơn cả UVA và UVB.
Tiến sĩ Mary Logue thuộc Đại học New Mexico, tác giả những nghiên cứu liên quan đến tác động của ánh sáng xanh tới cơ thể người, nói với Reuters Health: "Những thiết bị thường được sử dụng cho truyền thông hoặc giải trí như TV, máy tính và điện thoại đều chứa các ánh sáng xanh, do đó bạn không thể ngăn chặn các ánh sáng phản chiếu trừ khi bạn có thể không nhìn thấy ánh sáng trên màn hình''. Rõ ràng đây là điều không thể thực hiện được đối với cuộc sống công nghệ của chúng ta hiện nay.
Chuyên gia da liễu nói gì về HEV
Nói về tác hại của tia HEV đối với da, bác sĩ da liễu Horward Murad cho biết: "Tia HEV thậm chí còn xâm nhập sâu vào da hơn cả tia UV nhưng chúng lại xuất hiện trong các thiết bị công nghệ bạn sử dùng hàng giờ như điện thoại, máy tính. Da bạn sẽ có những dấu hiệu lão hóa như không đều màu và hình thành những nếp nhăn trước tuổi''.
Chuyên gia Howard tin rằng kem chống nắng sẽ giải quyết hoàn toàn những tác hại của tia HEV |
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, bức xạ này hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu như sử dụng những sản phẩm chứa các hoạt chất chống nắng, dù là vật lý hay hóa học."Kem chống nắng chính là chìa khóa. Bạn không chỉ bôi chống nắng hằng ngày mà còn phải ăn nó nữa". Nghe có vẻ lạ nhưng đây lại là sự thật. Những loại rau củ có màu xanh đậm như rau bina, rau ngót,...có đầy đủ các chất chống oxi hóa như như polyphenol và carotenoid, có thể bảo vệ da tự nhiên khỏi ánh nắng mặt trời.
Đọc thành phần kem chống nắng để bảo vệ da
Tuy nhiên, không phải kem chống nắng nào cũng có thể bảo vệ da khỏi tia HEV. Các sản phẩm chống nắng có chứa thành phần như Zinc Oxide and Titanium Dioxide (kem chống nắng vật lý); Avobenzone và Oxybenzone (kem chống nắng hóa học) chỉ có thể bảo vệ da dưới tác động của UVA và UVB. Với mức độ thâm nhập sâu rộng của HEV, cần có những hoạt chất hoạt động mạnh hơn, đó là Lutein và Vitamin C.
Lutein là một loại carotenoid, có nghĩa là màu, hoặc sắc tố tự nhiên, được tìm thấy trong các loại rau lá xanh như rau bina, các loại trái cây và bắp. Đây cũng là một chất chống oxy hóa, đào thải hoặc làm giảm các gốc tự do nguy hại có mặt ở các bộ phận của cơ thể. Lutein lọc đi tới 90% các bước sóng màu xanh có năng lượng cao do các ánh sáng hữu hình và các quang phổ gây ra.
Vitamin C, nổi tiếng trong việc làm sáng da và ngăn ngừa nám, nhưng hơn cả, nó còn là một chất chống oxi hóa cực mạnh, sửa chữa các tác hại do các bức xạ gây ra. Bác sĩ Dennis Gross, với hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực da liễu đã ca tụng Vitamin C là một chất ''ounce for ounce", nghĩa là với cùng một lượng tương ứng, vitamin C đem lại hiệu quả giá trị gấp nhiều lần so với các chất Photoprotection (chống tác hại từ ánh sáng) cùng định lượng khác. Do đó, những kem chống nắng chứa Vitamin C hay các dạng phái sinh như Ascorbic Acid, Magnesium ascorbyl phosphate, Sodium ascorbyl phosphate,..sẽ là lựa chọn thông minh hơn cả.
Theo H.Trịnh (Trí Thức Trẻ)